Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hồng Kông nuôi dưỡng startup để thực hiện tham vọng trung tâm công nghệ xanh của châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bằng cách nuôi dưỡng cộng đồng các công ty khởi nghiệp (startup) đang phát triển các giải pháp giảm khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường, Hồng Kông đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ xanh (greentech) của khu vực châu Á.

Gạch in 3D của startup Archireef giúp san hô bám vào và phát triển dưới đáy biển. Ảnh: SCMP

Cách đây một năm,  Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông, Paul Chan Mo-po tuyên bố tham vọng đưa thành phố này trở thành trung tâm công nghệ xanh của khu vực châu Á. Ông nhấn mạnh Hồng Kông sẽ xem greentech là trụ cột tăng trưởng kinh tế mới ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Các thành công ban đầu của nhiều startup trong lĩnh vực này cho thấy, giấc mơ không còn quá xa vời.

Sản xuất pin, bao bì thực phẩm thân thiện môi trường

Tháng trước, khi báo cáo về ngân sách năm 2024, người đứng đầu Cục Tài chính Hồng Kông, cho biết, có hơn 200 công ty công nghệ xanh đang hoạt động ở thành phố, với một số có công nghệ “cạnh tranh toàn cầu” và đang xâm nhập vào thị trường Trung Quốc đại lục cũng như các nước khác.

Nổi bật trong số đó là  GRST, một startup sản xuất hóa chất thân thiện với môi trường. Justin Hung Yuen, CEO của GRST, thành lập công ty vào năm 2015 để thử nghiệm công nghệ sản xuất và tái chế pin lithium bằng quy trình dựa trên nước. Theo đó GRST sử dụng một chất kết dính có thể hòa tan trong nước, giúp loại bỏ nhu cầu về dung môi và chất kết dính độc hại và khó xử lý trong các sản phẩm pin thông thường hiện nay. Công nghệ này có thể cắt giảm tới 40% lượng khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất pin lithium-ion và tới 80% trong quá trình tái chế.

GRST bắt đầu sản xuất thương mại vào tháng 4-2023. Justin Hung Yuen ước tính, nhà máy đầu tiên của GRST ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), tạo ra doanh thu khoảng 8 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái, chủ yếu từ sản phẩm pin cho xe đạp điện.

Dự án HKSTP mới được xây dựng với tổng diện tích 22 hecta, là cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm tạo ra môi trường thích hợp cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, kỹ thuật chính xác, điện tử và công nghệ thông tin và viễn thông công nghệ cao.

Theo Barry Kwong, Giám đốc bền vững của HKSTP, hơn 100 startup công nghệ xanh hiện được HKSTP hỗ trợ. Khoảng một nửa trong số này chuyên về các giải pháp thành phố xanh và thông minh, trong khi 20% tập trung vào công nghệ xây dựng bền vững. 20% khác chuyên về lĩnh vực năng lượng mới và hiệu quả năng lượng. Phần còn lại xây dựng những giải pháp dựa vào dữ liệu lớn và phân tích để phát triển bền vững.

Cũng đặt trụ sở tại HKSTP là Ecoinno, startup sản xuất bao bì thực phẩm có thể phân hủy dựa trên thực vật đã được cấp bằng sáng chế. Sản phẩm của Ecoinno đã được các công ty lớn trong lĩnh vực ăn uống và hàng không đón nhận. Startup này có kế hoạch xây dựng một nhà máy hoàn toàn tự động ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)  trong năm nay. George Chen Dah-ren, CEO của Ecoinno tự tin có thể đáp ứng các yêu cầu về doanh thu và dòng tiền để tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2028.

Một startup đáng chú ý khác ở HKSTP là i2Cool do các nghiên cứu sinh tiến sĩ và nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông thành lập. Họ đã được cấp bằng sáng chế cho một loại sơn tự làm mát bề mặt, giúp tiết kiệm năng lượng. Công nghệ của loại sơn này lấy cảm hứng từ tự khả năng tự làm mát cơ thể dựa vào lớp lông phản chiếu ánh sáng mặt trời của loài kiến bạc ở sa mạc Sahara,

Nhờ tác dụng làm giảm nhiệt đồ bề mặt của tường, sơn của i2Cool có khả năng cắt giảm 30% mức tiêu thụ năng lượng của điều hòa không khí. i2Cool đã có nhiều khách hàng ở Hồng Kông, Trung Quốc, Đông Nam Á và thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Archireef, startup công nghệ xanh trong lĩnh vực hải dương, tọa lạc HKSTP, đã thương mại hóa và mở rộng quy mô sản xuất những tấm gạch đất nung theo phương pháp in 3D để khôi phục san hô và cứu các hệ sinh thái biển đang suy thoái. Những viên gạch của Archireef được đặt dưới đáy biển để giúp các mảnh san hô bám vào và phát triển.

Tháng 12 năm ngoái, Archireef công bố hợp tác với  First Abu Dhabi, ngân hàng lớn nhất ở Trung Đông, để triển khai các viên gạch giúp khôi phục hệ sinh thái rạn san hô đang suy thoái ở Vịnh Ba Tư.

Clearbot, một startup công nghệ xanh hải dương khác, sử dụng thuyền điện tự hành để dọn sạch rác thải nhựa đại dương. Trong năm qua, Clearbot đã triển khai 13 chiếc thuyền điện ở Hồng Kông và Ấn Độ. Mỗi chiếc có khả năng thu gom tới 250 kg rác thải nhựa mỗi ngày và sau đó, đưa đến các khu vực được chỉ định để thu gom và tái chế.

Được định giá 4 triệu đô la Mỹ trong vòng vốn hạt giống vào tháng 9-2022, Clearbot đã thu hút những các nhà đâu tư như Alibaba Entrepreneurship Fund, Gobi Partners GBA và CarbonX Global.

Martin Zhu, người đồng sáng lập i2Cool, startup được cấp bằng sáng chế về loại sơn giúp làm mát tường, từ đó, giảm mức tiêu thụ năng lượng của máy điều hòa không khí. Ảnh: SCMP

Chính quyền tăng cường đầu tư công nghệ xanh

Nguồn tài trợ của chính quyền Hồng Kông dành cho công nghệ xanh dự kiến sẽ tăng lên. Năm 2020, chính quyền thành lập Quỹ Công nghệ Xanh trị giá 400 triệu đô la Hồng Kông để tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển giúp thành phố khử carbon và nâng cao bảo vệ môi trường. Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông, Paul Chan Mo-po cho biết, Công ty đầu tư Hồng Kông (HKIC), thuộc sở hữu của chính quyền, sẽ thực hiện các thương vụ đầu tư trực tiếp và đồng đầu tư đầu tiên trong nửa đầu năm nay. Greentech và tài chính là một trong bốn lĩnh vực mà HKIC sẽ đầu tư.

Christine Loh Kung-wai, Giám đốc chiến lược về phát triển tại Viện Môi trường thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông cho hay, Hồng Kông có các ngành công nghiệp cạnh tranh toàn cầu như dệt may, điện tử, bất động sản và thực phẩm. Vì vậy, thành phố sẽ có lợi thế khi phát triển công nghệ xanh trong những lĩnh vực này.

“Đây là những lĩnh vực mà Hồng Kông nên tập trung vào, nhưng chúng thường bị bỏ qua vì được coi là nhàm chán”, bà nói,

Justin Hung Yuen của GRST cho rằng, các startup công nghệ xanh ở Hồng Kông nên sẵn sàng hoạt động ở nhiều địa điểm trên toán cầu để tiếp cận nhân tài và cơ sở sản xuất.

“Hồng Kông có rất nhiều nhân tài, nhưng theo truyền thống, thành phố này là trung tâm tài chính hơn là đổi mới công nghệ. Vì vậy, nguồn lực ở đây không đủ để hỗ trợ mọi thứ chúng tôi muốn làm. Do đó, chúng tôi phải thiết lập hoạt động ở Trung Quốc đại lục hoặc ở nơi khác,” ông nói.

Ông cho biết, lĩnh vực greentech thâm dụng vốn do cần tuyển dụng nhiều nhà khoa học có trình độ học vấn cao nhưng không có gì đảm bảo thành công về mặt thương mại.

“Đó là một canh bạc lớn. Bạn cần huy động nhiều tiền để bắt đầu một dự án có thể không mang lại nhiều kết quả. Lời khuyên của tôi dành cho các doanh nhân trẻ ở lĩnh vực greentech: Nếu có ý tưởng hay, đừng ngần ngại, hãy cố gắng theo đuổi và đừng bao giờ bỏ cuộc”, ông nói.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới