(KTSG Online) - Tròn một năm sau đợt tổng dọn dẹp và xóa hơn 12 triệu SIM rác, cuối tuần này các nhà mạng lại được yêu cầu rà soát để tiếp tục… khóa SIM rác. Dường như các toa thuốc “chuẩn hóa thông tin”, “cuộc gọi định danh” được kê trong năm qua vẫn chưa trị dứt điểm căn bệnh mãn tính SIM rác.
- Vì sao SIM ‘rác’ chặt đầu này lại mọc ra đầu khác?
- Chống lừa đảo bằng cuộc gọi định danh vẫn chưa đủ
- Tài khoản ‘ma’, SIM ‘rác’ khiến lừa đảo trực tuyến lộng hành
Sau cuộc họp mới đây về vấn đề xử lý SIM rác, hôm 15-3, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải chuyển trạng thái thành SIM không có thông tin thuê bao (thu hồi SIM) đối với SIM đang bị khóa hai chiều trước ngày 22-3 và áp dụng tương tự đối với SIM đang khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn trước ngày 15-4(*).
Tuy nhiên, thời hạn này lại đang có điểm gây thắc mắc vì có thể khiến các doanh nghiệp viễn thông rơi vào thế kẹt khi họ vi phạm cam kết cung cấp dịch vụ với khách hàng.
Hiện nay, tùy theo nhà mạng thì phải 10 ngày sau khi khóa một chiều SIM mới bị khóa hai chiều và sau khi khóa hai chiều thì sau từ 10 đến 30 ngày thì SIM mới bị thu hồi.
Đó là chưa kể một số nhà mạng còn công bố cho thêm thời gian 15-30 ngày để lấy lại SIM sau khi đã bị thu hồi, tức là tổng cộng thời gian cam kết của nhà mạng cho phép khách hàng giữ SIM lên đến từ 25 đến 60 ngày.
Trong quy định nói trên, cơ quan quản lý lại ấn định thời hạn quá ngắn, thu hồi SIM sau khi khóa hai chiều chỉ có một tuần và SIM bị khóa một chiều chỉ có một tháng. Điều này có thể tạo ra kẽ hở pháp lý dẫn đến việc nhà mạng bị khách hàng khiếu nại vì vi phạm cam kết cung cấp dịch vụ đang áp dụng.
Dù có thêm quy định “SIM đang khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn” nhưng việc chứng minh thế nào là dấu hiệu kích hoạt sẵn cũng không phải là dễ, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà mạng không muốn sa vào những vụ tranh cãi, khiếu nại hay kiện tụng từ khách hàng.
Trong năm 2023, ngoài đợt tổng dọn dẹp khóa 12,5 triệu SIM rác, cơ quan quản lý nhà nước còn đưa ra quy đinh áp dụng cuộc gọi định danh (voice brandname), được kỳ vọng là vũ khí hiệu quả để chống các cuộc gọi rác, mạo danh, lừa đảo.
Tuy nhiên thực tế đến hiện nay, tròn một năm sau đợt chuẩn hóa thông tin, chính chủ hóa SIM, và gần nửa năm áp dụng cuộc gọi định danh, cuộc gọi rác vẫn chưa bị triệt tiêu như kỳ vọng. Đó là chưa kể SIM rác vẫn tồn tại và cơ quan chức năng lại phải yêu cầu rà soát.
Căn bệnh mãn tính SIM rác kéo dài hàng chục năm qua dường như vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị, kể cả sau khi thay thuốc, thêm thuốc mới trong năm qua.
Các đợt tổng dọn dẹp SIM rác
- Năm 2016: Tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn bị phát hiện là 17 triệu, số SIM bị khóa là gần 16 triệu.
- Năm 2020: Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận có 6,8 triệu SIM “rác” đang hoạt động và tiến hành khóa đợt thứ hai.
- Tháng 3-2023: Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng “chuẩn hóa thông tin” SIM thuê bao điện thoại di động bằng cách so khớp với dữ liệu số căn cước công dân của Bộ Công an để chống SIM “rác”. Đến giữa tháng 9-2023, các nhà mạng đã khóa 12,5 triệu SIM “rác” và cắt quyền kích hoạt SIM cho kênh đại lý, vốn chiếm tới 80% lượng SIM bán ra thị trường.
- Tháng 10-2023: Áp dụng cuộc gọi hiển thị tên (cuộc gọi định danh – voice brandname) đối với tất cả số điện thoại của các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) gọi đến người dân.
------------------
(*) https://nld.com.vn/xu-ly-dut-diem-sim-rac-truoc-ngay-15-4-196240315204952768.htm
Cần phải thay đổi quan điểm quản lý. SIM, là dịch vụ thiết yếu, hay chỉ là dịch vụ phổ thông ? Là thiết yếu, khi cái SIM gắn với những thông tin định danh cá nhân, mang tính bảo mật cao, liên quan đến an toàn tài sản, uy tín, kể cả tính mạng của người sử dụng. Là dịch vụ phổ thông, thì cần có cơ chế thông thoáng trong việc mua bán và sử dụng, miễn là không vi phạm các quy định pháp luật. Như vậy, mỗi công dân chỉ được quyền sở hữu hợp pháp một SIM thiết yếu, đúng chuẩn “Only”. Còn muốn sử dụng SIM phổ thông, thì cứ đăng ký theo quy trình “Public”, công khai và minh bạch. Nhà mạng, vừa làm chức năng phục vụ, vừa kinh doanh, ích nước, lợi dân, vui doanh nghiệp. Nhà quản lý, vừa kiểm soát được tình hình chung, vừa khỏi bận tâm những việc không phải của mình. Vậy là ổn. Vui vẻ cả làng.