(KTSG Online) – Bốn cá thể sếu ngoài tự nhiên đã về lại Vườn quốc gia Tràm Chim sau khoảng hai năm vắng bóng. Đây là tín hiệu rất tích cực khi môi trường sống cho loài chim nằm trong sách đỏ thế giới này ở Tràm Chim được khôi phục theo khuyến cáo của các nhà khoa học...
KTSG Online đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Trần Triết, Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á (Hội sếu Quốc tế) để hiểu rõ thêm về những thông tin tích cực trên.
KTSG Online: Mới đây, Vườn quốc gia Tràm Chim công bố thông tin có 4 cá thể sếu đầu đỏ ngoài tự nhiên đã quay về nơi đây sau khoảng 2 năm vắng bóng, là một chuyên gia ông đánh giá như thế nào về việc này?
TS Trần Triết: Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim vẫn còn là nơi đàn sếu tự nhiên lui tới.
Từ những năm 2015-2022, sếu thường về Tràm Chim khá muộn, vào tháng 4 và rời đi khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Năm nay, sếu về đầu tháng 3 là khá sớm và hy vọng chúng sẽ ở lại lâu, có nhiều cá thể sếu sẽ cùng quay về… “môi trường xưa”.
Được biết, trong đề án phục hồi bảo tồn sếu, trước đó các đơn vị liên quan đã tiến hành phục hồi môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Điều này có ý nghĩa gì đối với sự xuất hiện 4 cá thể sếu lần này hay không, thưa ông?
Từ khi đề án phục hồi bảo tồn sếu được tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, Vườn quốc gia Tràm Chim đã rất quyết tâm thực hiện và đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động phục hồi môi trường sống cho sếu trong vùng lõi Vườn quốc gia.
Cụ thể, ngay từ tháng 12-2023, Vườn quốc gia Tràm Chim đã cho hạ mực nước trong các khu A1 và A5 đúng theo thiết kế quản lý nước, lửa đã được các nhà khoa học xây dựng. Trong tháng 1-2024, Vườn quốc gia đã tiến hành đốt cỏ chủ động trên diện tích lớn trong khu A1 và sắp tới là ở A5.
Việc đốt cỏ làm giảm lớp tàn tích thực vật che phủ mặt đất nhiều năm do giữ nước, tạo điều kiện cho các quần xã thực vật đồng cỏ hồi phục, trong đó, có cỏ năng là thức ăn của sếu. Đàn sếu đã nhận thấy “những tín hiệu tốt đó và chúng đã tìm về”. Số lượng 4 con này có thể là đội "tiền trạm". Hy vọng sắp tới sẽ có nhiều sếu về Tràm Chim hơn.
Vậy kết quả khôi phục môi trường ở Vườn quốc gia Tràm Chim hiện ra sao, thưa ông?
Việc quản lý tốt mực nước và đốt cỏ chủ động đã có kết quả nhanh chóng, mà cụ thể là nhiều diện tích đồng cỏ năng kim đã phục hồi; khảo sát cho thấy, các khu năng kim này tạo nhiều củ- là loại thức ăn ưa thích của sếu.
Cũng cần nói thêm, sếu không chỉ ăn củ năng mà còn ăn nhiều loại thức ăn khác có nguồn gốc động vật như côn trùng, ếch nhái và cả chuột, rắn. Môi trường phục hồi tốt sẽ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho sếu và nhiều loài sinh vật khác trong hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim.
Sắp tới, Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng tiến hành đốt chủ động tại các khu A4 và A5, vốn là những bãi ăn chính của sếu trong các năm trước. Không chỉ thế, ngoài vùng đệm nhiều nông dân đã triển khai trồng lúa sinh thái trong hai năm nay. Lúa sinh thái là hình thức canh tác ít sử dụng các nông dược độc hại, vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho sức khỏe nông dân và người tiêu thụ. Mùa chim di cư vừa rồi có những đàn chim lớn hàng chục ngàn con đã dừng chân ở các khu ruộng này để kiếm thức ăn.
Ông có khuyến cáo gì đối với địa phương và các bên liên quan trong thời gian tới sau tín hiệu tích cực khi 4 cá thể sếu quay lại Vườn quốc gia Tràm Chim lần này?
Trước mắt, cần tạo môi trường yên tĩnh, an toàn để đàn sếu có thể "yên tâm" ở lại lâu và rủ thêm nhiều bạn sếu khác về lại Tràm Chim.
Tin sếu về sẽ thu hút nhiều người đến xem, đó là điều tự nhiên và nên khuyến khích, tuy nhiên, cách tổ chức tiếp cận đàn sếu cần đảm bảo không làm xáo trộn. Để chúng bỏ đi sớm là tiếc lắm! Sau một thời gian không về Tràm Chim chúng chắc cũng hơi lạ lẫm, cho nên, cần làm cho chúng “yên tâm”.
Về lâu dài, cần tiến hành những hoạt động phục hồi môi trường sinh thái trong vùng lõi và phát triển các khu vực canh tác nông nghiệp an toàn trong vùng đệm như đã đề xuất trong đề án bảo tồn phát triển đàn sếu. Những hoạt động khởi đầu của chương trình đã cho thấy chúng ta đi đúng hướng. Môi trường sống được cải thiện không chỉ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chương trình tái thả mà còn có tác động “lôi kéo” đàn sếu tự nhiên quay trở về.
Xin cảm ơn ông!
Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ có tổng kinh phí thực hiện là 184,901 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 2022-2028 là 155,666 tỉ đồng và phần còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2029-2032.Mục tiêu của đề án nêu trên trong giai đoạn 2022-2028 là: tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan; hoàn chỉnh cơ sở vật chất, chuồng trại; hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim được phục hồi; đến năm 2028 dự kiến có 200 héc ta lúa sẽ chuyển sang sản xuất sinh thái tại vùng lân cận Vườn quốc gia Tràm Chim; trong 5 năm đầu sếu có thể sinh sản và sống sót; truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.Giai đoạn 2029-2032: tiếp tục đàm phán với Thái Lan tiếp nhận 30 cá thể sếu để gây nuôi, dự kiến sẽ sinh sản thêm 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu; xây dựng biểu đồ phân bổ sếu trong và ngoài vườn; cán bộ kỹ thuật Vườn quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu cho sinh sản và thả về tự nhiên; biên soạn bộ tài liệu về quy trình chăm sóc và thả sếu về tự nhiên; chuyển đổi vùng sản xuất lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ; phát triển sinh sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái- hữu cơ…