Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quảng cáo: Nhà nước kiểm soát hay để xã hội trợ lực giám sát?

Trương Trọng Hiểu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những biến chuyển quá nhanh và đa dạng của các hoạt động kinh doanh đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi các quy định có phần lạc hậu sau hơn 10 năm thực hiện của Luật Quảng cáo 2012. Tuy nhiên, bao nhiêu điều khoản được bổ sung không quan trọng bằng việc thay đổi tư duy pháp lý khi làm luật.

Nhiều khoảng trống chưa lấp đầy

Nếu so sánh nội dung dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật Quảng cáo 2012(1), có thể nhận thấy nhiều nội dung bổ sung còn mang tính kỹ thuật. Đơn cử, dự luật bổ sung quy định chi tiết về hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo (điều 9), quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (điều 15a), điều kiện quảng cáo (điều 20)...

Một số nội dung về các hình thức quảng cáo trên báo in; báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội... cũng được thể hiện (điều 23). Đáng chú ý nhất là về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới (điều 23a).

Tuy nhiên, các nội dung này cũng chỉ đề cập đến các vấn đề mang tính kỹ thuật. Chẳng hạn, điều 23 tiếp tục nhắc lại nội dung quy định hiện hành về trách nhiệm của đơn vị vận hành báo điện tử, trang tin hay mạng xã hội trong việc “không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin” và phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt quảng cáo, thời gian chờ tắt quảng cáo tối đa là 3 giây (thay vì 1,5 giây như hiện nay) đối với những quảng cáo không ở vùng cố định. Dù có đề cập đến các bên có liên quan, như đơn vị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, điều luật chỉ nhắc rằng họ cần phải tuân thủ yêu cầu trên của pháp luật Việt Nam. Còn với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới trong điều 23a được bổ sung sau đó thì nội dung quy định chủ yếu nhắc đến việc tố giác hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam để Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý. Yêu cầu và những ràng buộc cho phương thức quảng cáo đặc thù này không được thể hiện trong suốt các nội dung quy định của dự luật.

Vấn đề quan trọng trong xây dựng luật không phải chỉ chú trọng đến các quy định để nhà nước có thể kiểm tra và xử lý vi phạm. Ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu dự luật đặt ra những tiêu chí chuẩn mực cho hoạt động quảng cáo mà nếu như vi phạm các chuẩn mực đó bên thực hiện hoạt động quảng cáo có thể bị khởi kiện bởi bất cứ bên nào có liên quan.

Đặc biệt, quảng cáo gắn với các hoạt động thương mại điện tử không hề xuất hiện trong các nội dung sửa đổi. Rõ ràng, các quy định hiện hành về quảng cáo trên báo điện tử, trang tin và mạng xã hội hiện nay không đủ sức tầm soát được các biểu hiện đa dạng của quảng cáo trong hoạt động kinh doanh số được tranh luận nhiều trong thời gian qua. Như vừa đề cập, các nội dung bổ sung mang tính kỹ thuật về quy trình quản lý đã không phản ánh gì các đặc trưng và các vấn đề pháp lý cần phải tầm soát đối với các hoạt động quảng cáo đang nở rộ và diễn ra sôi động này.

Thậm chí, dù Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực thi hành nhiều năm qua đã loại bỏ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện quảng cáo so sánh (chỉ cấm quảng cáo so sánh nhưng không chứng minh được nội dung) thì quy định về hành vi quảng cáo bị cấm tại điều 8 của Luật Quảng cáo 2012 (khoản 10) vẫn giữ nguyên nội dung này.

Nhà nước kiểm soát hay để xã hội tham gia cùng?

Có thể thấy nội dung quy định của dự luật đã có sự phản hồi ít nhiều trước những phản ứng của xã hội về các biến thể xấu trong hoạt động quảng cáo thời gian qua. Tiêu biểu là nội dung quy định tại điều luật bổ sung số 19a về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; gồm mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị y tế, dịch vụ y tế, thuốc, sữa... Tuy nhiên, ngoài quy định về nội dung quảng cáo thì, tương tự như các quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, sử dụng băng rôn hay ngay cả hoạt động quảng cáo trên trang tin điện tử, mạng xã hội..., các yêu cầu đặt ra cũng nhằm bảo đảm cho quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế thiết lập cơ sở pháp lý để xã hội tự ứng xử chưa được phản ánh rõ trong cách tiếp cận của dự thảo luật.

Không phủ nhận rằng, Nhà nước có vai trò lớn trong quản lý và duy trì trật tự xã hội, gồm cả động thái... trấn áp hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cho dù nguồn lực lớn đến đâu thì bản thân Nhà nước cũng khó có thể gánh nổi trọng trách này, hay ít ra là khó có thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng, nếu không có sự tham gia giám sát của xã hội.

Tại nhiều quốc gia, thay vì nhà nước tự làm và tự gánh vác việc xử lý, quá trình giám sát, phát hiện và thậm chí xử lý hành vi trái pháp luật được chia sẻ với xã hội. Giả dụ, đối với hoạt động quảng cáo bất minh và bất chính, nếu phát hiện, các bên có liên quan thay vì báo cơ quan có thẩm quyền xử lý thì họ có thể tự kiện ra tòa và đương nhiên sẽ được hưởng lợi nếu thắng kiện. Cơ chế theo đuổi vụ kiện dân sự như vậy sẽ giảm thiểu gánh nặng cho Nhà nước rất nhiều.

Cho nên, vấn đề quan trọng trong xây dựng luật không phải chỉ chú trọng đến các quy định để Nhà nước có thể kiểm tra và xử lý. Ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu dự luật đặt ra những tiêu chí chuẩn mực cho hoạt động quảng cáo mà nếu như vi phạm các chuẩn mực đó bên thực hiện hoạt động quảng cáo có thể bị khởi kiện bởi bất cứ bên nào có liên quan, và đương nhiên phải đối diện với các án phạt sau đó nếu không chứng minh được mình không sai trái.

Ví dụ, theo hướng tư duy này, nếu trở lại vấn đề về quảng cáo trên không gian mạng trước sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh số như hiện nay, theo khuyến cáo của OECD, pháp luật quảng cáo cần thiết lập tiêu chuẩn để doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động quảng cáo phải thiện chí, quan tâm đúng mực đến lợi ích của người tiêu dùng, không cố tình gây nhầm lẫn, không che đậy thông tin, không ẩn các điều kiện ràng buộc khi bán hàng, không áp đặt điều khoản mua hàng không công bằng. Thông tin về giá cả và các điều khoản hợp đồng sau đó phải rõ ràng, không cố tình làm sai lệch hoặc gây hiểu nhầm hoặc ẩn chứa các khoản chi phí phát sinh nếu như người tiêu dùng quyết định mua hàng.

Đặc biệt, OECD cho rằng, thông tin quảng cáo chuẩn mực phải xác thực, không gây nhiễu và phải đủ để người tiêu dùng có khả năng để nhận biết. Hành vi quảng cáo nhằm thu thập dữ liệu cá nhân người dùng cũng có thể bị ngăn cấm.

Quan trọng là thông tin quảng cáo phải giúp người tiếp nhận quảng cáo nhận dạng được doanh nghiệp, có thể kết nối và trao đổi với doanh nghiệp một cách thuận tiện và hơn hết là khi cần thiết, người dân có thể khởi kiện các doanh nghiệp đưa ra các thông tin vi phạm hay yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng(2).

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) Tham khảo tại website của Chính phủ, link https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-quang-cao-6329
(2) Xem thêm: OECD, Recommendation of the Council on Consumer Protection in E-commerce, 2016.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới