(KTSG Online) - Đường bộ cao tốc có tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục. Đây là quy định trong Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10-2024.
- Khẩn cấp mà lại phải… chờ?
- Không thể để “thiết kế cầu Rạch Miễu” nhân bản khắp nơi!
- Nếu chưa làm làn khẩn cấp, khoan gọi là ‘đường cao tốc’
TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thông qua việc vừa ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT đường bộ cao tốc. Với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới này, các dự án cao tốc được phê duyệt sắp tới sẽ không còn hình thức đầu tư phân kỳ chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách hoặc 4 làn xe không có làn khẩn cấp liên tục.
Theo quy chuẩn QCVN 115:2024/BGTVT, đường bộ cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).
Về tốc độ thiết kế của đường bộ cao tốc, quy chuẩn mới quy định tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp gồm 120km/h; 100km/h; 80km/h. Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.
Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120km/h. Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20km/h; tốc độ tối đa cho phép của hai đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20km/h.
Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120 km/h, cấp 100 km/h và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80 km/h.
Đối với làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m với đường cấp 120 km/h, cấp 100 km/h và tối thiểu 2,5 m với đường cấp 80 km/h.
Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.
Các cao tốc đang xây dựng sẽ áp dụng theo quy chuẩn nào?
Về quy định chuyển tiếp, Thông tư 06/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế từ 80 km/h trở xuống đang khai thác trước ngày thông tư này có hiệu lực, khi đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cho phép áp dụng các yếu tố kỹ thuật cho dự án đã được phê duyệt trước ngày thông tư này có hiệu lực.
Chuẩn mực/ Chuẩn hóa. Phải luôn đi đôi cùng nhau, mọi nơi, mọi lúc. Đặt ra tiêu chuẩn là một chuyện, việc thực thi được hay không lại là chuyện khác, nếu không muốn nói là rất khó. Khi có “chuẩn mực” rồi, nghĩa là đã kiến tạo được hành lang pháp lý tối thiểu. Nhưng chưa hẳn OK. Còn phải “chuẩn hóa”, nghĩa là cần tạo mọi điều kiện khả thi (cơ chế chính sách/ nguồn lực…) để hiện thực hóa. Như vậy mới thực sự ổn định và bền vững.
Chưa đủ. Đường bộ, như thế tạm được. Còn đường sắt ? Phải có đủ 2 làn, thì mới gọi là ĐỦ CHUẨN.