Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chi tiền tỉ cho trường quốc tế vay: món đầu tư nhiều rủi ro

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để có kinh phí hoạt động, hiện một số trường quốc tế đang triển khai hình thức ký hợp đồng vay vốn đầu tư giáo dục với phụ huynh. Các hợp đồng vay có số tiền từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng theo từng cấp học. Tùy vào giá trị hợp đồng, học sinh có thể được miễn toàn bộ hoặc một phần học phí trong suốt quá trình theo học. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho biết bản chất của các hợp đồng hay gói “đầu tư giáo dục” là một quan hệ vay mượn, không có thế chấp nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho phía phụ huynh.  

Cho trường vay tiền được miễn, giảm học phí

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào đạo TPHCM, nhiều giáo viên của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN - American International School Vietnam) tại huyện Nhà Bè (TPHCM) đã đồng loạt ngừng giảng dạy do bị nợ lương, khiến hơn 1.200 học sinh phải nghỉ học vào ngày 18-3.

Nguyên nhân của tình trạng này là do Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đang gặp khó khăn về phương án tài chính kể từ khi dịch bệnh Covid-19 đến hiện tại. Lãnh đạo cơ sở này đang nhờ các quỹ đầu tư vào tái cấu trúc lại nhà trường. Vì vậy, trường xảy ra tình trạng chậm trả lương cho giáo viên, khiến giáo viên đình công. Đây nội dung được bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM vào ngày 21-3 vừa qua.

Trước đó, ngôi trường này cũng từng gây chú ý vào tháng 9-2023 khi bị nhiều phụ huynh yêu cầu hoàn trả học phí với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Vấn đề xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn đầu tư giáo dục (hay còn gọi là gói “đầu tư giáo dục”). Phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỉ đến chục tỉ đồng. Số tiền đóng tùy theo từng cấp học của học sinh và không tính lãi suất trong suốt thời gian trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khỏe… Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.

Tuy nhiên, khi đến hạn, nhiều phụ huynh cho biết trường vẫn không hoàn trả học phí khiến họ làm đơn gửi lên Sở Giáo dục và Đào đạo TPHCM. Sau vụ việc này, ngành giáo dục TPHCM đã yêu cầu các trường ngoài công lập, trường quốc tế tách biệt hoạt động doanh nghiệp và chuyên môn. Đặc biệt, các trường chỉ được thu học phí một năm học, không được thu gộp nhiều kỳ, nhiều năm.

Theo Sở Giáo dục và Đào đạo TPHCM, hiện Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại huyện Nhà Bè đang gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Minh Thảo

Xung quanh thắc mắc về nguyên tắc hoạt động của các gói "đầu tư giáo dục" tại một số trường quốc tế hiện nay, trao đổi với KTSG Online, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực giáo dục quốc tế, cho biết theo thống kê của ông, hiện có hơn 15 trường trường quốc tế và song ngữ tại TPHCM và Hà Nội đang áp dụng gói “đầu tư giáo dục” thông qua hình thức trả học phí trước nhiều năm. Các gói này bao gồm việc huy động phụ huynh đóng một số tiền nhất định dưới danh nghĩa học phí trả trước 3-5 năm, thậm chí tới 10-15 năm.

Đổi lại, phụ huynh được hưởng học phí thấp hơn mức đóng lẻ từng năm. Sức hút của gói “đầu tư giáo dục” dài hạn này là mức giảm học phí có thể từ 20-40%, thậm chí là cao hơn. Chẳng hạn như với mức học phí trung bình là 500 triệu đồng/năm, phụ huynh phải chi tổng cộng 6 tỉ đồng cho 12 năm để cho con học trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu đóng một lần, phụ huynh có thể chỉ đóng gói 3-4 tỉ đồng đối với 12 năm học.

Đặc biệt, có những gói đầu tư giống như “vay vốn” của phụ huynh. Theo đó, phụ huynh đóng vào trường một khoản tiền trong 12 năm. Trong suốt thời gian này, học sinh được học miễn phí. Hết 12 năm, trường hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng. Như vậy, có thể hiểu số tiền lãi được dùng để chi trả tiền học cho học sinh. Về bản chất, đây như là một hợp đồng “huy động vốn”, ông Nguyên cho biết.

Rủi ro lớn từ gói “đầu tư giáo dục” tiền tỉ

Theo ông Nguyên, các gói đầu tư tài chính trong lĩnh vực giáo dục xuất hiện sau khi một số trường tư ở Việt Nam được các quỹ đầu tư tham gia vào. Sau đó, các trường khác học tập và biến các gói đầu tư này thành một chính sách học phí thông thường.

Hiện các trường học tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Canada… vẫn thu học phí của học sinh phổ thông hay sinh viên đại học theo tín chỉ hoặc học kỳ hoặc theo năm học. “Rất hiếm khi thu trước nhiều năm vì trường học thường vận hành theo từng năm học. Việc thu học phí trước nhiều năm như các trường tại Việt Nam đang triển khai hiện nay có vẻ bất thường vì nó ẩn chứa mối quan hệ tín dụng”, chuyên gia giáo dục này nói.

Dù có gắn vào danh nghĩa trả học phí trước cho học sinh, bản chất của gói đầu tư giáo dục là một quan hệ vay mượn không có thế chấp nên rủi ro rất cao. Ông Nguyên phân tích khi trường quốc tế đang ở thời kỳ “cầu nhiều hơn cung”, mọi chuyện tốt đẹp vì các trường ăn nên làm ra nhờ thu học phí cao và thu được trước nhiều năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến, đã làm đảo lộn nhiều hoạt động như trường học bị gián đoạn, phụ huynh bị giảm thu nhập, chi phí hoạt động của trường tăng lên… Do vậy, không ít trường không còn giữ được “sức khỏe tài chính” như trước, thậm chí có thể bên bờ vực phá sản.

Lúc này, gói đầu tư giáo dục bộc lộ nhược điểm của một hình thức đầu tư tự phát, không có quy định pháp luật rõ ràng. Vì đây là khoản cho vay tín chấp nên phụ huynh phải chịu nhiều rủi ro. Theo đó, nếu phía nhà trường đem nguồn tiền huy động được để đầu tư ra bên ngoài như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thì rủi ro vô cùng cao.

Đối với các gói “đầu tư giáo dục” dài hạn tại một số trường quốc tế hiện nay, phụ huynh phải đóng một số tiền lớn trước nhiều năm cho nhà trường. Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Ngoài ra, đội ngũ điều hành trường học thông thường không phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc huy động tiền học phí trước để hình thành khoản vốn lớn cho trường chỉ có ý nghĩa khi trường ở giai đoạn xây dựng khuôn viên hoặc nâng cấp trường về quy mô, chất lượng một cách đặc biệt. Còn khi trường huy động tiền để đầu tư bên ngoài trường, với hy vọng có được khoản lời lớn và nhanh trả lại cho phụ huynh thì có thể không mang lại kết quả như trường mong muốn. Nếu đầu tư liều lĩnh vào đất đai, chứng khoán… thì đội ngũ quản trị trường đã đặt trường học vào tình thế nguy hiểm.

“Hiện các trường quốc tế tốt và uy tín nhất tại Việt Nam hoàn toàn không có chương trình đầu tư giáo dục này. Bởi để khai sinh và vận hành một ngôi trường tốt, thông thường nhà đầu tư phải có kế hoạch từ trước về vốn thay vì mượn của phụ huynh. Các công ty vận hành trường quốc tế của Việt Nam thường là công ty vừa và nhỏ”, ông Nguyên lưu ý thêm. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hiện đơn vị vẫn tiếp nhận thông tin của phụ huynh, học sinh của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam qua số điện thoại: 028.38294016 và địa chỉ email: tiepcongdan@hcm.edu.vn.

Được biết, sau một tuần gián đoạn việc học do các giáo viên đồng loạt ngừng giảng dạy, từ ngày 25 đến ngày 29-3, học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tiếp tục nghỉ học theo kế hoạch của kỳ nghỉ xuân đã được thông báo vào đầu năm học. Theo kế hoạch, các học sinh sẽ trở lại trường vào ngày 1-4.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới