Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong việc thâu tóm đối tác ngoại

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cả thập niên qua, khối ngoại luôn là bên chủ động dẫn dắt thị trường M&A ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện một vài "dòng chảy ngược" từ các doanh nghiệp Việt khi chủ động thực hiện góp vốn để chi phối hoặc thâu tóm nhà máy, công ty ngoại nhằm mở rộng thị phần trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp Việt ngược dòng "thâu tóm"

Trong bối cảnh thị trường trong nước và xuất khẩu còn nhiều khó khăn thì Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây (BIFOCO) lại đang có đơn hàng dồi dào mà khả năng dây chuyền sản xuất của nhà máy ở TPHCM không thể đủ cung ứng. Cụ thể, từ giữa quí 1 vừa qua, công ty này đã nhận đơn hàng sản xuất cho cả năm 2024, thậm chí còn không đủ cung ứng.

BIFOCO đã mua lại nhà máy thực phẩm của doanh nghiệp Đài Loan. Công nhân làm việc tại nhà máy BIFOCO. Ảnh: H. Lê

Theo bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT BIFOCO cho biết, công ty dự kiến xuất khẩu đến 1.000 container sản phẩm trong năm nay và lượng đơn hàng tăng cao sẽ đưa doanh thu dự báo tăng 300-400% so với năm ngoái. Để đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhà máy mới ở Đồng Nai, doanh nghiệp gần đây cũng đã mua lại nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan tại TPHCM. Tuy nhiên, bà không tiết lộ cụ thể giao dịch này.

Trong khi đó, với ngành dệt may tại ĐHCĐ thường niên gần đây, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) đã thông tin về việc mua lại nhà máy dệt SY Vina, công ty có liên quan thuộc sở hữu của cổ đông E-Land Asia Holdings Pte. Ltd.

Chia sẻ về thương vụ thâu tóm hàng trăm tỉ đồng này, lãnh đạo TCM cho biết, công ty đang cần giấy phép nhuộm, trong khi SY Vina là nhà máy nhuộm đang hoạt động ở Đồng Nai. Do đó, việc mua lại SY Vina sẽ giúp công ty có giấy phép nhuộm, có cơ hội mở rộng phân khúc sản phẩm sang mặt hàng vải dệt thoi để phát triển thêm đơn hàng sản phẩm may giá trị cao. Sản phẩm từ nhà máy SY Vina được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Giới quan sát nhìn nhận, đây là bước đi khá khôn ngoan của TMC bởi dệt nhuộm là khoảng trống thiếu hụt rất lớn của ngành dệt may trong nước hiện nay. Trong khi đó nhiều địa phương lại quay lưng với các dự án có khâu này vì lo ảnh hưởng xấu môi trường nên việc doanh nghiệp đầu tư mới có thể gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian hơn.

Sản xuất tại Dệt may Thành Công. Ảnh minh họa: Website công ty

Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) gần đây hoàn tất giao dịch mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E). Cả hai là doanh nghiệp có vốn nước ngoài và từng tham gia vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng.

Sinh Nam Metal có nhà máy 10.000 m2 với năng suất 300 m2 cửa sổ và cửa đi, 100-150 m2 mặt dựng nhôm kính, 200-300 m2 panel mỗi ngày. Ngoài các dự án căn hộ chung cư và khách sạn, Sinh Nam Metal từng thi công vách kính trong nhà, cửa đi và kính hệ spider cho sân bay Nội Bài.

Còn UG M&E Việt Nam có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực nhà thầu cơ điện như thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điện, hệ thống PCCC, hệ thống cấp thoát nước...

Câu chuyện các doanh nghiệp, chủ các thương hiệu Việt và nhà đầu tư nội tham gia góp vốn, mua lại công ty, nhà máy, dịch vụ... của nước ngoài không dừng lại ở các doanh nghiệp nói trên. Tuy nhiên, do các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) thường được giữ bí mật kinh doanh hoặc các công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng không buộc phải công bố.

Cơ hội vươn vươn xa ra thế giới

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, dòng tiền bị thắt chặt, tình trạng khát thanh khoản của nhiều doanh nghiệp hiện nay được nhận định sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A trong nhiều lĩnh vực.

Giới phân tích đánh giá, đây là cơ hội để các công ty, quỹ đầu tư có tiềm lực tài chính thực hiện mua các dự án hấp dẫn với định giá tài sản hợp lý hơn. Điều này có thể nhìn thấy nối tiếp năm 2023, vốn ngoại tiếp tục dẫn dắt trên thị trường M&A ở Việt Nam trong những tháng đầu năm nay.

Theo nhận định các chuyên gia M&A, dù các nhà đầu tư nội địa trong năm nay đã chuyển sang thế phòng thủ, đánh giá lại chiến lược của mình, nhưng nếu nhìn thấy cơ hội thì họ cũng không bỏ lỡ thời cơ.

Thực tế này cũng đã diễn ra như nói trên và "sóng ngầm" M&A dự báo được tiếp diễn. Nhìn lại thời gian trước đó, KPMG Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư trong nước vẫn thể hiện chiếm ưu thế về giao dịch M&A ở Việt Nam.

Diễn đàn M&A Vietnam công bố giá trị các thương vụ trên 100 triệu đô la Mỹ, giai đoạn 6-2019 đến 10-2020, rằng các doanh nghiệp Việt là người mua tích cực trong List 50 gồm Masan, Vinamilk, Gelex, Thaco, REE…, với 37,52% tổng giá trị.

Không chỉ giao dịch M&A ở thị trường trong nước, trong xu hướng mở rộng thị trường ra nước ngoài. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đã chọn con đường đầu tư vào các nước phát triển, thâu tóm doanh nghiệp ngoại để đi nhanh và xa hơn.

Tạo dấu ấn về giao dịch M&A ở thị trường quốc tế phải kể đến doanh nghiệp công nghệ, phát triển phần mềm.

Trong đó Tập đoàn FPT trong năm 2023 đã thực hiện 4 thương vụ. Gần nhất là cuối năm 2023, FPT mua 80% cổ phần của AOSIS – công ty tư vấn công nghệ (Pháp).

Thương vụ này bổ sung cho FPT mạng lưới kinh doanh và hàng trăm chuyên gia công nghệ tại Pháp và châu Âu. Với sự gia nhập của AOSIS, FPT sẽ mở rộng tập khách hàng và cơ hội kinh doanh, nâng cao năng lực với những thế mạnh của AOSIS mà FPT đang mong muốn phát triển. AOSIS được xem là cánh tay nối dài giúp FPT tăng cường, thúc đẩy năng lực cung cấp giải pháp và đồng hành trong hành trình chuyển đổi số cho các khách hàng tại châu Âu và trên toàn cầu.

Một sự kiện triển lãm công nghệ và tuyển dụng nhân sự của FPT. Ảnh: TL

Trước khi nắm quyền kiểm soát tại AOSIS, FPT cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI của Mỹ (tháng 10-2023) và mua Cardinal Peak, công ty dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại thị trường Bắc Mỹ (tháng 12-2023).

Sau nhiều năm toàn cầu hóa, FPT đã đạt doanh số xuất khẩu phần mềm 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Đáng chú ý, dịch vụ CNTT của FPT đã có sự dịch chuyển sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ. Hãng đặt kế hoạch năm 2030 đạt mục tiêu 5 tỉ đô la.

Một thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngoại ở nước ngoài gây chú ý nữa là việc Tập đoàn Masan mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của nhà chế tạo Đức H.C. Starck (Đức) vào năm 2020.

Bước đi chiến lược này đưa Masan Resources từ nhà khai khoáng xuất thô thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Thương vụ đã đưa doanh nghiệp Việt đứng trong hàng ngũ nhà chế tạo vonfram, cung cấp nguyên liệu nguồn cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, ô tô, năng lượng, hàng không...

Nhưng nhộn nhịp nhất phải kể đến lĩnh vực chế biến sữa, dinh dưỡng khi chứng kiến các doanh nghiệp Việt tự đầu tư hoặc mua lại dự án ở nước ngoài. Đơn cử như Công ty cố phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư và M&A ở nước ngoài sau khi hái "quả ngọt" ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc…

Cụ thể như thương vụ mua lại Driftwood (Mỹ) hơn 10 năm trước và Vinamilk nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 100% vào năm 2016, đã ghi nhận lợi nhuận trên 2 triệu đô la vào năm ngoái. Đáng chú ý, thương vụ này đã giúp Vinamilk xuất khẩu nhiều hơn sữa thành phẩm vào Mỹ và cung cấp thông tin về ngành sữa thế giới để phục vụ nguồn cung nguyên vật liệu từ Mỹ về Việt Nam.

Ảnh minh họa Nutifood

Cũng với chiến lược vươn ra thế giới tìm cơ hội, Tập đoàn Nutifood gây chú ý cho giới đầu tư vào năm 2022 khi hoàn tất thủ tục đầu tư 51% vào công ty thực phẩm bổ sung Cawells (Thụy Điển), nắm quyền chi phối của doanh nghiệp bắc Âu này.

Với thương vụ mới này, Cawells trở thành một trong 3 nhân tố trong hệ sinh thái của Nutifood Sweden. Đó là Nhà máy Nutifood Sweden, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển và Cawells.

Việc nắm quyền chi phối Cawells, Nutifood đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc mang thương hiệu Việt đi chinh phục thế giới và ngược lại đưa công nghệ thế giới để phục vụ sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Ghi nhận trong khoảng 10 năm trở lại, các thương vụ M&A giúp doanh nghiệp Việt có những bước tiến rất nhanh, quy mô doanh nghiệp tăng cao và doanh nghiệp làm chủ những công nghệ tiên tiến. Việc thâu tóm doanh nghiệp ngoại còn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu một cách rõ rệt. Thương hiệu được nhận biết tốt hơn; giúp doanh nghiệp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm để cạnh tranh quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới