(KTSG Online) - Đầu tư Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam sau khi nguồn vốn đầu tư từ nước này tăng gần 70% vào năm ngoái. Đáng chú ý, dòng đầu tư này đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam. Bên cạnh nhưng con số tích cực về thu hút đầu tư thì làn sóng dịch chuyển này đang tạo ra sức ép lớn cho nền sản xuất trong nước về dài hạn.
- Tạo điều kiện để doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam
- Hãng xe điện BYD (Trung Quốc) đối mặt loạt thách thức ở thị trường nước ngoài
Đến dồn dập và dẫn đầu đầu tư
Tập đoàn BOE Bắc Kinh cuối tuần rồi đón giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3. Với tổng đầu tư 277,5 triệu đô la, tập đoàn Trung Quốc này sẽ lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bảng giá điện tử, bọ mạch… Dự kiến khi hoạt động năm 2026, BOE sẽ tuyển dụng hàng ngàn lao động.
Đây là dự án đầu tư thứ 2 tại Việt Nam của BOE sau dự án sản xuất tương tự tại tỉnh Đồng Nai được đưa vào khai thác năm 2019.
Bình Dương là địa phương thu hút mạnh đầu tư FDI trên cả nước, trong đó Trung Quốc nhiều nhất với hơn 1.660 dự án, tổng vốn trên 10 tỉ đô la (tính cuối năm nay). Chưa dừng lại ở đó, tỉnh cũng đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc vào giữa tháng 4 này, nhằm kết nối hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, dòng đầu tư Trung Quốc nhộn nhịp phải kể đến các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Vào ngày 4-4 vừa qua, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã ký hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình vốn hơn 800 triệu đô la, công suất 200.000 xe/năm.
Còn nhà sản xuất xe điện 2 bánh Yadea thì đang gấp rút xây nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang công suất 2 triệu xe máy/năm, gấp 4 lần so với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2019 ở địa phương này. Dự kiến 30% sản lượng nhà máy mới sẽ xuất đi Philippines, Thái Lan, Malaysia và Lào.
Hay tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quí đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư đến từ đất nước tỉ dân này.
Nhìn tổng quan cả nước, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua các nước có nhiều đầu tư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… để dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 27,8% trong số 644 dự án mới được cấp phép trong quí đầu năm 2024.
Năm ngoái, đất nước láng giềng này cũng tăng mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam. Tại Triển lãm China Homelife 2024 ở TPHCM mới đây với sự tham gia khoảng 500 doanh nghiệp đến từ 53 tỉnh thành của Trung Quốc, ông Li Xingqiun, Vụ trưởng Vụ ngoại thương Trung Quốc cho biết, Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn trong khối ASEAN.
Theo ông, năm 2023 đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,2 tỉ đô la. Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, tiêu dùng... ở Việt Nam.
Đeo bám nhà sản xuất quốc tế
Đáng chú ý là đang có sự gia tăng mạnh mẽ dòng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc rót vốn vào sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ ở nhiều địa phương hiện nay.
Trước đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, các sản phẩm giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa... Tuy nhiên gần đây xu hướng đầu tư của quốc gia này chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao n linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô...
Ở các tỉnh thành khu vực phía Bắc, tình hình khảo sát và tìm hiểu đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy khá nhộn nhịp. Khu vực này có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp những sản phẩm đầu cuối của doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn thuộc nhiều lĩnh vực công nghiệp, như ô tô, xe máy, điện thoại, điện tử gia dụng và các lĩnh vực công nghiệp chế tạo khác…
Theo các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn ngày càng nhiều hơn. Do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn này cũng dịch chuyển theo.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc vì thận trọng hơn với chuỗi cung ứng đã tìm kiếm nguồn cung khác ngoài lãnh thổ nước này. Trong làn sóng này, Việt Nam đang được xem là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, hàng loạt công ty Trung Quốc nhanh chóng mang những dự án đầu tư nhà xưởng sản xuất đến Việt Nam để đeo bám. Những dự án mới này chủ yếu để phục vụ các tên tuổi lớn trước đó đã có mặt.
