(KTSG Online) – Trong tuần này, bitcoin phá kỷ lục giá được thiết lập vào năm 2021 nhưng thoái lùi ngay sau đó. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức truyền thống sẽ củng cố xung lực tăng giá của bitcoin trong thời gian tới.
- Hiệu ứng FOMO đẩy giá bitcoin tăng vọt qua ngưỡng 60.000 đô la
- Mỹ phê duyệt các quỹ ETF bitcoin giao ngay
Dòng tiền của “cá voi” nhập cuộc
Trong phiên giao dịch hôm 5-3, giá bitcoin chạm mức cao mọi thời đại, 69.202 đô la Mỹ, nhờ cơn hưng phấn bắt nguồn từ dòng tiền đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay. Chất xúc tác tiếp theo là sự kỳ vọng vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay.
Vì bitcoin là một tài sản tài chính non trẻ, xuất hiện cách đây chưa đầy hai thập niên nên việc dự đoán quỹ đạo giá của đồng tiền mã hóa này vẫn rất khó khăn. Sự hào hứng của nhà đầu tư nhỏ lẻ đưa giá bitcoin lên mức cao kỷ lục, 68.991,85 đô la Mỹ vào tháng 11- 2021. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, giá bitcoin sụp đổ.
Hiện nay đồng tiền mã hóa này trở lại đà tăng và có phần chắc chắn hơn khi nhiều tổ chức cam kết đầu tư dài hạn. Các nhà phân tích và lãnh đạo trong ngành nhận định, đây có thể là yếu tố giúp bitcoin có thể duy trì động lực tăng giá.
“Các tổ chức đầu tư tài sản truyền thống từng đứng ngoài cuộc. Hiện nay, họ là là động lực tăng trưởng chính của thị trường tiền mã hóa”, Nathan McCauley, CEO của Anchorage Digital, một nền tảng tài sản kỹ thuật số nhận định.
Đơn cử hồi tháng 2, hãng phần mềm MicroStrategy (Mỹ) tiết lộ, đã mua khoảng 3.000 bitcoin với giá 155 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, nền tảng truyền thông xã hội Reddit cũng thông báo đã mua một lượng nhỏ bitcoin và ether, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thị trường.
“Một số "cá voi" (nhà đầu lớn) trong ngành tiền mã hóa đang thúc đẩy thị trường. Có thể giá bitcoin sẽ tạm thời giảm trong ngắn hạn khi nhà đầu tư chốt lời”, Steve Sosnick, giám đốc chiến lược của Interactive Brokers dự đoán .
Sau khi thiết lập mức cao kỷ lục mới, bitcoin lao dốc xuống mức sát 59.000 đô la, nhưng nhanh chóng phục hồi và đang giao dịch ở mức trên 66.000 đô la vào chiều 7-3, theo giờ Việt Nam.
Tiềm năng đa dạng hóa đầu tư
Một động lực khác để tạo ra dòng tiền ổn định cho bitcoin là 10 quỹ ETF bitcoin giao ngay ở Mỹ được cấp phép hồi tháng 1. Các quỹ này cung cấp công cụ đầu tư bitcoin có quản lý và an toàn hơn cho các tổ chức truyền thống hoặc những nhà đầu tư tiềm năng khác.
Bitcoin đã tăng giá hơn 50% chỉ trong năm nay, chủ yếu nhờ dòng tiền đổ vào các quỹ ETF mới. Theo BitMex Research, tính đến hôm 4-3, dòng tiền ròng chảy vào các sản phẩm bitcoin giao ngay đạt 7,9 tỉ đô la Mỹ.
Sui Chung, CEO của CF Benchmarks, công ty đang cung cấp dữ liệu giá bitcoin cho sáu quỹ ETF tiết lộ, một số công ty tư vấn tài chính và các tổ chức lớn khác đang mua chứng chỉ của các quỹ ETF bitcoin giao ngay. “Đối với các tổ chức, sức hấp dẫn cốt lõi của bitcoin là tiềm năng đa dạng hóa đầu tư mà nó mang lại”, ông giải thích.
Tháng trước, trang tin The Block cho biết, công ty quản lý tài sản Gerber Kawasaki (Mỹ) đã đầu tư vào quỹ ETF bitcoin giao ngay của BlackRock. Các nhà phân tích của sàn giao dịch Bitfinex nhận định, những nhà đầu tư lớn như Gerber Kawasaki thường ít nhạy cảm hơn về giá.
“Bất kỳ đợt suy giảm nào sau đỉnh chu kỳ tăng giá hiện tại của bitcoin có thể ít nghiêm trọng hơn so với những đợt suy thoái trước đó. Chúng tôi cũng nhận thấy quỹ đạo ổn định về giá sau khi giá vàng tăng mạnh nhờ ra mắt các quỹ ETF vàng vào năm 2004”, các chuyên gia của Bitfinex viết trong một báo cáo.
Chỉ số mà các nhà phân tích sử dụng để đánh giá mức độ quan tâm của nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với tiền mã hóavẫn không thay đổi so với năm 2021 và 2022.
Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai Micro Bitcoin của CME, sàn giao dịch hàng hóa phái sinh ở Chicago tăng từ 32.007 vào ngày 27-2 lên gần 87.000 vào ngày 28-2. Mỗi hợp đồng tương lai Micro Bitcoin tương ứng với 0,1 bitcoin, phù hợp với ngân sách của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ giàu có. Điều này cho thấy cơn hưng phấn của nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ thực sự bắt đầu ngày 27-2.
Bitcoin chỉ mới ra đời vào năm 2008 và vẫn là một tài sản đầu cơ nằm dưới sự chi phối của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lịch sử ngắn hạn của bitcoin khiến việc dự báo xu hướng giá của nó qua các chu kỳ kinh tế trở nên khó khăn.
Tháng trước, các nhà phân tích của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, bitcoin không có nền tảng kinh tế cơ bản nên không có cách nào đáng tin cậy để dự báo giá của đồng tiền mã hóa này. Điều này trái ngược với các hàng hóa như vàng với những xu hướng dễ phân tích hơn.
Tuy nhiên, giống như các hàng hóa khác, yếu tố nguồn cung vẫn đóng vai trò quan trọng đối với xu hướng giá của bitcoin. Điều khó dự đoán là mức biến động giá khi số bitcoin bị mắc kẹt trong các vụ phá sản có thể được thanh lý trong những tháng tới. Các công ty tiền ảo phá sản hồi năm ngoái nắm giữ khoảng 35 tỉ đô la các loại tiền mã hóa nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu bitcoin.
Động lực tăng giá từ sự kiện “halving”
Mặt khác, sự kiện “halving” của bitcoin (diễn ra 4 năm một lần) vào tháng 4 tới sẽ khiến tổng số bitcoin mới trả thưởng cho các thợ đào (người xác minh giao dịch bitcoin bằng các thuật toán) hàng ngày giảm một nửa, từ 900 xuống còn 450. Tổng cung của bitcoin giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị nhưng tính đến nay có khoảng 19 triệu bitcoin đã được “đào”. Vì vậy, áp lực đối với nguồn cung bitcoin sẽ mạnh hơn vào thời điểm này so với sự kiện “halving” vào năm 2021.
Zach Pandl, giám đốc nghiên cứu của Grayscale Investments nhận định, điều đó có thể đẩy giá bitcoin lên cao hơn. Nhu cầu bitcoin đang xung đột với nguồn cung ngày càng thắt chặt.
Nhà đầu tư bitcoin kỳ cựu Peter Brandt cảnh báo, bitcoin có thể điều chỉnh giảm giá từ 15-20% sau khi chạm mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, dựa trên diễn biến giá bitcoin trước và sau các đợt halving từng diễn ra, Brandt cho rằng, một kịch bản có thể xảy ra là giá bitcoin sẽ đạt mức cao mới khoảng 150.000 đô la vào tháng 10-2025.
Các nhà phân tích của Bitfinex dự đoán, bitcoin có thể đạt mức giá 100.000-120.000 đô la vào cuối năm 2024. Họ tin rằng dòng tiền từ các quỹ ETF bitcoin giao ngay đang làm giảm sự biến động giá của bitcoin.
Có một lập luận cho rằng, bitcoin là một loại vàng kỹ thuật số. Nguồn cung ít ỏi của bitcoin cũng giống nhưng nguồn cung hạn chế của vàng vì trữ lượng kim loại quí này trong lòng đất là có hạn. Do vậy, bitcoin có thể sử dụng như tài sản phòng thủ lạm phát. Giả thuyết này không còn đứng vững vào vào năm 2021 và 2022, khi lạm phát tăng vọt nhưng giá bitcoin sụp đổ. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái giá bitcoin đã di chuyển đồng điệu với giá vàng.
Xét về lịch sử, sau khi phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại giá bitcoin thường có xu hướng tăng tiếp trong ngắn hạn. Vào tháng 3-2017, bitcoin đạt mức cao nhất là 1.350 đô la trước khi giảm xuống còn 897 đô la trong hai tuần sau đó. Nhưng đến cuối năm , bitcoin tăng lên mức gần 20.000 đô la .Vào năm 2020, sau khi phá đỉnh cũ 19.511 đô la, giá bitcoin nhảy vọt từ 20.000 lên 24.200 đô la chỉ trong vòng 48 giờ. Bitcoin không giảm xuống dưới 20.000 đô la cho đến tháng 6-2022 khi thị trường tiền mã hóa gặp khủng hoảng.
Theo Reuters, The Economist