(KTSG Onnline) – Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, các ngân trung ương ở các nền kinh tế phát triển có thể dập tắt lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
- Chặng cuối cam go trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed
- Cuộc khủng hoảng lạm phát đang tiến đến hồi kết
Lạm phát hạ nhưng kinh tế không trả giá đắt
Cuộc thăm dò mới đây của Consensus Economics cho thấy, lạm phát sẽ giảm từ mức cao nhất trong nhiều thập niên xuống còn khoảng 2% trong năm nay ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý và khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone). Được biết, Consensus Economics là công ty khảo sát kinh tế vĩ mô toàn cầu, thăm dò dự báo của hơn 700 nhà kinh tế hàng tháng đối với hơn 2000 chỉ số kinh tế vĩ mô ở 115 quốc gia.
Lịch sử cho thấy, các nước thường phải phải trả giá đắt để chiến thắng lạm phát khi chính sách tiền tệ khắc nghiệt khiến nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh và Mỹ đã tăng gấp đôi vào thập niên 1980 khi các ngân hàng trung ương của họ tăng mạnh lãi suất nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao do cú sốc giá dầu gây ra.
Nhưng chu kỳ lạm phát hiện nay đang diễn ra theo một hướng khác. Michael Saunders, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics lưu ý, lạm phát được dự báo sẽ quay trở lại mục tiêu với tỷ lệ thất nghiệp có mức tăng hạn chế ở Mỹ và khu vực eurozone.
“Lạm phát suy giảm một cách trật tự và bền vững về mức mục tiêu mà không làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp đã trở thành kịch bản trung tâm”, ông nói.
Lạm phát trên khắp các nền kinh tế nằm bên bờ Đại Tây Dương đã giảm hơn một nửa trong 2 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng của euzone tăng chỉ 2,6% trong tháng 2, giảm so với mức cao nhất mọi thời đại là 10,6% vào tháng 10-2022. Tại Anh, lạm phát hàng năm giảm từ mức đỉnh 11,1% trong tháng 11-2022 xuống còn 3,4% trong tháng 2-2024, theo dữ liệu mới công bố hôm 20-3. Tại Mỹ, lạm phát hàng năm cũng giảm xuống 3,2% trong tháng trước.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Consensus Economics, tỷ lệ thất nghiệp của eurozone đang ở mức thấp kỷ lục. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo ở mức 4% trong năm nay, không quá xa so với mức thấp nhất trong 50 năm là 3,6% vào năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh dự kiến chỉ tăng lên 4,4% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025 từ mức thấp trong gần 52 năm là 3,9%.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey nhận xét, mô hình lạm phát suy giảm khi việc làm vẫn đầy đủ là “khác thường” “khá ấn tượng” trong lịchh sử hiện đại.
“Tôi nghĩ, Anh không phải là nước duy nhất trải qua tình trạng tốc độ lạm suy giảm trong khi vẫn duy trì việc làm đầy đủ”, ông nói.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng nhích nhẹ lên trong thời gian gần đây sau 6 tháng suy giảm ổn định liên tục.
Tuy nhiên, phát biểu với báo chí sau cuộc họp chính sách hôm 20-3, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, dữ liệu của tháng 1 và tháng 2 “không thực sự thay đổi câu chuyện tổng thể, đó là lạm phát đang giảm dần trên con đường đôi khi gập ghềnh, hướng tới mục tiêu 2%”.
Các cú sốc nguồn cung hạ nhiệt
“Trong khi lãi suất tăng nhanh, một số người lo ngại cái giá phải trả của nỗ lực giảm lạm phát sẽ là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao liên tục. Nhưng trong khoảng một năm qua, chúng ta đã thấy lạm phát hạ nhiệt đáng kể, giảm nhanh hơn bất cứ lúc nào kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất chỉ được thấy một vài lần kể từ thập niên 1960”, Adriana Kugler, thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, cho biết trong tháng này.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, hiện tượng này là do bản chất của đợt lạm phát mới nhất có liên quan đến những cú sốc nguồn cung toàn cầu từ tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19.
“Sự gia tăng lạm phát giai đoạn 2021-2023 ở các nền kinh tế phát triển là khác nhau vì chủ yếu phản ánh những cú sốc nguồn cung thay vì tổng cầu mạnh mẽ”, Michael Saunders của Oxford Economics nói.
Với tác động của các cú sốc nguồn cung nhanh chóng giảm bớt, thời gian giao hàng hiện này đã trở lại mức trước đại dịch và chi phí vận tải biển chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2021. Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu và giá hàng hóa nông sản toàn cầu gần như quay trở lại mức đầu năm 2021.
Tất cả những yếu tố này đang giúp lạm phát giảm mạnh hơn mức mà các ngân hàng trung ương dự kiến chỉ trong năm ngoái. Điều này đang làm giảm kỳ vọng lạm phát, từ đó giúp giảm nguy cơ áp lực giá cả ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tiền lương.
Theo Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Capital Economics, mức tăng lương tăng cao gần đây ở các nước phương Tây được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ như một động lực chính gây ra áp lực giá cả trong nước. Lương tăng nhanh ở các nền kinh tế phát triển do lạm phát cao và tình trạng thiếu lao động ở một số lĩnh vực.
Nhưng McKeown lưu ý, tốc độ tăng lương đang bắt đầu giảm trở lại, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh vì kỳ vọng tăng trưởng giá cả và lạm phát đã bình thường hóa.
Theo các nhà kinh tế, tốc độ phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương cũng là yếu tố giúp ngăn chặn lạm phát cao trở nên dai dẳng hơn.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics nhận định, lý do khiến tác động của các cú sốc nguồn cung trong thập niên 1970-1980 kéo dài là bởi các ngân hàng trung ương không hiểu được vai trò của kỳ vọng lạm phát và sự điều chỉnh chi phí sinh hoạt thể hiện qua mức tăng lương trong nhiều hợp đồng lao động.
“Tôi lạc quan một cách thận trọng rằng, chúng ta sẽ chứng kiến tiến trình giảm lạm phát tiếp tục ở các nền kinh tế phát triển mà không khiến thị trường lao động suy giảm đáng kể”, Michael Saunders của Oxford Economics nói.
Theo Financial Times, Bloomberg