Theo ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc) đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Đông, hiện Tomko đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam. Theo ông, Tomko thấy rõ cơ hội ở Việt Nam với điểm thuận lợi chính trị ổn định và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại Quốc tế điện tử Trung Việt Trung, ông Liang Yang Hong, cho biết để đón làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam, công ty ông đã đầu tư một cụm nhà xưởng công nghiệp ở Bắc Ninh (Việt Nam) và đã sớm được lấp đầy.
Doanh nghiệp này cũng xây tòa nhà trung tâm thương mại tại thành phố Bắc Ninh, nơi sẽ là trung tâm văn phòng cho các doanh nghiệp điện tử và cũng là nơi trưng bày - mua bán các sản phẩm, linh kiện điện tử, dự kiến khai trương trong vòng 2 tháng tới.
Ngoài các doanh nghiệp quốc tế, các công ty ở đầu và cuối các chuỗi công nghiệp Trung Quốc còn “rủ rê” nhau vào Việt Nam để có thể liên kết sản xuất, tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Do đó, Việt Nam được đánh giá là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN trong xu hướng này.
Ngành sản xuất nội địa chịu sức ép lớn
Giới phân tích nhận định, các công ty Trung Quốc đang dịch chuyển nhà máy và các cơ sở khác sang nước thứ ba như ở Việt Nam để tạo điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Bởi với thị trường Mỹ đang áp đặt mức thuế nhập khẩu tới 25% đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ; đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ.
Đáng chú ý, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có EVFTA với hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường châu Âu với thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp vào những năm tới. Điều này sẽ rất thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc nếu nhanh chân đến Việt Nam.
Với sự gia tăng mạnh mẽ dòng đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất linh kiện, phụ tùng… sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về linh phụ kiện của các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam.
Dù vậy, ở khía cạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước thì làn sóng đầu tư này của doanh nghiệp Trung Quốc trở thành nỗi lo lớn. Bởi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu về công nghệ và năng lực tài chính, chưa kịp phát triển để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng sản xuất ở Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, băn khoăn khi thấy làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm rất nhanh.
Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan của Mỹ với thị trường Trung Quốc. Theo ông Tuất, đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “chậm lớn” và mãi cứ loay hoay hướng đi, giờ đây còn đang đối mặt với doanh nghiệp hỗ trợ Trung Quốc đang lớn mạnh tại Việt Nam.
Cùng với đó là thách thức của nhà sản xuất đầu cuối khi chuỗi cung cấp phải khép kín hoàn toàn, tức họ cần cung cấp từ A-Z các cấu kiện. Trong khi đây lại là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp trong nước.
Về đầu tư của Trung Quốc cũng phải nhìn nhận ngày càng thay đổi với các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, sản phẩm dùng cho chuyển đổi xanh, năng lượng sạch... mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh thu hút được cho là khá tích cực đó các chuyên gia cũng đặt ra không ít băn khoăn khi các dự án đầu tư Trung Quốc để lại không ít tổn hại. Nếu nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đưa thiết bị lạc hậu, công nhân, chuyên gia của họ sang Việt Nam thì được cho là thách thức hơn là thuận lợi.
Bởi bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị biến thành “cứ điểm” để các doanh nghiệp Trung Quốc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa “mượn” sản xuất Việt Nam để xuất đi Mỹ. Việc này sẽ khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu như Mỹ và EU…
Dự báo dòng vốn Trung Quốc sẽ ngày càng nhiều hơn. Giới phân tích khuyến nghị cần "gạn đục khơi trong", trong đó phải nâng cao trách nhiệm của đơn vị thẩm định dự án, siết chặt khâu sàng lọc và giám sát. Tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, việc cần làm trong việc thu hút đầu tư cần nghiên cứu bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn khoảng trống để vừa thu hút được vốn FDI lại vừa tránh được nhưng nguy cơ cho kinh tế và an ninh quốc phòng.
Cân nhắc hạn chế công nghệ lạc hậu ô nhiễm môi trường, thiếu tuân thủ sở hữu trí tuệ.