Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gia tăng nội lực để nền kinh tế đủ sức ‘hấp thụ’ dòng tiền lớn

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình hình địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới còn diễn biến phức tạp dự kiến tạo ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chưa thể tăng trưởng nhanh trở lại. Yếu tố này, cộng hưởng cùng sức mua trên thị trường nội địa chưa mấy cải thiện sẽ khiến nền kinh tế khó hấp thụ 2 triệu tỉ đồng vốn tín dụng và hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm nay.

Nút giao vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Ban Giao thông
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công như vành đai 3 TPHCM được coi là giải pháp gia tăng sức cầu nội địa trong bối cảnh dư địa triển khai chính sách tiền tệ không còn nhiều. Ảnh: Ban Giao thông

Không nên kỳ vọng quá nhiều vào chính sách tiền tệ

Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay do Thủ tướng chủ trì dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3-2024 trong bối cảnh tín dụng đến giữa tháng 2-2024 vẫn tăng trưởng âm, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng tín dụng giảm là yếu tố mùa vụ và do sức cầu của nền kinh tế yếu, theo phản ánh của một số ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tín dụng của ngân hàng tính tới cuối tháng 1-2024 giảm khoảng 30.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Điều này là do xu hướng vay mua bất động sản tiêu dùng giảm từ năm 2023 và kéo đến tháng 1-2024 trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khi thiếu nguồn cung.

Về mảng khách hàng bán buôn, khó khăn tập trung chủ yếu ở vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, làm chậm tiến độ triển khai dự án mới. Đây cũng là lý do làm ảnh hưởng giải ngân các khoản vay trung dài hạn.

Ngoài ra, nhiều mảng tín dụng đặc thù có tính thời vụ vào thời điểm cuối năm như dư nợ phục vụ thanh toán quốc tế thường tăng vào cuối năm và giảm khi khách hàng trả nợ vào đầu năm tiếp theo; doanh nghiệp xuất khẩu thường có kỳ thu tiền vào cuối năm; doanh nghiệp FDI thường trả nợ khoản vay ngắn hạn để quyết toán.

Còn ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất khiến ngân hàng khó khăn trong đánh giá cũng như tạo niềm tin trong việc cấp tín dụng. Ngoài ra, nợ xấu đang tăng cao và việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Hai yếu tố trên khiến các ngân hàng e ngại cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.

“Việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng đang rất khó khăn. Thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút, giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm thì xử lý nợ xấu càng khó hơn. Ngoài ra, quan điểm của các cơ quan chức năng cũng là yếu tố khiến ngân hàng thận trọng. Hiện nhiều ngân hàng cho vay tín chấp, song khi rủi ro xảy ra lại không thu hồi được nợ gốc do rủi ro pháp lý”, ông Long cho biết.

Bên cạnh những yếu tố này, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, không ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận vốn vay vì sức khoẻ tài chính giảm sút sau dịch Covid-19 hoặc thiếu tài sản thế chấp.

Cụ thể, báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi tới Thủ tướng trong tháng 1-2024 cho biết đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm nên vẫn đối mặt với một khó khăn đã lắp đi lặp lại nhiều lần là “không có tiền để sản xuất”.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất với điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5. Còn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số trung bình vẫn ở mức 2,34 - mức tiêu cực.

Cơ quan này lo ngại nếu việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ khó duy trì, cũng như phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với bối cảnh này, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc Trường đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, sức mua trên thị trường nội địa chưa mấy cải thiện và nền kinh tế không dễ hấp thụ 2 triệu tỉ đồng vốn tín dụng năm nay nếu không tăng kích cầu nội địa.

Cơ sở để ông Huân đưa ra nhận định này là mặt bằng lãi suất đã giảm sâu và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để nới lỏng. Cụ thể, lãi suất huy động hiện ở dưới mức 2% một năm với kỳ hạn ngắn, nhưng để hỗ trợ lãi suất ổn định cho doanh nghiệp và người dân thì phải điều chỉnh lãi suất cho vay kỳ hạn dài. Còn việc giảm lãi vay với kỳ hạn ngắn như các ngân hàng thực hiện hiện nay chưa hẳn giải quyết được vấn đề.

Với lĩnh vực bất động sản - một trong những kênh giải ngân vốn quan trọng của các ngân hàng, chuyên gia này cho rằng trong ngắn hạn chưa thể kỳ vọng thị trường bất động sản sớm hồi phục. Theo đó, các phân khúc nhà ở có giá dưới 3 tỉ đồng trở sẽ sôi động hơn trong nửa cuối năm 2024, còn phân khúc cao hơn chưa thể có thanh khoản cao.

Bên cạnh yếu tố trên, sức cầu của thị trường yếu, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn cũng sẽ khiến tín dụng khó tăng mạnh, theo ông Huân.

“Doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì cho hiệu quả. Để hấp thụ được vốn, việc giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ là các doanh nghiệp phải có đơn hàng”, ông Huân phân tích.

Kích cầu nội địa nhờ chính sách tài khoá nghịch chu kỳ

Để nền kinh tế hấp thụ được hàng triệu tỉ đồng vốn trong năm 2024, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách tập trung kích cầu thay vì kích cung vốn.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng trong bối cảnh sức cầu thế giới còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khó lường, việc tăng cầu nội địa để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh là hợp lý. Ở phía cầu, có thể chia thành hai dạng chính sách, gồm kích cầu khu vực công và kích cầu từ khu vực tư nhân.

Với kích cầu ở khu vực công, cần tập trung vào chính sách tài khóa, đẩy mạnh việc chi tiêu của Chính phủ, đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công từ nay đến cuối năm để tăng tổng cầu trong nền kinh tế.

“Điều này đóng vai trò như đòn bẩy để bật tăng nền kinh tế”, ông Huân nhấn mạnh.

Với kích cầu khu vực tư nhân, vị này khuyến nghị tập trung vào chính sách thuế qua việc giảm thêm nhiều loại thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Nâng tổng cầu nội địa có thể giải pháp hữu hiệu để hút vốn tín dụng. Ảnh: Lê Vũ

Thực tế trong 3-4 năm qua, các cơ quan quản lý vẫn thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức thực hiện nới lỏng có kiểm soát chính sách tài khóa nhằm ngăn chặn đà suy giảm, thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế.

Các giải pháp chính sách tài khóa nghịch chu kỳ đã được thực hiện gồm: điều chỉnh miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí cùng các khoản thu ngân sách khác; tăng chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội và cải cách chính sách tiền lương, chấp nhận tăng bội chi so với lộ trình kế hoạch 5 năm đã được Quốc hội phê duyệt.

Với năm 2024, đầu tư công và chi tiêu công vẫn được kỳ vọng là động lực góp phần gia tăng sức cầu, thúc đẩy tăng trưởng và lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác. Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 là 2,1 triệu tỉ đồng. Trong đó chi đầu tư công là là 657.349 tỉ đồng - bằng 31,3% tổng chi ngân sách nhà nước, chưa bao gồm phần ngân sách địa phương giao tăng thêm 31.351 tỉ đồng.

Với căn cứ là báo cáo phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thì năm 2024, vốn đầu tư công tiếp tục giành phần lớn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết vùng là 94.199 tỉ đồng. Các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới) là 27.220 tỉ đồng.

Năm 2024 cũng là giai đoạn dự kiến hoàn thành các đoạn còn lại của cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Đồng thời, đẩy mạnh thi công đường vành đai 4 Thủ đô – Vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TPHCM, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Ngoài lĩnh vực giao thông, Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT ở TPHCM; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TPHCM.

“Đây sẽ là căn cứ pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc đối với TPHCM là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế”, ông Phớc nói với KTSG Online.

Bên cạnh yếu tố trên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng kỳ vọng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư công trình đường bộ sẽ được triển khai mạnh vào năm 2024. Qua đó, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn, các dự án lan tỏa, liên vùng, thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai kế hoạch để đề xuất các giải pháp thúc đẩy chi tiêu đầu tư công. Định kỳ hằng quí sẽ công khai các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân trung của cả nước, đề nghị điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân”, ông Phớc nhấn mạnh.

Bên những yếu tố trên, ông Nguyễn Hữu Huân cũng kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất đồng đô la Mỹ như thông tin đã công bố hoặc có thể giảm nhiều hơn mức dự kiến. Lãi suất đô la Mỹ giảm trở lại sẽ giúp dòng tiền chảy mạnh hơn, từ đó tạo ra dư địa cho các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ theo Fed.

“Khi dòng tiền chảy mạnh hơn, người dân cũng chi tiêu nhiều hơn, tác động tích cực lên tổng cầu, từ đó kinh tế toàn cầu có cơ hội hồi phục nhanh. Khi kinh tế thế giới hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng trở lại, tác động tích cực lên nền kinh tế trong nước. Trong điều kiện đó, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đồng thời người dân cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn nếu có thêm các biện pháp kích cầu nội địa”, ông Huân kỳ vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới