Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn kinh tế vĩ mô và sốt vàng

Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng sốt vàng ở Việt Nam xảy ra hoặc do bất ổn vĩ mô, hoặc do giá vàng thế giới tăng cao, hoặc cả hai. Nhìn lại các chu kỳ bất ổn vĩ mô ở Việt Nam và các đợt sốt vàng sẽ thấy rất rõ điều này.

Sốt vàng xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là do giá vàng thế giới đột ngột tăng cao. Ảnh: LÊ VŨ

Các chu kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam

Bất ổn kinh tế vĩ mô tồn tại khi các mối quan hệ kinh tế quan trọng mất cân bằng. Ví dụ, giữa cầu và sản lượng trong nước, cán cân thanh toán, thu chi tài chính, tiết kiệm và đầu tư. Các yếu tố phổ biến có thể chỉ ra bất ổn kinh tế vĩ mô bao gồm: (1) Tỷ lệ lạm phát hai con số, (2) Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn; (3) Nợ công cao và ngày càng tăng; (4) GDP đình trệ hoặc suy giảm. Các sự kiện thiên nga đen như chiến tranh, cú sốc chính trị, khủng hoảng tài chính và nền kinh tế yếu kém thường xuyên xảy ra suy thoái lớn cũng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhìn ngược lại giai đoạn 1955-2023, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bất ổn và khó khăn kinh tế vĩ mô.

Những khó khăn gần đây. Điều này đã xảy ra kể từ đại dịch Covid-19 năm 2020. Sau một thời gian ngắn hồi phục vào nửa đầu năm 2022, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn kể từ quí 3-2022 do những thách thức từ bên trong và bên ngoài. Lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, khó khăn của Trung Quốc và chiến tranh là những cú sốc từ bên ngoài. Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do độ mở của nền kinh tế lớn. Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khủng hoảng, sự cố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tham nhũng lộ diện,… là những vấn đề nội tại.

Xét theo bốn yếu tố chỉ dấu bất ổn kinh tế vĩ mô nói trên, chỉ có tăng trưởng GDP là không tốt trong điều kiện của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023 chỉ là 4,5%, thấp thứ hai trong mức tăng trưởng GDP bình quân bốn năm kể từ năm 1981. Tuy nhiên, so với bình diện quốc tế thì tăng trưởng GDP trong thời gian qua của Việt Nam ở mức rất cao. Thêm vào đó, nợ công so với GDP giảm, lạm phát và tài khoản vãng lai đều ở trạng thái tốt.

Cơn sốt vàng mini từ cuối năm 2023 nguyên nhân chính là do giá vàng thế giới tăng cao và khó khăn kinh tế vĩ mô dẫn đến lợi nhuận thấp từ các khoản đầu tư khác. Giá vàng thế giới tăng 47,5% trong giai đoạn 2018-2022, tuy nhiên trong giai đoạn này kinh tế vĩ mô tốt và các kênh đầu tư khác khá tốt. Vấn đề xảy ra từ nửa cuối năm 2023 với giá vàng thế giới tăng khoảng 25% trong sáu tháng qua.

Bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn 2008-2012. Việt Nam rơi vào bất ổn vĩ mô nghiêm trọng trong giai đoạn này do hàng loạt cú sốc. Sự hồ hởi khi gia nhập WTO cuối năm 2006 nhanh chóng qua đi khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra từ cuối năm 2007 và kéo dài đến năm 2010. Trong nước, bong bóng chứng khoán và bất động sản đều vỡ, nhiều ngân hàng thương mại gặp khó do sở hữu chéo và đầu tư vào tài sản đầu cơ. Lạm phát ở mức hai con số trong năm 2008 và 2011; lạm phát trung bình giai đoạn 2008-2012 là 13,2%; thâm hụt tài khoản vãng lai giai đoạn 2007-2009 ở mức cao.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn ở mức hợp lý. Giai đoạn này thể hiện rất rõ những bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam và nhiều bài học đã được rút ra. Trong đó, quan trọng nhất liên quan đến chủ đề này là việc hạn chế tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng của các ngân hàng thương mại.

Khó khăn giai đoạn 1997-2000. Trong giai đoạn này, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đột ngột chững lại do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Sau đó các ngân hàng tư nhân gặp khó khăn. GDP mặc dù chậm lại vào năm 1998 và 1999 nhưng đã phục hồi lên khoảng 7% trong giai đoạn 2000-2007. Lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai không đáng quan ngại trong thời gian này.

Bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn 1975-1992. Đây là thời kỳ dài nhất và khắc nghiệt nhất của nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát hầu hết các năm đều ở mức hai con số, thậm chí là ba con số trong giai đoạn 1986-1988. Việt Nam thiếu thốn mọi thứ và tốc độ tăng trưởng GDP thấp. Đối với quan hệ đối ngoại, Việt Nam bị Mỹ và đồng minh cấm vận, lại đang trong tình trạng chiến tranh với Trung Quốc. Đây là giai đoạn khó khăn mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác đã tan rã, nhưng đã không có những đổ vỡ nghiêm trọng ở Việt Nam nhờ những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Bất ổn kinh tế vĩ mô ở miền Nam từ 1966-1975. Cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam đều ở trong tình trạng chiến tranh từ năm 1955-1975. Tuy nhiên, chỉ có miền Nam gặp bất ổn kinh tế vĩ mô do lạm phát cao. Sở dĩ miền Bắc không gặp các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế thị trường là do việc áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch và kinh tế thời chiến tranh. Tuy nhiên, những trục trặc nghiêm trọng khác đã xảy ra và đến năm 1986, Việt Nam đã… “đổi mới” để xây dựng nền kinh tế thị trường. Giờ đây, việc phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ để thúc đẩy phát triển và tìm kiếm sự công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là ưu tiên quan trọng của Việt Nam.

Sốt vàng

Kể từ năm 1955, Việt Nam đã trải qua những bất ổn kinh tế vĩ mô và có sáu đợt sốt vàng như được thể hiện trong hình 1.

Sốt vàng lần đầu tiên vào năm 1966 ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh và lạm phát cao. Trong thời gian này, bất ổn vĩ mô là nguyên nhân chính. Giá vàng thế giới chỉ tăng 3,3% trong giai đoạn 1955-1970. Khi sốt vàng xảy ra, vàng có chức năng đo lường của tiền tệ dần xuất hiện.

Sốt vàng lần thứ hai từ nửa đầu thập niên 1970 khi chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc. Trong thời gian này, giá vàng thế giới tăng cao (4,47 lần trong giai đoạn 1970-1975). Thời chiến là lý do chính gây ra tâm lý muốn tích trữ vàng. Đỉnh điểm là vào tháng 4-1975. Ba chức năng của tiền tệ của vàng (đo lường giá trị, phương tiện trao đổi và cất giữ giá trị) dần phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam.

Đối chiếu những đợt sốt vàng với bối cảnh kinh tế vĩ mô và giá vàng thế giới chỉ ra rằng việc người dân đổ xô mua vàng trong những thời điểm đã xảy ra là để phòng ngừa rủi ro hoặc tâm lý có thể kiếm lợi cao trước mắt. Sự bất ổn của nền kinh tế dẫn đến vấn đề thứ nhất, trong khi giá vàng thế giới tăng cao dẫn đến vấn đề thứ hai. Do vậy, các chính sách vĩ mô cần dựa trên những quy luật và thực tế những gì xảy ra.

Sốt vàng lần thứ ba từ năm 1975 đến trước “đổi mới” năm 1986. Đợt này kéo dài gần như cả thập niên, nhưng đỉnh điểm có lẽ là vào cuối những năm cuối 1970 đến đầu những năm 1980 khi giá vàng thế giới tăng cao cùng với sự bất ổn vĩ mô và làn sóng vượt biên. Từ năm 1976-1980, giá vàng thế giới tăng 4,93 lần. Các chức năng tiền tệ của vàng được thể hiện rất rõ trong giai đoạn này.

Sốt vàng lần thứ tư trong giai đoạn 1986-1991. Giá vàng trong nước tăng hơn 18 lần; chỉ số giá tăng gần 42 lần trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 8%. Bất ổn vĩ mô là lý do chính gây ra sốt vàng. Trong thời kỳ siêu lạm phát và các hoạt động kinh tế cá nhân chưa được thừa nhận, ba chức năng tiền tệ của vàng đều rất phổ biến.

Sốt vàng lần thứ năm trong giai đoạn 2008-2012 và đỉnh điểm là vào cuối năm 2011. Bất ổn vĩ mô và giá vàng thế giới tăng vọt khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Giá vàng thế giới bắt đầu tăng từ năm 2000 và tăng cao hơn từ năm 2004. Tăng gần 6 lần giai đoạn 2000-2012 và 4,1 lần giai đoạn 2004-2012. Trong giai đoạn này, chức năng phương tiện trao đổi và đo lường giá trị của vàng gần như không còn trong khi chức năng cất giữ giá trị là rất rõ nét.

Sốt vàng mini từ cuối năm 2023. Nguyên nhân chính là do giá vàng thế giới tăng cao và khó khăn kinh tế vĩ mô dẫn đến lợi nhuận thấp từ các khoản đầu tư khác (đặc biệt là bất động sản và chứng khoán). Giá vàng thế giới tăng 47,5% trong giai đoạn 2018-2022, tuy nhiên trong giai đoạn này kinh tế vĩ mô tốt và các kênh đầu tư khác khá tốt. Vấn đề xảy ra từ nửa cuối năm 2023 với giá vàng thế giới tăng khoảng 25% trong sáu tháng qua. Hiện nay, vàng đơn thuần là phương tiện cất giữ giá trị, trong khi chức năng đo lường giá trị và phương tiện trao đổi coi như không còn nữa.

Điều cần lưu ý là khó khăn kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay khá tương đồng với những gì xảy ra trong giai đoạn 1997-2000. Tuy nhiên, giai đoạn trước tình trạng sốt vàng không xảy ra là do giá vàng thế giới liên tục đi xuống. Trái lại, sốt vàng xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là do giá vàng thế giới đột ngột tăng cao.

Tóm lại, đối chiếu những đợt sốt vàng với bối cảnh kinh tế vĩ mô và giá vàng thế giới chỉ ra rằng việc người dân đổ xô mua vàng trong những thời điểm đã xảy ra là để phòng ngừa rủi ro hoặc tâm lý có thể kiếm lợi cao trước mắt. Sự bất ổn của nền kinh tế dẫn đến vấn đề thứ nhất, trong khi giá vàng thế giới tăng cao dẫn đến vấn đề thứ hai. Do vậy, các chính sách vĩ mô cần dựa trên những quy luật và thực tế những gì xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới