(KTSG Online) - Theo văn bản về thúc đẩy cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, các ngân hàng thương mại cần chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng nhằm tăng khả năng cho vay…
- Gỡ khó để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án ở ĐBSCL
- Hơn 83.000 hecta đất nông nghiệp ĐBSCL có thể bị ảnh hưởng bởi ngập mặn
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản số 1764 về thúc đẩy cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Baochinhphu.vn cho biết.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng.
Các ngân hàng đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; tăng sự thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý dòng tiền. Đơn vị tiến hành cải cách, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm giữ, xuất khẩu lúa, gạo.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn phục vụ đề án về phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Một nội dung khác là tránh để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật nhưng không tiếp cận được vốn vay. Các tổ chức này cũng cần tăng hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời (nếu có); phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhằm thông tin các chính sách tín dụng của ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hội viên.