(KTSG Online) – Sầu riêng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đồng thời giá bán “lập đỉnh” trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, khi sầu riêng Thái vừa tham gia thị trường, lập tức tình hình đã thay đổi: sầu riêng Việt nhanh chóng rớt giá, thua sút cạnh tranh...
Hai tháng đầu năm 2024, mặt hàng sầu riêng tươi mang về cho Việt Nam hơn 172 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 199% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính mặt hàng sầu riêng của Việt Nam khi có kim ngạch đạt trên 158 triệu đô la Mỹ, tăng 235% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá sầu riêng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung cũng “lập đỉnh”, đạt mức 210.000 đồng/kg đối với giống Monthong và 140.000 đồng/kg đối với giống RI6 khi mua xô tại vườn của nông dân.
Tuy nhiên, khi Thái Lan vừa bước vào vụ thu hoạch, nguồn cung có bán sang thị trường Trung Quốc, sầu riêng của Việt Nam lập tức “sập giá” nhanh chóng...
“Sập giá” khi sầu riêng Thái nhảy vào
Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Văn Cho, ngụ ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết giá sầu riêng RI6 hiện được thương lái mua xô tại vườn chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg chỉ trong chưa đến 10 ngày qua.
Ông Nguyễn Văn Quân, một thương lái mua sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, xác nhận giống RI6 mua xô tại vườn hiện có giá chỉ còn 75.000-80.000 đồng/kg, giảm 60.000-65.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất được xác lập trong năm 2024; giống Monthong giảm 100.000 đồng/kg, xuống mức giá chỉ còn quanh mức 110.000 đồng/kg như hiện tại khi mua xô tại vườn.
Theo ông, giá sầu riêng khu vực ĐBSCL sụt giảm mạnh do từ đầu tháng 4-2024 Thái Lan bước vào vụ thu hoạch, cạnh tranh với Việt Nam. “Bốn tháng qua, sầu riêng Việt Nam liên tục “đu đỉnh” chỉ có một lý do duy nhất là chúng ta “một mình một chợ”, tức Thái Lan không có hàng để bán sang Trung Quốc”, ông cho biết.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện Thái Lan bắt đầu vào vụ thu hoạch, có hàng xuất bán sang Trung Quốc, cho nên giá sầu riêng Việt Nam giảm mới có thể cạnh tranh được do chất lượng kém hơn. “Cao quá bán đâu có được”, ông nói, và cho biết vụ mùa của Thái Lan bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 9, trong đó nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 8.
Ngoài chịu sự cạnh tranh của sầu riêng Thái Lan, theo ông Phan Văn Cho, thời gian qua, khi thị trường hút hàng, giá bán cao, một số doanh nghiệp/vựa thu mua đã ký hợp đồng số lượng lớn với đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, sầu riêng không đủ giao nên tình trạng "ép" cắt trái non dẫn đến chất lượng không đạt yêu cầu, người tiêu dùng đánh giá thấp.
“Hụt hàng, "ép" cắt luôn sầu riêng yếu tuổi, không đạt chất lượng nên bị trả, rồi quay lại ép giá nông dân khúc sau này”, ông Cho nói, và thông tin sầu riêng đạt tiêu chuẩn chín phải ít nhất từ 7,5 tuổi trở lên (7,5 trên 10 tuổi), tức cơm sầu riêng đã vàng, lên độ đường mới cắt bán được.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định có tình trạng "ép" cắt sầu riêng non bán cho phía Trung Quốc lúc giá tăng cao, trong khi nguồn cung thiếu hụt. Điều này đã dẫn đến hệ luỵ là sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh kém, thất thế khi sầu riêng Thái Lan tham gia thị trường, nhất là về giá bán.
Một thương lái chuyên làm ăn với phía Trung Quốc cho biết, khi Thái Lan có hàng, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ ưu tiên ăn sầu riêng Thái và quay lại Việt Nam khi nguồn cung của Thái thiếu hụt.
Còn theo ông Nguyên, thị trường Trung Quốc có nhiều phân khúc khác nhau, tuy nhiên, sản phẩm của Thái Lan ngon hơn của Việt Nam, thậm chí đã có thương hiệu, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đánh giá thấp hàng của Việt Nam khi có mặt hàng của Thái Lan. “Ví dụ, sầu riêng Thái bán 10 đồng thì sầu riêng của mình chỉ bán được 7 đồng”, ông nói.
"Siết" chất lượng như Thái hay thả nổi?
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận sầu riêng Thái đẳng cấp hơn so với Việt Nam. “Chất lượng sản phẩm của họ ngon, nhất là tình trạng thu hoạch non ít khi xảy ra. Trong khi đó, Việt Nam hay bị tình trạng sầu riêng non, dù rẻ nhưng chất lượng không ổn định, làm “mất giá” trong mắt của người Trung Quốc”, ông cho biết.
Theo ông Nguyên, khi người tiêu dùng Trung Quốc mua sầu riêng của Thái Lan thì họ yên tâm về mặt chất lượng, trong khi mua của Việt Nam phải nói "cũng hơi phập phồng, hên xui", tức chất lượng của sầu riêng Việt Nam không ổn định.
Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, về nguyên tắc được quản lý vùng trồng đối với các loại dịch hại và được đóng gói ở các cơ sở có mã số chứng nhận, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm đang là một vấn đề rất lớn. “Chất lượng sầu riêng của chúng ta hiện nay không có ai kiểm tra, kiểm soát hay chế tài, mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vườn, thương lái”, ông Nguyên đánh giá.
Trong khi đó, đối với Thái Lan, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được quản lý rất kỹ. “Nếu làm sầu riêng non, ngoài việc bị tiêu huỷ lô hàng, doanh nghiệp còn bị phạt, trong khi ở Việt Nam chỉ kiểm tra về sâu bệnh dịch hại theo nghị định thư, còn về chất lượng ngon dở, già non không một ai kiểm tra”, ông Nguyên cho biết.
Thậm chí, Thái Lan quy định cả thời gian thu hoạch đối với từng vùng, tức không được thu hoạch sớm hơn để tránh tình trạng cắt trái non. "Nếu quy định từ ngày 1-5 mới được thu hoạch, thì ai cắt sớm hơn sẽ bị xử lý", ông Nguyên nói.
Muốn kiểm soát được chất lượng sản phẩm, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát hoặc xử lý, thì theo vị Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Thái Lan đã xây dựng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm rất rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là sầu riêng non, thế nào là đạt tiêu chuẩn thu hoạch…, và việc này thường xuyên được kiểm tra, giám sát.
Trước khi lô hàng xuất khẩu, ban quản lý địa phương phải tới để kiểm tra, nếu đúng tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu, còn không sẽ bị xử phạt. “Trước đây cũng không có chuyện này, nhưng từ khi Việt Nam tham gia thị trường sầu riêng ở Trung Quốc, Thái Lan lo sợ, cho nên, họ củng cố chất lượng, ban hanh quy chuẩn về sầu riêng nhằm định vị thương hiệu sản phẩm của họ”, ông Nguyên nói và cho biết ở Việt Nam không có quy định này.
Trao đổi với KTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lo lắng ngành sầu riêng Việt Nam sẽ thất thế nếu chất lượng cứ bị thả nổi như hiện nay. “Người ta xây dựng hình ảnh, định vị chất lượng sản phẩm tốt, thì dĩ nhiên khả năng cạnh tranh tốt hơn so với thiếu ổn định về chất lượng như chúng ta hiện nay”, vị này nhận xét.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Việt Nam cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thậm chí cho từng giống, nhất là những giống có khối lượng xuất khẩu lớn. “Ngoài ra, cần có những tổ chức phụ trách kiểm tra và xử lý, chứ chỉ kiểm dịch thực vật thôi là không được”, ông nói, và cho rằng việc chất lượng bị thả nổi sẽ ảnh hưởng cả đến những đơn vị làm ăn uy tín vì sẽ không tránh khỏi tình trạng... “một con sâu làm sầu nồi canh”.
Cần dành một lời cảm ơn và tuyên dương mạnh mẽ cho nông dân Việt. Họ quá giỏi. Chỉ hơn một năm đã đẩy người Thái xuống thứ hai thị phần sầu riêng. Vấn đề quan trọng là làm sao giữ được phong độ lâu dài, vừa giữ được uy tín của sản phẩm Việt, vừa tăng thu nhập bền vững cho nông dân. Đây là thời điểm các bộ ngành, địa phương cần vào cuộc để cùng nhau bảo vệ “Thương hiệu Việt”.
Cần tự tin và biết lựa chọn định hướng phát triển lâu bền. Sầu riêng Việt, với vị ngon đặc trưng của miền nhiệt đới, là món quà đặc sắc của thiên nhiên, không nên để đánh mất. Có vậy mới giữ được sự khác biệt về gene chất lượng. Nếu chỉ đơn thuần chạy theo số lượng, biến đổi gene, hoặc pha tạp giống mới… thì sẽ không còn là sản phẩm “quốc hồn/ quốc túy” nữa ? Tôi đã từng dùng hàng Thái (bòng bong/ dưa hấu/ mít…), mặc dù có vẻ đẹp, bắt mắt, nhưng không có cảm giác gì ngon, vì đã biến dạng về giống. Các loại này thua xa về chất và vị, so với trái cây gốc Việt.