(KTSG Online) - Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam - ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) diễn ra chiều 13-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ADB tập trung hợp tác với Việt Nam các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong đó có lĩnh vực chip bán dẫn.
- ADB dành 55% vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu
- ADB dành 4 tỉ đô la Mỹ tài trợ phát triển thị trường tài chính xanh
Theo TTXVN, Thủ tướng rút ra một số bài học kinh nghiệm về hợp tác giữa Việt Nam - ADB như phải bám sát tình hình, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần hợp tác; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh một nước đang phát triển có rất nhiều việc phải làm; các cấp, các ngành, các địa phương phải sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ADB, chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng mong ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách, triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.
Thủ tướng cũng đề nghị hợp tác giữa hai bên nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, các lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân.
Ở góc độ vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ đề nghị ADB tiếp tục tư vấn chính sách, nhất là chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp tình hình biến đổi rất nhanh hiện nay. Hai bên sớm lập tổ công tác để triển khai các hoạt động hợp tác và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối để xây dựng, triển khai các dự án.
Tổng số vốn tài trợ mà ADB dành cho Việt Nam đến nay đạt gần 18 tỉ đô la Mỹ, thực hiện trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị... Đồng thời, ADB đã tài trợ 6,45 tỉ đô la cho các giao dịch thương mại thông qua các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Một thông tin khác, vừa qua, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Phía Việt Nam đề xuất đàm phán, ký kết hiệp định khung với WB nhằm tạo thuận lợi cho việc tiến hành thủ tục giữa Việt Nam và WB. Một số thủ tục nổi bật như chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và cơ chế giải quyết khiếu nại. Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp để tháo gỡ khó khăn trong triển khai, hoàn thành các dự án sử dụng vốn vay của WB.
Từ năm 1993 đến nay, WB đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ưu đãi khoảng 25 tỉ đô la Mỹ cùng với hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.