(KTSG) - Trước Tết, anh họ ở quê đưa gia đình vào Sài Gòn chơi. Đưa anh chiếc ô tô để tiện đi lại nhưng anh từ chối, nói run tay lắm không lái được. Anh là người biết lái xe đã lâu, lái trầm, cũng đi qua các chặng đường dài, các cung đường đèo khó ở miền Trung nhưng lại đâm ra lúng túng, vụng về giữa dòng xe cộ lúc nào cũng đông đúc trên phố Sài Gòn. Anh bảo: “Chu cha, xe đông giãy chạy sao nẫu, lớ quớ là ủi chết liền đó chớ!”.
- Bổ sung các hạng mục an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
- Các dự án giao thông cửa ngõ TPHCM đang được triển khai ra sao?
Sợ và luống cuống với đường phố đông người, đông xe cũng là tình trạng của nhiều người lâu lâu mới tới thành phố này. Mới có chuyến trở lại Sài Gòn, người bạn là Việt kiều ngỡ ngàng trước dòng xe, dòng người trên phố. Bạn nói xe máy nhiều, ô tô còn nhiều hơn. Thấy xe máy chạy nối đuôi nhau len qua những làn ô tô, bạn bảo xe hơi giành hết cả đường đi của xe máy, rồi cao hứng bạn bình rằng: “Người Sài Gòn kể ra khéo léo, uyển chuyển và nhanh nhẹn quá. Rất xuất sắc”.
Bởi theo lời bạn nói, không khéo léo sao có thể chạy chiếc xe máy giữa bên phải xe máy, bên trái ô tô hay giữa hai làn ô tô mà không vướng tay lái hay va quệt xe vào nhau? Những người điều khiển xe phải có sự cân bằng tốt, mắt tinh tường, khả năng thẩm định khoảng cách giữa các xe tốt và đặc biệt là khả năng rướn người, lượn xe, tăng - giảm tốc độ một cách thần kỳ.
“Nhìn họ như cá kiểng nuôi trong hồ, đông, luôn bơi đi tứ phía, nhìn có vẻ hỗn loạn nhưng hay là vẫn có trật tự vì không va vào nhau”, bạn nói.
Lời bạn nhận xét khiến tôi phì cười, nhưng ngẫm cảnh đưa con đi học rồi đến sở làm ban sáng và trở về nhà mỗi chiều theo hành trình y hệt thì bạn nói có lý. Đường sá vẫn vậy, chia bao nhiêu làn đường thì cũng chỉ trong bấy nhiêu mét bề ngang hiện có chứ không phải đường nào cũng được mở rộng. Ô tô ngày càng nhiều, lớp chạy, lớp dừng đỗ xe, lấn làn, quay đầu xe một cách bất chấp. Nói theo kiểu của giới truyền thông về các xu thế của nền kinh tế toàn cầu bây giờ là “tình trạng lưu thông luôn biến động, khó đoán định”, còn nói một cách dân dã là “không biết đâu mà lần”.
Cho nên người quen nhịp cứ theo thực tế xe cộ thưa dày trên đường mà chạy nhanh hay chậm, nhưng phải tập trung khi chạy xe, tay ga, tay thắng sẵn sàng và đừng tưởng bở vượt đèn đỏ vì có thể sẽ lao vào khúc xe bị kẹt ở phía trước hoặc sẽ được gặp ngay các anh cảnh sát giao thông đón ở góc ngã tư bên kia đường...
Khéo léo, xuất sắc hay không chưa biết, nhưng rõ ràng người lái xe ở Sài Gòn cũng có bộ cẩm nang kinh nghiệm chạy xe khắc cốt ghi tâm, không cần viết ra vẫn nhớ vanh vách: như không ngủ nướng vào mỗi sáng có việc ra ngoài, những con đường bị kẹt xe vào giờ cao điểm, đường vòng thưa xe giờ cao điểm, đường hẻm thông ra các đường lớn, quán cà phê ngồi chờ hết kẹt xe, kiểm tra thắng xe định kỳ… và không quạu. Đồng nghiệp rất trẻ của tôi còn bổ sung vào cẩm nang này: cần lưu số điện thoại của sếp ở số 1 để báo cáo tình hình kẹt xe xin được vào trễ và trong trường hợp nhất định, bạn nói, phải gọi video call để minh thị với sếp.
Những ngày tháng Ba này khi mà người ta nói El Nino vẫn còn và biết đâu La Nina tới liền kề như các nhà dự báo đã nói, người ở Sài Gòn vẫn đổ ra đường đi làm, đi học bất kể là trời nắng, mưa khó đoán bởi vì tất cả đều không thể dừng lại. Trong nhiều cách ứng xử, người Sài Gòn chọn lấy cách phù hợp nhất với bản thân mà ít gây phiền toái cho người xung quanh. Nên là khéo léo trong chạy xe như bạn đã “khen” hẳn do bị/nhờ được tập luyện hàng ngày trên thực tế và có thể khác nhau đôi chút tùy người. Và dường như đấy cũng chỉ là một trong những biểu hiện của sự linh hoạt mà người ta dùng khi nói đến mảnh đất và con người Sài Gòn này.