(KTSG) - Trưa hè vắng, đi trong những vùng nông thôn sâu, thỉnh thoảng còn nghe được lời ru đượm buồn: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua!”. Câu ca dao này chắc xuất phát từ miền Nam. Bởi ở miền Bắc thì phải là “gió lay”, còn miền Trung thì không có nhiều “sông” và “đồng” như ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Mang niềm vui học tập kỹ thuật số đến cho các em học sinh tại Đồng bằng sông Cửu Long
- Cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo khi tham gia Cuộc thi có một không hai về sản xuất lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nói về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì từ xưa người ta đã chia nó ra làm bốn vùng sinh thái quan trọng, gọi là miệt: miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng và miệt biển.
Miệt vườn chủ yếu là trồng cây ăn trái, vì nơi đây có địa hình cao ráo, đất đai phì nhiêu, có nước ngọt quanh năm và chỉ năm thì mười họa mới bị ngập vào mùa nước nổi. Miệt vườn phân bố chủ yếu dọc theo hai bên bờ sông.
Miệt ruộng là nơi chủ yếu để trồng lúa. Mỗi năm đến mùa nước nổi thì phù sa theo nước từ các con sông con rạch chảy vào đồng ruộng, bồi đắp làm cho đất đai luôn màu mỡ. Nhờ vậy, người dân canh tác lúa từ năm này sang năm khác mà không cần xài đến phân bón. Thường thường, nếu tính từ phía sông lên, thì sau miệt vườn là tới miệt ruộng.
Miệt bưng thường là những vùng trũng nằm xa sông rạch có nước đọng quanh năm. Hàng năm, đến mùa nước nổi thì miệt ruộng nhận được phù sa trong nước của các con sông, còn miệt bưng chỉ có nước mưa hay nước đã chảy qua miệt ruộng nên toàn bộ phù sa bị lắng đọng không vào tới được. Vì vậy, miệt bưng không trồng lúa được, một phần vì đất đai không có dinh dưỡng bồi đắp hàng năm, nhưng chủ yếu là vì nước ngập quá sâu quanh năm.
Miệt biển là vùng tiếp giáp với biển, nên các con sông con rạch chỉ có nước ngọt vào mùa mưa, còn các tháng còn lại là nước mặn hoặc nước lợ. Do quá trình hình thành đất, miệt biển có nhiều giồng cát. Vào mùa mưa, những giồng cát tích trữ nước mưa như những cái giếng tự nhiên. Do đó, người dân thường chọn nơi đây để định cư và canh tác hoa màu (làm rẫy). Ví như vùng trồng hành tím nổi tiếng ở Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng.
Vậy nên, trong câu ca dao “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”, đoạn chỉ miệt biển là “về rẫy ăn còng”, miệt ruộng là “về sông ăn cá” và miệt bưng là “về đồng ăn cua”.
Nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi như vậy, miệt vườn được xem là vùng giàu có nhất, kế đến là miệt ruộng, còn miệt bưng và miệt biển có thể xem như nhau.
* * *
Mới nghe câu ca dao có thể nghĩ đây là tâm sự của một cô gái đang sống ở miệt vườn. Không biết mai mốt đây khi theo chồng thì mình sẽ về miệt nào? Nếu về được miệt vườn thì không có gì phải lo rồi, còn nếu phải về ba miệt còn lại thì tự an ủi là cũng có còng-cá-cua mà ăn!
Nhưng có lẽ còng-cá-cua là chìa khóa để giải mã câu ca dao! Bởi vì nếu miệt vườn là nơi giàu có nhất của ĐBSCL, thì thứ gì trong vùng này mà ở đây không thể có? Miệt vườn nằm ven hai bên bờ sông có nước ngọt quanh năm thì cá tôm đâu có thiếu mà phải về miệt ruộng mới có dịp ăn cá?
Đặc biệt là ở miệt biển, nơi có nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, ví như cua biển có nhiều vô số kể với mỗi con nặng cả ký lô, thì sao lại phải đi ăn con còng? Tương tự như vậy, miệt bưng là cái nôi của cá đồng với cơ man cá lóc cá trê thì sao lại tự an ủi là để được ăn cua đồng?
Ở miệt ruộng, mỗi năm khi mùa nước nổi bắt đầu, dòng nước từ các con sông ngầu đục phù sa tràn vào đồng ruộng; nhiều loài thuộc nhóm cá trắng như cá linh, cá mè, cá he cũng đi theo và chúng kiếm ăn rồi lớn lên để khi trưởng thành sẽ quay lại sông rạch và sinh sản. Thường khi có gió chướng thì nước trong đồng cũng bắt đầu rút đi. Đây là lúc mà các nhóm cá trắng chen chúc nhau quay trở lại dòng sông. Chúng nhiều vô số kể, lội chật kín cả mặt sông, gọi là “mùa cá đổ” và đây là mùa mà người dân thu hoạch cá để làm khô, làm mắm, ủ nước mắm hay làm phân bón.
Miệt biển thì cũng vào mùa này, loài ba khía mà dân miệt vườn hay lầm chúng với loài còng, cũng vào mùa sinh sản. Người dân nơi đây gọi là mùa “ba khía hội”, chúng leo lên các tàu lá dừa nước hay cây mắm cây đước, nhiều đến mức nhìn không còn thấy thân cây và dày đặc cả con rạch. Người dân chỉ việc dùng cây sào gạt cho chúng rớt vào ghe có chứa sẵn nước muối để làm mắm ba khía.
Cũng giống như miệt biển, mùa “cua đồng hội” ở miệt bưng cũng vào mùa gió chướng. Chúng chọn những nơi cao khỏi mặt nước và đeo dày đặc với hàng chục ngàn con. Nhiều vạt rừng tràm hay những căn nhà sàn của người dân ở đây cũng bị chúng leo phủ kín. Người ta bắt cua đồng chỉ để ủ làm phân bón cho cây trồng.
Những hiện tượng như “mùa cá đổ” ra sông ở miệt ruộng, “ba khía hội” hay “cua đồng hội” ở miệt biển và miệt bưng chỉ xảy ra trong vài ngày trong năm và đặc biệt là không có dấu hiệu gì có thể giúp chúng ta đoán biết là chúng sắp xảy ra. Vì vậy, ngay cả người dân sống trong vùng đó thì không phải ai cũng có cơ hội tận mắt nhìn thấy được. Ngày nay những cảnh như vậy chỉ còn nghe các lão nông kể lại khi nói về sự phong phú tài nguyên của ĐBSCL thời xa xưa.
* * *
Và như vậy, câu ca dao “Gió đưa gió đẩy, về rẫy (miệt biển) ăn còng, về sông (miệt ruộng) ăn cá, về đồng (miệt bưng) ăn cua” cũng không hẳn là tâm sự của cô gái đang sống ở miệt vườn, tự an ủi mình nếu sau này phải theo chồng về ba miệt kia. Mà có thể phải thay chữ “ăn” thành chữ “coi”, như là “Gió đưa gió đẩy, về rẫy coi còng, về sông coi cá, về đồng coi cua” để nói lên những hiện tượng độc đáo của thiên nhiên ở ĐBSCL.