Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hải tặc Somalia ‘khoét sâu’ mối lo an ninh của các hãng vận tải biển

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi im ắng gần chục năm, nhiều cuộc tấn công của hải tặc Somalia trở lại trong thời gian gần đây đang làm gia tăng chi phí của các hãng vận tải biển trên toàn cầu. Nhóm này đang lợi dụng khoảng trống an ninh để trỗi dậy khi lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu tập trung ứng phó lực lượng phiến quân Houthi ở khu vực Biển Đỏ.

Cuối tuần trước, lực lượng đặc nhiệm của hải quân Ấn Độ đã bắt giữ 35 tên cướp biển Somalia và thu hồi tàu hàng Ruen ở một vùng biển quốc tế gần Yemen. Ảnh: Press Trust of India

Hải tặc Somalia tái trỗi dậy

Khi phát hiện một chiếc xuồng cao tốc chở hơn chục tên hải tặc Somalia đang lao tới từ xa, thủy thủ đoàn của tàu chở hàng Abdullah thuộc sở hữu của Bangladesh đang chạy qua một vùng biển ở tây Ấn Độ Dương đã phát tín hiệu cấp cứu và gọi đến đường dây nóng khẩn cấp. Nhưng không ai đến ứng cứu kịp thời. Đại phó Atiq Ullah Khan của tàu Abdullah cho biết trong một tin nhắn âm thanh gửi tới chủ tàu rằng, bọn hải tặc đã leo lên tàu, bắn cảnh cáo và bắt thuyền trưởng và thuyền phó 2 làm con tin. Một tuần sau, tàu Abdullah được đưa về neo ngoài khơi bờ biển Somalia, trở thành nạn nhân mới nhất của nạn hải tặc mới tái trỗi dậy trong những tháng vừa qua.

Các tấn công như vậy đang gây ra rủi ro và làm gia tăng chi phí của các hãng vận biển khi mà họ đang đối mặt với mối đe dọa máy bay không người lái và tên lửa liên tục của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ và các vùng biển lân cận

Theo các đại diện của ngành vận tải biển, hải tặc Somalia phát động hơn 20 tấn công nhằm bắt giữ các tàu hàng kể từ tháng 11 năm ngoái. Diễn biến này đã đẩy giá thuê nhân viên an ninh có vũ trang và phí bảo hiểm của các hãng tàu tăng cao. Ngoài ra, họ cũng lo ngại về nguy cơ phải mất một số tiền lớn để chuộc tàu.

Hai thành viên của một nhóm hải tặc Somalia xác nhận với Reuters rằng, nhóm này đang lợi dụng sự phân tâm của lực lượng hải quân quốc tế vào các cuộc tấn công của Houthi cách đó vài trăm hải lý về phía bắc để trở lại hoạt động sau khi nằm im gần một thập niên.

“Bọn họ chớp lấy cơ hội này vì lực lượng hải quân quốc tế ở ngoài khơi Somalia đã giảm bớt hoạt động”, Isse, một nhà tài trợ cho hải tặc Somalia nói. Isse cho biết thêm, y đã tài trợ chi phí tổ chức một vụ cướp tàu chở hàng rời Ruen treo cờ Malta vào tháng 12 năm ngoái.

Sau đó, chiếc tàu này được đưa về một khu vực ven biển ở vùng bán tự trị Puntland ở phía đông bắc Somalia. Cuối tuần qua, hải quân Ấn Độ đã chặn và thu hồi tàu Ruen sau khi con tàu quay trở lại biển. Lực lượng chống hải tặc Somalia của Liên minh châu Âu (EUNAVFOR Atalanta) cho biết, bọn hải tặc có thể đã sử dụng tàu Ruen làm bệ phóng để tấn công cướp tàu Abdullah.

Theo hải quân Ấn Độ, toàn bộ 35 tên cướp biển trên tàu đã đầu hàng và 17 con tin được giải cứu mà không ai bị thương. Theo Isse, trước đó, hải tặc Somalia đã đàm phán khoản tiền chuộc hàng triệu đô la để giải phóng Ruen.

Nguy cơ tình hình leo thang

Dù mối đe dọa hải tặc Somalia hiện nay không nghiêm trọng như giai đoạn 2008-2014 nhưng các quan chức khu vực và các nguồn tin trong ngành lo ngại vấn đề có thể leo thang.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn khi nạn cướp biển mới chớm, tình hình nó có thể trở nên nghiêm trọng như trước đây”, Tổng thống Somalia, Hassan Sheikh Mohamud nói với Reuters vào tháng trước.

Cyrus Mody, Phó Giám đốc bộ phận chống tội phạm của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho biết, sự can thiệp của hải quân Ấn Độ, vốn đã triển khai ít nhất chục tàu chiến ở Biển Đỏ, có thể tạo ra tác dụng răn đe quan trọng.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh nói, chính phủ Bangladesh “không ủng hộ bất kỳ loại hành động quân sự nào” để giải thoát tàu Abdullah.

Vịnh Aden, nằm gần Somalia  là nơi có một số tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Mỗi năm, ước tính có khoảng 20.000 tàu chở mọi thứ từ đồ nội thất, quần áo đến ngũ cốc và nhiên liệu đi qua Vịnh Aden khi trên đường đến và đi từ Biển Đỏ và Kênh đào Suez, tuyến đường hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Theo Cục Hàng hải quốc tế thuộc ICC, vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2011, hải tặc Somalia thực hiện 237 vụ tấn công và bắt giữ hàng trăm thuyền viên của các tàu hàng làm con tin. Vào năm đó, Oceans Beyond Piracy, một tổ chức giám sát các nhóm hải tặc ước tính, các hoạt động của chúng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 7 tỉ đô la Mỹ, bao gồm hàng trăm triệu đô la tiền chuộc.

Các chuyên gia quản lý rủi ro hàng hải và công ty bảo hiểm cho biết, tỷ lệ tấn công của hải tặc Somalia hiện nay đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Bọn chúng chủ yếu nhắm vào các tàu nhỏ ở những vùng biển ít được tuần tra hơn. Theo dữ liệu của EUNAVFOR, kể từ tháng 11, bọn chúng đã bắt giữ thành công ít nhất 2 tàu hàng và 12 tàu cá. Tính đến tháng 2, EUNAVFOR đã xác định có tới 5 nhóm hải tặc hoạt động ở Vịnh Aden và vùng biển phía đông Somalia. EUNAVFOR cảnh báo, sự kết thúc của mùa mưa trong tháng này có thể khiến bọn chúng mở rộng hoạt động.

Phí thuê nhân viên an ninh và bảo hiểm tăng mạnh

Các cuộc tấn công của hải tặc Somalia khiến các công ty bảo hiểm mở rộng phạm vi các vùng biển áp dụng phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh bổ sung đối với tàu hàng. Hiện nay, phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh ngày càng đắt hơn đối với các chuyến tàu đi qua Vịnh Aden và Biển Đỏ. Chi phí bảo hiểm cho chuyến đi 7 ngày thông thường qua hai vùng biển này tăng thêm hàng trăm nghìn đô la so với trước đây.

Nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng bảo vệ có vũ trang tư nhân cũng khiến phí thuê tăng cao. Các nguồn tin an ninh hàng hải cho biết, trong tháng 2, chi phí để thuê một đội bảo vệ đi theo tàu trong 3 ngày dao động từ 4.000-15.000 đô la, tăng khoảng 50% so với 1.

Hơn một thập niên trước, để đối phó với các cuộc tấn công của hải tặc Somalia, các hãng vận tải biển tăng cường các biện pháp an ninh trên tàu. Đồng thời, lực lượng hải quân quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU và Mỹ dẫn đầu, tiến hành tuần tra thường xuyên ở các vùng biển gần Somalia.

Vào giai đoạn đó, có tới 20 tàu chiến từ 14 nước tuần tra dọc theo các tuyến hàng hải ở Vịnh Aden và Ấn Độ Dương, vào bất kỳ thời điểm nào. Các biện pháp này thực tế đã giúp chấm dứt nạn hải tặc Somalia. Nhưng khi mối đe dọa giảm bớt, các nước giảm số lượng tàu chiến tham gia nhiệm vụ tuần tra.

Theo John Steed, cựu lãnh đạo đơn vị chống cướp biển tại Văn phòng chính trị của Liên hợp quốc ở Somalia, một vấn đề khác là nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép các tàu nước ngoài tuần tra trong vùng biển Somali đã hết hiệu lực vào năm 2022.

Tổng thống Somalia, Hassan Sheikh Mohamud nhấn mạnh, chìa khóa để ngăn chặn mối đe dọa hải tặc là tăng cường năng lực thực thi pháp luật của Somalia trên biển và trên đất liền chứ không phải gửi nhiều tàu chiến nước ngoài đến vùng biển của nước này.

Theo dữ liệu của chính phủ Somalia, lực lượng tuần duyên của Somalia có 720 thành viên đã qua đào tạo nhưng chỉ 1 trong 4 tàu của lực lượng này còn hoạt động.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới