Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiêu chuẩn hưởng ưu đãi quá cao, doanh nghiệp hàng hải khó phát triển đội tàu

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ cho rằng, mức vốn đầu tư để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện rất cao và thiếu thực tiễn. Điều này khiến doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư, hoán cải đội tàu cho phù hợp với các quy định phát triển bền vững hiện nay.

Doanh nghiệp gặp khó khi phát triển đội tàu

Ngày 22-3, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024. Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để Bộ GTVT tháo gỡ.

Tại hội thảo, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thủy nội địa Việt Nam đề nghị bổ sung danh mục lĩnh vực đóng mới, hoán cải đối với phương tiện thủy nội địa để được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Liêm cũng kiến nghị ưu tiên vốn vay tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp (theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg) khi tham gia đầu tư cảng, bến thủy nội địa. Nguyên nhân là do quy định nay doanh nghiệp phải đầu tư mức vốn 3.000 tỉ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao. Ông Liêm cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tế phát triển của ngành đường thủy nội địa.

Ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An cho biết, dù Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới nhưng chỉ có 48 tàu container trong tổng số 1.015 tàu vận tải thủy; và trong số này có đến hơn 31% đã trên 25 tuổi.

Ông Hải cho biết thêm, theo các quy định mới nhất của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về bảo vệ môi trường, trong vòng 5 năm tới các tàu có tuổi từ 25 tuổi trở lên rất khó đáp ứng quy định về xếp hạng chỉ số phát thải ròng CO2 (CII) ở mức D nên nhiều khả năng sẽ phải ngừng hoạt động.

“Số tàu trên 25 tuổi đều là những tàu có dung tích nhỏ nên không hiệu quả cho khai thác vận chuyển tuyến nội địa. Khai thác nội địa thì cỡ tàu phù hợp từ 1.000 TEU tới 1.800 TEU”, ông Hải nói thêm.

Khung cảnh hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa.

Theo ông Hải, để duy trì và phát triển đội tàu Việt Nam trong thời gian tới cần định hướng cho đầu tư phát triển loại tàu mới hoặc loại tàu đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về chỉ số hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, các gặp doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư tàu như vốn đầu tư lớn, lãi suất vay ngân hàng cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn.

“Hiện cỡ tàu 1.800 TEU đóng mới vay 50% từ ngân hàng với thời gian vay là 96 tháng chi phí lãi vay là 20% tổng chi phí đầu tư”, ông Hải nếu ví dụ. Bên cạnh đó, chi phí VAT nhập khẩu tàu hiện tại là 10% giá mua tàu cũng làm gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Phân tích về quy định niên hạn của tàu thủy nhập khẩu, ông Phạm Quốc Long, đại diện Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ đóng tàu nên đề xuất tăng tuổi nhập khẩu tàu từ 15 năm lên 17 năm. Bên cạnh đó, ông Long cho rằng cơ quan chức năng cần tạo điệu kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn xanh để phát triển đội tàu.

Nêu vấn đề về nhu cầu phát triển một hệ sinh thái ngành hàng hải thân thiện hơn với môi trường, ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải thủy Tân Cảng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét các gói tài trợ vốn để doanh nghiệp có thể ứng dụng, đầu tư phương tiện sà lan hybird trong tương lai. “Việc này giúp tích luỹ được tín chỉ carbon và phù hợp với xu thế logistics xanh”, ông Khanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm nghiên cứu quy chuẩn để doanh nghiệp có thể đóng được phương tiện chạy ven biển có sức chở từ 60 đến 150TEU để doanh nghiệp có thể sớm khai thác loại phương tiện này. “Hiện các tuyến vận tải chỉ có tàu SB (pha sông - biển) chở hàng rời, chưa có tàu SB chở container”, ông Khanh nói.

Ưu đãi đầu tư cần điều chỉnh phù hợp với thực tế

Ngay sau khi nghe các kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện các cục chuyên môn của Bộ GTVT cũng đã trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại hội nghị.

Về vấn đề kiến nghị về ưu đãi tín dụng, đầu tư, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Nghị định 32/2017 về tín dụng đầu tư chưa áp dụng với lĩnh vực đóng mới, hoán cải đối với phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, Cục sẽ đề xuất Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ sửa đổi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa cho biết thêm, theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, các lĩnh vực đầu tư phải có tổng vốn đầu tư thấp nhất 3.000 tỉ đồng mới được hưởng ưu đãi.

Giao thông đường thủy TPHCM: không tắc đường nhưng tắc vốn và cơ chế. Ảnh: Minh Hoàng
Tàu chở hàng di chuyển trên sông Sài Gòn.

Nhưng trên thực tế, một dự án đầu tư từ 100 đến 200 tỉ đồng đã rất là lớn nên quy định này cũng cần điều chỉnh để phù hợp hơn. “Với các đề xuất về vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển, Cục sẽ tiếp thu các ý kiến và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cho phù hợp”, ông Thu nói.

Trả lời kiến nghị về vấn đề phát triển, làm mới đội tàu của doanh nghiệp, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết với chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container đã có trong đề án phát triển đội tàu phê duyệt năm 2021 và cũng có cơ chế này.

“Nhưng cơ chế này nếu được thông qua thì phải được Bộ Tài chính hoặc các cơ quan chức năng của Chính phủ xem xét vì đây là một vấn đề rất lớn”, ông Mười nói và cho biết thêm, Bộ GTVT ghi nhận, kiến nghị để có phương án tốt nhất cho vấn đề này.

Theo ông Mười, về vấn đề tăng tuổi tàu đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi, các đơn vị liên quan cũng đang chỉnh sửa, đề xuất về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GTVT: nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên ít nhất 50%

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết hiện nay vận tải đường bộ chiếm đến 80% thị phần hàng hoá và gần 100% hành khách. Trong khi hệ thống đường thuỷ, hàng hải lại chưa được khai thác hiệu quả.

 Bộ trưởng Bộ GTVT mong muốn trong thời gian tới nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên, ít nhất là 50%. Việc này giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, giảm được tai nạn giao thông. Ông Thắng cũng kỳ vọng nhận được góp ý từ các hiệp hội, doanh nghiệp để Bộ GTVT tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các địa phương đề cùng xây dựng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới