(KTSG) - Vốn được xem là “vùng trũng” trong các hoạt động du lịch văn hoá, tuy nhiên bằng sự chuyển mình ngành bảo tàng đang tạo dựng cho mình vị thế, dần trở thành địa chỉ hấp dẫn với du khách nhờ thích ứng nhanh với xu hướng số hóa.
- Bảo tàng chờ dòng vốn đầu tư để gia tăng sức hút
- Con đường đi bộ: những bảo tàng văn hóa, xã hội sống động
Tham quan bảo tàng bây giờ đang trở nên thú vị hơn trong mắt du khách. Đó là nhờ các bảo tàng đã mạnh dạn đưa công nghệ vào việc tiếp cận khách tham quan cũng như hoạt động trưng bày, giúp du khách có nhiều khám phá mới mẻ và mảng du lịch không chạm này ngày càng đến gần với du khách.
Ứng dụng “số” vào bảo tàng nhiều hơn
Từng trải nghiệm chuyến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng ứng dụng 3D tour trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Chỉ cần ngồi tại nhà, dùng một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet là tôi đã có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng mà không cần phải đến tận Hà Nội. Điều thú vị nữa là tôi vừa được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật, cổ vật... vừa được nghe lời giới thiệu rất cụ thể, rõ ràng về các chủ đề trưng bày như đang có mặt ở bảo tàng”.
Ngoài 3D tour, bảo tàng còn sử dụng các ứng dụng thông minh như quét mã QR, công nghệ thực tế ảo (VR)… để làm phong phú cách thức trưng bày của bảo tàng cũng như cách tiếp cận của du khách.
Cụ thể, không cần đến hướng dẫn viên, khách tham quan vẫn có thể tìm hiểu những thông tin sâu về hiện vật khi sử dụng phần mềm iMuseum quét mã QR code trên các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. Còn với Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES), người xem có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi trên toàn thế giới, chỉ cần có thiết bị kết nối Internet…
“Giờ đây đến bảo tàng, bên cạnh việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm hiệu ứng thị giác nhờ công nghệ số”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nói.
Cuộc thăng hạng lên bảo tàng số không dừng lại ở đó, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục nâng cấp mình bằng hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” dành cho khách trực tiếp đến bảo tàng. Theo đó, khách tham quan không còn bắt buộc phải đến tận quầy để mua vé vào bảo tàng mà có thể mua trực tuyến từ bất kỳ nơi đâu, ngay cả trước khi chuyến du lịch bắt đầu.
Theo ông Minh, điều này rất tiện cho các đoàn du khách trong hoặc từ nước ngoài đến bởi hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành chủ động xếp lịch trình, đặt vé tham quan bảo tàng cho khách đoàn, tránh được tình trạng xếp hàng rồng rắn, đợi lấy vé, soát vé rất mất thời gian hay tránh được trường hợp quá nhiều đoàn đến cùng một lúc gây quá tải, làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của bảo tàng.
“Đặc biệt, hệ thống vé điện tử này có thể liên thông với nhiều địa điểm du lịch khác, mang lại trải nghiệm toàn hành trình cho du khách. Bên cạnh đó, hình thức vé điện tử giúp đơn vị loại bỏ vé giấy truyền thống, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm rác thải và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Thực tế, xu hướng tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa của bảo tàng nói riêng và du lịch nói chung đã mang về những kết quả đáng ghi nhận.
“Bên cạnh việc trưng bày truyền thống, bảo tàng còn ứng dụng công nghệ để tác phẩm nghệ thuật sống động hơn, nâng cao thị giác của công chúng, nhất là các bạn trẻ. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, bảo tàng đón tiếp 80-90% là khách trong nước, trong đó, phần đông là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Đây cũng là một trong các kết quả tích cực của việc số hóa tại bảo tàng được ghi nhận”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
Tìm được “chìa khóa” nhưng không dễ “mở”
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, xu hướng chuyển đổi số đang được xem như chìa khóa giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững hơn, nâng tầm trải nghiệm cho du khách thông qua những ứng dụng công nghệ thông minh. Đây là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp nâng cao chất lượng nội dung, dịch vụ mà còn tăng khả năng kết nối, quảng bá đến du khách. Tuy nhiên, điều cản trở, khó khăn hiện nay của sự chuyển đổi là nguồn vốn, nhân lực và cả quy định pháp luật.
Kể về giai đoạn đầu đặt nền móng cho ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Minh cho biết đơn vị đã gặp nhiều vướng mắc trong việc lựa chọn đối tác phù hợp, gắn bó lâu dài, cũng như xác định cơ chế hợp tác, bởi chưa có quy định cụ thể về hợp tác công - tư, cũng như cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Thời điểm đó, đơn vị và đối tác đã cùng đồng hành thực hiện dự án từ những bước đi đầu tiên như xây dựng đề án, phê duyệt đến triển khai thực hiện. Cụ thể, với nguồn kinh phí đầu tư và công nghệ của đối tác, bảo tàng phụ trách xây dựng nội dung, cung cấp địa điểm, sau đó, hai bên cùng truyền thông, quảng bá và chia sẻ lợi ích thu được từ sản phẩm công nghệ.
Trải qua thực tế khó khăn này, ông Nguyễn Anh Minh cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật nhằm tạo ra hành lang pháp lý giúp các đơn vị triển khai một cách hiệu quả và bền vững là yêu cầu cấp thiết hàng đầu.
Bên cạnh đó, để có một “bệ đỡ” vững chắc về tài chính trong việc chuyển đổi số thì câu chuyện xã hội hoá đang trở thành “kim chỉ nam” cho nhiều bảo tàng.
Ngoài ra, để chuyển đổi số hiệu quả, các đơn vị cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0. Cụ thể, đội ngũ các nhà lãnh đạo, nhà quản lý bảo tàng cần có sự nhanh nhạy và am hiểu công nghệ; phải đa dạng hóa các hoạt động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các khâu quản lý bảo tàng; phối hợp với các đơn vị truyền thông kỹ thuật số và khai thác tối đa điểm mạnh của mỗi bên để tạo nên sản phẩm đáp ứng thị hiếu công chúng ngày càng nâng cao.
Có thể nói, quá trình thay đổi, biến bảo tàng truyền thống thành bảo tàng số, tích hợp nhiều trải nghiệm số cho du khách không thể diễn ra trong vài ngày mà đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Do đó, bên cạnh việc các bảo tàng tự thân phải đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ và bắt kịp xu thế thì sự tham gia định hướng và chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các đơn vị đào tạo trong thời gian tới là yếu tố không thể tách rời để có được kết quả như kỳ vọng.