(KTSG Online) - Bên cạnh nâng cao chất lượng lúa gạo, một trong những nội dung quan trọng của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp được kỳ vọng đó là bán tín chỉ carbon. Vậy, việc ghi nhận dự kiến sẽ được thực hiện ra sao và doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện nào để tham gia đề án này?
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện lấy ý kiến các vấn đề liên quan để thực hiện. Trong đó, đo đạc xác định mức giảm phát thải là một trong những nội dung quan trọng…
Carbon giảm, tiền tăng thêm
Tại một hội thảo liên quan đề án nêu trên vừa được tổ chức ở thành phố Cần Thơ, ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện môi trường nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có nhiều công cụ đánh giá hoạt động giảm phát thải (MRV) và đơn vị này đang tìm kiếm một phương pháp chuẩn được chấp thuận của đơn vị chi trả, đó là Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, hoạt động quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, đó là rút khô nước trước và trong quá trình canh tác. Bởi, khi ruộng khô nước vi sinh phân giải khí metan sẽ không hoạt động hay nói cách khác phát thải sẽ giảm.
Theo đó, thời gian rút nước càng lâu, thì phát thải sẽ càng thấp. “Trong vụ, chúng ta có hai biện pháp giảm phát thải bao gồm, thứ nhất là rút nước giữa vụ; thứ hai là tưới ngập khô xen kẽ”, ông Trịnh cho biết.
Tuy nhiên, khi đưa nước lên ruộng, vi sinh vật phân giải khí metan sẽ tiếp tục hoạt động, tức tăng phát thải khí nhà kính. Do đó, tưới ngập khô xen kẽ có ưu thế hơn, bởi khi vi sinh vật bắt đầu tăng hoạt động, tiếp tục rút nước nó sẽ giảm, tức đồ thị phát thải sẽ thấp hơn so với rút nước 1 lần.
Theo vị đại diện của Viện môi trường nông nghiệp, hệ số giảm phát thải khí nhà kính nếu rút nước 1 lần giữa vụ có thể giảm được 29%, nhưng nếu rút nước nhiều lần trong vụ (ngập khô xen kẽ) có thể giảm được 45% lượng phát thải trong 1 vụ lúa.
Ngoài áp dụng kỹ thuật tưới, ông Trịnh cho biết, hoạt động tiếp theo để giảm phát thải khí nhà kính là bón phân và quản lý rơm rạ trên đồng ruộng.
Theo đó, sau khi thu hoạch, ngoài rơm có thể đưa ra khỏi đồng ruộng, thì phần gốc rạ còn lại do máy cắt không hết được nông dân xử lý bằng cách cày vùi xuống đất. Nếu vùi trước thời điểm gieo sạ trên 30 ngày, thì rạ được phân huỷ có thể chuyển thành chất hữu cơ phục vụ cây trồng và ít phát sinh khí thải. Tuy nhiên, nếu thời gian vùi và gieo sạ trong 30 ngày, tức thời gian chưa đủ cho quá trình phân huỷ thì trong đất có nhiều khí thải, làm ngộ độc cây lúa và vi sinh vật trong thời kỳ này sẽ tăng sinh khối, dùng nhiều dinh dưỡng dẫn đến cạnh tranh với cây lúa.
Ông Trịnh cho biết, nông dân vùi rạ lớn hơn 30 ngày trước khi gieo sạ giúp lượng phát thải giảm 5 lần so với vùi và gieo sạ trong 30 ngày. “Như vậy, nếu có vùi rơm rạ, thời gian phải lớn hơn 30 ngày và đây là biện pháp chúng ta cần lưu ý”, ông nhấn mạnh.
Đối với bón phân, khuyến cáo được ông Trịnh đưa ra, đó là không bón nhiều phân hoá học, nhất là đạm, bởi nó sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính. “Mục tiêu đề án 1 triệu héc ta là chúng ta giảm lượng phân đạm, cho nên, không khuyến khích người nông dân tăng đạm”, ông nói.
Theo ông, việc san phẳng đồng ruộng bằng máy laser để đảm bảo việc rút nước, nhưng vận hành máy móc thực hiện công việc này cũng làm tăng phát thải. “Lượng tăng này sẽ tính vào lượng giảm phát thải. Chẳng hạn, quy trình canh tác giảm được 5 tấn, mà dùng máy móc làm tăng 2 tấn, thì kết quả cuối cùng chỉ được 3 tấn”, ông Trịnh cho biết.
Theo vị đại diện của Viện môi trường nông nghiệp, tất cả hoạt động tăng/giảm phát thải có thể được tính toán một cách dễ dàng bằng cách lập bảng excel hoặc đưa vào phần mền tính toán. “Chúng ta có đủ các cột, bao gồm quản lý nước trước vụ, quản lý nước trong vụ, bón phân thế nào, xử lý rơm rạ ra sao…? Tất cả sẽ ra được hệ số phát thải cho từng chân ruộng, từng loại hình kỹ thuật áp dụng như tưới ngập thường xuyên, rút nước giữa vụ hay nhiều lần trong vụ”, ông cho biết.
Theo ông Trịnh, thông qua một MRV được lựa chọn, kết quả phát thải cuối cùng sẽ được xác định. Dĩ nhiên quá trình này cần sự hỗ trợ của lực lượng khuyến nông trong ghi nhận, cập nhật dữ liệu cũng như khai báo thông tin từ cấp độ hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
Theo đó, sẽ có 3 cơ sở để xác định hệ số phát thải: thứ nhất là dữ liệu nông dân điền vào; thứ hai là kết quả quan trắc MRV của cán bộ khuyến nông và thứ ba là hệ thống đo đếm tham chiếu.
“Chúng tôi đo tham chiếu ở ĐBSCL để biết phát thải thật sự của các hệ thống canh tác ở đây là bao nhiêu, rồi qua hệ thống này, MRV sẽ tính toán ra lượng phát thải của ruộng lúa là bao nhiêu”, ông Trịnh cho biết.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số liệu tính toán ban đầu của đơn vị này, 1 héc ta sản xuất lúa sẽ giảm được khoảng 10 tấn khí thải, trong khi mỗi tấn giảm đi sẽ được chi trả khoảng 10 đô la Mỹ, tức mỗi héc ta có thêm 100 đô la Mỹ tiền bán tín chỉ carbon.
Muốn tham gia phải liên kết từ 10.000 héc ta?
Ông Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn đầu đến năm 2025, 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) sẽ triển khai với tổng diện tích khoảng 180.000 héc ta.
Theo ông, đơn vị này đang trong quá trình xây dựng các tiêu chí liên quan để thực hiện đề án. Trong đó, đối với vấn đề rút nước ra khỏi đồng ruộng, tiêu chí dự kiến áp dụng là mỗi ô bao sẽ có diện tích 50 héc ta.
“Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và đưa ra tiêu chí diện tích bình quân của mỗi ô bao để đo mức thải khí nhà kính là trên dưới 50 héc ta”, ông Nam cho biết và giải thích, đây là diện tích lý tưởng để áp dụng kỹ thuật rút nước ra khỏi đồng ruộng được nhanh chóng và thuận lợi. Còn thực hiện mỗi ô bao 1.000-2.000 héc ta sẽ không chủ động trong rút nước.
Trong khi đó, với tiêu chí huy động doanh nghiệp tham gia vào đề án, phải có hợp đồng liên kết sản xuất với quy mô ít nhất phải 5.000-10.000 héc ta. Nói về vấn đề này, ông Nam cho rằng, doanh nghiệp cứ bàn tiêu chí đi, nhưng nếu không đáp ứng điều kiện trên thì khỏi trình lên.
“Mà tôi ra chỉ tiêu luôn, đó là phải liên kết sản xuất ít nhất phải 5.000-10.000 héc ta. Doanh nghiệp tham gia mua lúa 200-300 héc ta không phải là liên kết”, ông Nam nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian qua xảy ra tình trạng tranh chấp, nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo” lẫn nhau không phải là "hợp đồng liên kết sản xuất" mà chỉ là "hợp đồng mua bán".
“Doanh nghiệp phải đầu tư đầu vào, đầu ra vào một vùng nguyên liệu, thì mới gọi là hợp đồng liên kết sản xuất. Còn như thời gian qua bàn luận nhiều nhưng cuối cùng chỉ là mua lúa thôi. Chúng ta phải phân biệt rõ điều này, không khéo chúng ta nhầm lẫn. 1 triệu héc ta, mà doanh nghiệp tham gia chỉ 200-300 héc ta, thì biết bao nhiêu doanh nghiệp cho đủ, cho nên, chúng tôi hướng đến phải là doanh nghiệp lớn”, ông Nam nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khi doanh nghiệp tham gia vào đề án sẽ có nhiều cái lợi, trong đó, đầu tiên là có được vùng nguyên liệu; thứ hai, là có được tín dụng để mua lúa lúc thu hoạch. Bộ này sẽ làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để dành 1 khoản tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia đề án này để mua lúa trong lúc thu hoạch. Tổ chức tài chính của WB cũng đồng ý khi có bộ tiêu chí này họ sẵn sàng giải ngân cho đơn vị tham gia theo hướng hỗ trợ cho dự án.
Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL (xin không nêu tên) cho biết, con số nêu trên không phải là tiêu chí dễ. Bởi lẽ, áp lực thu mua, chế biến cho đến tiêu thụ cho khoảng 70.000 tấn lúa cùng lúc là rất lớn, nhất là nguồn lực để thu mua lúa cùng lúc lên đến 500-600 tỉ đồng.
Ngoài vấn đề nêu trên, tiêu chí được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra đối với quy trình canh tác là gieo sạ 60-80 kg/héc ta. “Anh vào mà “chơi” 120 kg/héc ta thì xác định là bị loại khỏi đề án”, ông Nam nói và cho rằng, với kỹ thuật sạ cụm hoặc bằng drone, thì 60 kg/héc ta là hoàn toàn thực hiện được.
Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải có tiêu chí và giao trách nhiệm cho các địa phương. Dựa vào tiêu chí, các địa phương xác nhận đơn vị tham gia, doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì địa phương phải chịu trách nhiệm đơn vị đó. Trên cơ sở diện tích được đăng ký sẽ ra tổng diện tích triển khai đề án...