Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Ông lớn’ dầu khí nhắm đến thị trường ‘chôn’ carbon 16 tỉ đô la ở Đông Nam Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới gồm Exxon Mobil, Shell, Chevron và TotalEnergies đang nhắm đến các dự án thu hồi và cô lập khí carbon (CCS) ở Đông Nam Á. Các “ông lớn” dầu khí này xem đây là nguồn tạo ra dòng doanh thu mới giữa lúc họ đối mặt với lời kêu gọi giảm khí thải nhà kính để chống biến đổi khí hậu.

Thị trường thu hồi và cô lập carbon ở Đông Nam Á có thể tạo ra doanh thu hàng năm 16 tỉ đô la Mỹ vào năm 2050. Ảnh: Reuters

Thị trường trị giá 16 tỉ đô la Mỹ hàng năm

Tại khu vực châu Á, nơi được dự báo dẫn đầu thế giới về lượng phát thải carbon trong thế kỷ này, Indonesia và Malaysia nổi lên như là một trong số ít địa điểm có đặc điểm địa lý thích hợp để “chôn” carbon.

Với tiền mặt dồi dào, kinh nghiệm hàng thập niên bơm carbon vào các giếng dầu nhằm tăng cường thu hồi dầu, các tập đoàn dầu mỏ toàn cầu đang chạy đua thiết lập dự án CCS ở hai nước này.

Darren Woods, CEO Exxon Mobil (Mỹ), tiết lộ công ty ông đã giành được thỏa thuận độc quyền lưu trữ carbon tại một số địa điểm ở Indonesia và Malaysia. “Các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu cần các công ty quy mô thế giới như Exxon Mobil giúp giải quyết chúng”, ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế  châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thành phố San Francisco hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó, Tập đoàn Shell (Anh) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn khí quốc gia Malaysia, Petronas để tìm kiếm các địa điểm tiềm năng cho dự án CCS. Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ đang nghiên cứu một dự án CCS ở Indonesia. Và TotalEnergies của Pháp đang tích cực tìm kiếm địa điểm tiềm năng lưu trữ carbon trong khu vực Đông Nam Á.

Cuối năm ngoái, Exxon và Shell ký thỏa thuận ghi nhớ với chính phủ Singapore để điều phối việc lập kế hoạch và phát triển dự án CCS, có khả năng thu giữ và cô lập vĩnh viễn ít nhất 2,5 triệu tấn carbon mỗi năm vào năm 2030. Dự án này dự kiến cô lập carbon từ dưới lòng đất sâu hoặc dưới đáy biển của Singapore. Các địa điểm cô lập carbon sẽ được lựa chọn sau khi trải qua quá trình phân tích nghiêm ngặt để đảm bảo sự phù hợp.

Theo các nhà phân tích, ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều là những nền kinh tế phát thải lớn, nhưng họ thiếu các đặc điểm địa chất phù hợp để có thể hút chôn đủ lượng carbon cần thiết. Có nghĩa là họ sẽ cần xuất khẩu khí nhà kính này đến những nơi khác trong khu vực để chôn.

Chris Stavinoha, Tổng giám đốc phụ trách các giải pháp CCS ở khu  vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông của Chevron, cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản đang tìm kiếm các địa điểm chôn carbon ở nước ngoài. Ông dự báo, các không gian trữ carbon hạn chế hiện có, đặc biệt là ở Đông Nam Á, sẽ nhận được “sự quan tâm đáng kể”.

Rystad Energy ước tính, việc vận chuyển carbon đến lưu trữ ở Đông Nam Á có thể tạo ra khoảng 16 tỉ đô la doanh thu hàng năm vào năm 2050.

Thiếu không gian cô lập carbon dưới lòng đất

Lưu trữ, tức cô lập carbon, là bước cuối cùng trong quy trình CCS, một công nghệ được thiết kế để hút carbon từ khí quyển và chôn khí nhà kính này dưới lòng đất mãi mãi. Về mặt lý thuyết, điều đó giúp vô hiệu hóa tác động của khí carbon đối với biến đổi khí hậu.

Đối với các tập đoàn dầu khí, việc triển khai rộng rãi các dự án CCS là một giải pháp giúp giảm bù đắp lượng phát thải khổng lồ của họ. Dựa vào các dự án này, họ có thể bảo toàn tới 20% nhu cầu dầu và khí đốt hiện nay cho đến năm 2050 mà không đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt quá mức quy định trong Thỏa thuận khí hậu Paris, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Ngoài ra, các dự án CCS cũng hứa hẹn mạng lại nguồn doanh thu mới vì các tập đoàn dầu khí có thể cho thuê không gian lưu trữ carbon với một khoản phí.

Hiện tại, có một khoảng cách rất lớn giữa lượng carbon cần thu hồi và không gian lưu trữ hiện có. Theo IEA, để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu, hơn 1 tỉ tấn carbon cần được thu hồi và chôn dưới lòng đất mỗi năm vào cuối thập niên này. Nhưng hiện tại, các địa điểm cô lập carbon đang vận hành thương mại trên toàn cầu chỉ có công suất tương đương 4% con số đó.

Một phần của vấn đề là tính khả thi kinh tế. Chi phí thu hồi và chôn 1 tấn carbon dưới lòng đất có thể lên đến 1.000 đô la Mỹ.

Nếu thiếu vắng cơ chế carbon, các tập đoàn dầu khí sẽ không thể thực hiện các dự án CCS có chi phí thấp về mặt tài chính. Khó khăn tiếp theo là những lực cản chính trị. Tại Mỹ, sự phản đối quyết liệt từ các nhà bảo vệ môi trường và người dân địa phương khiến hoạt động cấp phép và xây dựng các giếng lưu trữ carbon dưới lòng đất bị trì hoãn. Họ lo ngại các cơ quan quản lý nhà nước không được trang bị năng lực đầy đủ để giám sát giếng chôn carbon, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ các giếng này.

Các hạn chế về mặt địa chất cũng khiến các dự án CCS khó có thể triển khai và mở rộng nhanh chóng. Có hai loại không gian dưới lòng đất có thể lưu trữ carbon: các khối đá dễ thấm nằm sâu dưới lòng đất, được gọi là tầng ngậm nước mặn, và các giếng dầu và khí đốt đã cạn kiệt. Nhưng các không gian này không tồn tại ở khắp mọi nơi.

“Ngày càng có nhiều công ty dầu khí chạy đua giành được không gian rỗng trong lòng đất hoặc quyền lưu trữ CO2 trên toàn cầu”, Lein Mann Bergsmark, người đứng đầu bộ phận CCS của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói.

Indonesia, Malaysia lên kế hoạch nhập khẩu carbon để chôn

Trong khi đó, Indonesia và Malaysia được đánh đánh giá là có những địa điểm cô lập carbon phù hợp bo gồm nhiều giếng dầu đã cạn kiệt. Chính phủ của hai nước này cũng đã thông qua kế hoạch phát triển các dự án CCS.

“Các công ty phát thải lớn trong khu vực đều đến gặp chúng tôi để tìm kiếm thỏa thuận về không gian lưu trữ carbon”, Emry Hisham Yusoff, người đứng đầu bộ phận quản lý carbon của Petronas, nói. Petronas đang tìm cách phát triển ba trung tâm có khả năng lưu trữ tới 15 triệu tấn carbon mỗi năm vào năm 2030.

Năm ngoái, Exxon ký thỏa thuận với Pertamina, một công ty dầu khí nhà nước ở Indonesia, để phát triển cơ sở lưu trữ carbon trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ. Etienne Anglès d'Auriac, Phó chủ tịch của TotalEnergies, cho biết công ty ông đang đầu tư khoảng 100 triệu đô la mỗi năm cho hoạt động phát triển CCS toàn cầu. Con số đó có thể tăng gấp 3 vào cuối thập niên này.

Tất nhiên, cả Indonesia và Malaysia có lượng khí thải nhà kính riêng cần cô lập. Vì vậy, Indonesia đã tuyên bố rằng 70% không gian lưu trữ carbon tiềm năng của đất nước sẽ dành cho lượng khí thải trong nước.

Các tập đoàn dầu khí cần các chính phủ hỗ trợ cấp giấy phép lưu trữ nhanh chóng cũng như trợ cấp chi phí phát triển các địa điểm lưu trữ. Tại Indonesia, sắc lệnh tổng thống ban hành tháng trước, cung cấp các ưu đãi tài chính cho các nhà đầu tư đang tìm cách xây dựng cơ sở lưu trữ carbon nhập khẩu. Nhà đầu tư có thể nộp đơn xin giấy phép lưu trữ carbon có thời hạn lên đến 30 năm.

Malaysia chưa có quy định rõ ràng về hoạt động nhập khẩu carbon. Người phát ngôn của chính phủ Malaysia cho biết, Malaysia sẽ công bố dự thảo luật về nhập khẩu và lưu trữ carbon trong quí  đầu tiên của năm 2025.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng thách thức hiện nay là không có nhiều tàu để vận chuyển carbon đến địa điểm lưu trữ xuyên biên giới.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới