(KTSG Online) – Trong hai tuần qua, giới đầu tư rút hàng chục tỉ đô la Mỹ khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp hạng rác ở Mỹ. Họ nhanh chóng chốt lời khi cổ phiếu đạt mức định giá quá cao giữa lúc các rủi ro đang tăng lên, từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cho đến triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn ở Mỹ.
- Đỉnh cao mới của chứng khoán Mỹ dựa vào sức mạnh cổ phiếu công nghệ
- Cơn sốt AI khơi dậy nỗi ám ảnh bong bóng dot-com
Tăng tốc rút tiền khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán
Đà tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay có vẻ sắp đứt khi nhà đầu tư đồng loạt chốt lời. Với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi những thông điệp “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ) và xung đột ở Trung Đông dâng cao, nhà đầu tư đang rút tiền khỏi cổ phiếu và trái phiếu cấp thấp với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm.
Ngân hàng Bank of America trích dẫn dữ liệu từ EPFR Global cho biết nhà đầu tư đã rút khoảng 21,1 tỉ đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ trong hai tuần tính đến đến hôm 16-4. Đó là số tiền họ rút lớn nhất trong khoảng thời gian 2 tuần kể từ tháng 12-2022. Theo dữ liệu từ LSEG Lipper, nhà đầu tư cũng rút 3,75 tỉ đô la từ các quỹ đầu tư trái phiếu hạng rác trong tuần kết thúc vào ngày 17-4, đánh dấu tốc độ rút mạnh nhất trong 14 tháng. Theo dữ liệu môi giới của ngân hàng Goldman Sachs, các quỹ phòng hộ đã tăng cường các vị thế bán khống ở các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) ở Mỹ với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022.
Nhà đầu tư không còn hào hứng bắt đáy ở các nhịp nhúng xuống của thị trường. Chỉ số S&P 500 giảm liên tục trong các ngày giao dịch trong tuần. Thước đo theo dõi giá của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn hay gọi là “Bộ bảy diệu kỳ” (Magnificent Seven), gồm Aphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, giảm gần 8% trong tuần qua.
Ngay cổ phiếu của hãng chip Nvidia cũng bị bán tháo, với mức giảm 10% hôm 19-4, tổn thất 212 tỉ đô la vốn hóa thị trường trong ngày giao dịch tồi tệ nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 3-2020.
Chứng khoán Mỹ đảo chiều trước những căng thẳng địa chính trị và bất ổn vĩ mô đang gia tăng. Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đã thay thế rủi ro suy thoái kinh tế để trở thành mối lo ngại lớn nhất của các ngân hàng trung ương. Với việc giá cả hàng hóa tăng vọt và dữ liệu kinh tế nóng dai dẳng, các quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Fed, Jerome Powell liên tục đưa ra thông điệp cảnh báo động thái xoay trục chính sách tiền tệ có thể bị trì hoãn lâu hơn dự kiến.
Các nhà giao dịch trong tuần này đã cảm nhận được nỗ lực có chủ ý của các quan chức Fed nhằm hạn chế họ đặt cược vào triển vọng nới lỏng tiền tệ. Hôm 16-4, ông Powell cảnh báo “sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để Fed có được niềm tin cần thiết cho việc giảm lãi suất. Một ngày sau, ông Michelle Bowman, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, nhận định tiến trình lạm phát giảm tốc có thể bị đình trệ. Hôm 18-3, khi được hỏi liệu có phù hợp nếu Fed giữ nguyên lãi suất đến hết năm nay, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực Minneapolis, Neel Kashkari đã trả lời “có khả năng”.
Lo ngại rủi ro lạm phát tăng
“Trong một thế giới đang đối mặt hàng loạt rủi ro từ địa chính trị cho đến giá cả hàng hóa và lạm phát tăng cao, tôi nghĩ chúng ta phải thận trọng hơn trong việc phân bổ vốn. Vào thời điểm nay, tôi sẽ bán cổ phiếu để đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn ngắn, thực sự có lợi suất cao”, Kathryn Rooney Vera, giám đốc chiến lược thị trường của StoneX Group, nói.
Trong tuần này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 4,6%, cao hơn khoảng 40 điểm cơ bản so với lợi suất thu nhập của chỉ số S&P 500. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chứng kiến lợi suất nhanh chóng tăng lên hơn 5% vào hôm 16-4.
Lãi suất trung bình của các khoản thế chấp 30 năm ở Mỹ đã tăng vượt mức 7% lần đầu tiên trong năm nay.
Đồng đô la Mỹ cũng cao hơn rõ rệt, gây áp lực lên các nước nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và phát hành nợ bằng đồng đô la. Giá dầu, do căng thẳng địa chính trị, đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm.
Andrew Brenner, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định quốc tế của National Alliance Securities, bình luận: “Rõ ràng, tình hình thị trường rất ảm đạm”.
Với chuỗi giảm giá 6 phiên liên tục, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 ghi nhận mạch giảm giá tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Mức giảm của chỉ số này trong tháng 4 đã tăng lên mức hơn 5%.
Kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đã sụp đổ trong hai tuần qua khi các nhà giao dịch dự báo Fed chỉ giảm lãi suất 2 đợt trong nửa cuối năm nay. Con số này đã giảm so với 6 đợt cắt giảm mà họ kỳ vọng vào đầu năm 2024.
Căng thẳng ở Trung Đông đã củng cố lập trường thận trọng của nhà đầu tư. Israel được cho là đã tấn công đáp trả Iran vào hôm 19-4 sau khi Tehran phóng 300 tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào lãnh thổ Israel hôm 14-4. Dù căng thẳng mới nhất dường như được kiềm chế, vẫn còn lo ngại về một cuộc chiến tranh rộng hơn ở một khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Israel-Hamas có thể đẩy giá dầu lên trên 100 đô la Mỹ/thùng.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 16% kể từ khi Hamas tấn công Israel vào tháng 10 năm ngoái, tăng 17% kể từ mức đỉnh của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào năm 2023 và khoảng 20% kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất hai năm trước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang lo lắng trước các mức định giá cao của cổ phiếu, đặc biệt là chỉ số Nasdaq 100 của chứng khoán Mỹ, nơi nhóm “Bộ bảy diệu kỳ” có mức giảm giá cổ phiếu hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11-2022.
Trong cuộc khảo sát gần đây do ngân hàng Bank of America thực hiện, các nhà quản lý quỹ trên toàn thế giới cho biết rủi ro lớn nhất là lạm phát gia tăng có thể khiến lãi suất tăng cao, gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ.
Phản ánh những lo lắng đó, chỉ số Russell 2000 của chứng khoán Mỹ, theo dõi các công ty nhỏ hơn có xu hướng nhạy cảm hơn với triển vọng của nền kinh tế trong nước, đã giảm xuống mức lỗ khoảng 5% trong năm nay.
“Tôi nghĩ áp lực bán cổ phiếu gần đây chỉ là khởi đầu cho một làn sóng bán lớn hơn”, Peter Tchir, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của Academy Securities, nhận định.
Theo Bloomberg, NY Times