Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thông tin tại cuộc họp thường kỳ tháng 2-2024 diễn ra ngày 2-3, trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành cùng nghiên cứu giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2024. Ảnh: Baochinhphu.vn

Chính phủ vừa họp phiên thường kỳ tháng 2-2024 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phiên họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, theo TTXVN.

Các đại biểu thảo luận tình hình, đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và thời gian tới. Trong đó, có việc tập trung vào các giải pháp để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên cho các động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tháo gỡ các khó khăn trong một số lĩnh vực như đấu thầu thuốc, vật tư y tế…

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành cùng nghiên cứu giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn như hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng cũng lưu ý về việc ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Người đúng đầu Chính phủ nêu ra những nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới như điều hành chính sách tiền tệ; đảm bảo lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế. Cùng với đó là giám sát tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Một số nhiệm vụ khác được nhắc đến là tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu như sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; thúc đẩy tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới