Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản lập đỉnh mới nhờ bùng nổ chip

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những khoản lợi nhuận khổng lồ của tỷ phú Warren Buffet nhờ đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản đã khiến nhà đầu tư ngoại "theo chân" kéo vào thị trường chứng khoán nước này. Làn sóng này đã giúp chỉ số Nikkei Stock Average của Nhật Bản đã vượt mốc 40.000 điểm hôm 4-3, lập đỉnh lịch sử sau 11 ngày kể từ lần lập đỉnh gần nhất hôm 22-2.

Chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 trong phiên giao dịch sáng 4-3, phá vỡ đỉnh lịch sử lập ngày 22-2 trước đó. Ảnh: Nikkei Asia

Chỉ số Nikkei mở cửa phiên 4-3 tăng 290 điểm lên mức 40.201,76, tương đương 0,73% so với phiên đóng cửa cuối tuần trước (1-3). Đóng cửa phiên sáng, chỉ số Nikkei đạt 40.226,83. Các cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn như Tokyo Electron và Advantest dẫn đầu mức tăng trong phiên giao dịch buổi sáng với 3%. Sự leo thang này diễn ra sau đợt phục hồi của chứng khoán Mỹ hôm 1-3 khi vốn hóa thị trường của hãng chip Nvidia vượt mốc 2.000 tỉ đô la.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Tomoichiro Kubota thuộc hãng Matsui Securities cho rằng các nhà đầu tư đang đặt cược rằng sự bùng nổ của AI sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu cho chất bán dẫn, thúc đẩy các công ty Nhật Bản tham gia vào quá trình sản xuất.

Sự phục hồi của chỉ số Nikkei cũng được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tham gia với kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật bản cơ cấu quản trị, đồng yen yếu và Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) - chương trình đầu tư hoãn thuế dành cho các nhà đầu tư nhỏ.

Chỉ số Nikkei tăng 19% kể từ đầu năm nay, sau khi đã tăng 28% trong năm 2023. Kết thúc phiên dịch hôm 22-2, chỉ số Nikkei đã phá vỡ kỷ lục trước đó lập tháng 12-1989.

Chỉ số Nikkei vẫn chưa quá nóng?

Tuy nhiên, chiến lược gia Ryuta Otsuka thuộc Toyo Securities lại cho rằng chỉ số Nikkei “có vẻ không quá nóng” do kỳ vọng của các công ty về lợi nhuận kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024. Tỷ lệ giá trên thu nhập hiện tại, thước đo giá cổ phiếu so với lợi nhuận của cổ phiếu trên chỉ số Nikkei là gần 17 lần, vẫn thấp so với hơn 60 lần vào tháng 12-1989.

Otsuka nói các cuộc đàm phán về lương mùa xuân đang diễn ra tại các công ty lớn là “một sự kiện quan trọng trong thời gian tới” cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản. Ông cho rằng các nhà đầu tư đang kỳ vọng mức tăng lương sẽ lớn hơn năm ngoái.

Thomas O'Mahony, giám đốc đầu tư cấp cao tại Cambridge Associates nói rằng: "Đồng yen suy yếu rõ ràng là một yếu tố thuận lợi cho thị trường Nhật Bản, chủ yếu thông qua việc kỳ vọng thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ gặp gió ngược chứ không phải gió thuận nếu thị trường ngoại hối diễn biến khác”.

Nhưng Jeremy Osborne, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phiếu Nhật Bản tại Fidelity International nhận định, các quỹ hoạt động toàn cầu vẫn thiếu tỷ trọng ròng ở Nhật Bản... “Tỷ trọng thấp trong cơ cấu trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư cho thấy vẫn còn nhiều chỗ cho dòng vốn vào thị trường Nhật Bản. Rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản là tình trạng giảm phát quay trở lại, nhưng chúng tôi tin rằng khả năng xảy ra là rất thấp”.

Cơ hội 2-3 thế kỷ mới có một lần

Tháng 8-2020, dưới sự điều hành của tỷ phú Warren Buffet, quỹ Berkshire Hathaway đã mua 5% cổ phần tại năm hãng thương mại (sogo-shosha) hàng đầu của Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Tháng 6-2023, Berkshire Hathaway đã tăng mức sở hữu ở các tập đoàn này lên 9%.

Bloomberg nói đây là cú đặt cược tuyệt vời của “bàn tay vàng Midas” bởi đầu tư vào Nhật Bản là cực kỳ mạo hiểm khi chỉ số tiêu dùng tư nhân sụt giảm 0,2% trong quí cuối 2023, chỉ số kinh doanh cũng giảm 0,1% cùng kỳ. Tuy nhiên, năm thương vụ đầu tư của Buffet đạt tỷ suất lợi nhuận siêu khủng trong năm 2023. Thấp nhất là mức tăng 185% của Itochu và cao nhất là mức tăng 402% của Marubeni.

Nhiều thập niên lãi suất âm cũng đã biến Nhật Bản thành nơi trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh đối đầu địa chính trị còn căng. Nhật Bản cũng nỗ lực cải thiện môi trường quản trị doanh nghiệp. Đó là những lý do chính đáng để các nhà quản lý tài sản toàn cầu đổ xô khám phá thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Fortune nói tỷ phú Buffet vốn chuộng các thương hiệu tên tuổi như Apple hay Coca Cola. Nhưng đứng trước tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản thì Berkshire Hathaway không thể bỏ qua.

Cánh tay phải của Warren Buffett là Charlie Munger, người đã qua đời vào cuối năm 2023, cũng đã từng thừa nhận rằng cơ hội kiếm tiền này là “kèo thơm” khó có thể cưỡng lại. "Nếu bạn thông minh như Warren Buffett thì sẽ nhận ra đây là cơ hội mà 2-3 thế kỷ mới có một lần", Munger nói.

"Lãi suất ở Nhật Bản đang rất thấp. Những công ty tại đây hầu hết là các doanh nghiệp lâu đời, có các mỏ đồng và những đồn điền cao su giá rẻ. Bạn có thể vay tiền thời hạn 10 năm để mua cổ phiếu với cổ tức bình quân 5%/năm. Đó là dòng tiền khổng lồ mà chẳng cần nhiều vốn tự thân để đầu tư, chẳng cần suy nghĩ nhiều mà vẫn có lợi nhuận", Munger giải thích.

Berkshire Hathaway hiện có thể huy động tiền cho các khoản đầu tư với chi phí vay cực thấp do lãi suất âm. Sau đó, quỹ này đổ tiền vào các cổ phiếu đáng tin cậy có cổ tức ổn định và ăn lãi dài hạn.

Bước đi đầy mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản suy thoái đã giúp Buffett trở thành người tiên phong hưởng lợi trong đà tăng của chứng khoán Nhật Bản hiện nay.

New York Times dẫn số liệu của Japan Exchange Group cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm ròng 14 tỉ đô la vào thị trường chứng khoán Nhật Bản trong tháng 1-2024. Tương tự, báo cáo của Goldman Sachs cho thấy thu nhập trong quí cuối 2023 của doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng 45% so với cùng kỳ năm trước nhờ đồng yen yếu, khiến xuất khẩu hàng hóa gia tăng mạnh.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Fortune, NYT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới