Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc vượt kỳ vọng nhưng vẫn bất ổn

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mặc dù vừa đạt kết quả tích cực trong quí 1-2024 với mức tăng trưởng vượt dự kiến, kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, cản trở đà phục hồi trong thời gian tới.

Kinh tế Trung Quốc vừa có bước khởi đầu khá thuận lợi khi đạt mức tăng trưởng GDP 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quí 1-2024. Kết quả này vượt xa mức kỳ vọng mà các định chế tài chính và thị trường đưa ra.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất là động lực chính cho tăng trưởng, với công nghiệp đạt mức tăng 6,1%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất trong tháng 3 cũng đã quay trở lại ngưỡng trên 50 sau năm tháng giảm liên tục và đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua; xuất khẩu hàng hóa tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 0,8% trong quí 4-2023.

Tuy nhiên, dù đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn được đánh giá là còn mong manh và sẽ phải đối mặt với không ít cơn gió ngược trong thời gian tới.

Thách thức từ sự phục hồi không đồng đều

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tăng trưởng và chuyển đổi không đồng đều của nền kinh tế là tình trạng dư thừa công suất, với Chỉ số Giá sản xuất (PPI) trong tháng 3 giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời duy trì ở mức âm trong tháng thứ 17 liên tiếp.

Sự mất cân bằng cung cầu đang hiện hữu với tỷ lệ sử dụng năng lực công nghiệp của Trung Quốc trong quí 1-2024 chỉ đạt 73,6% - giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn gần 7 điểm phần trăm, so với mức tỷ lệ sử dụng cao.

Về phía cầu, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện vẫn còn kém xa mức cần thiết để đạt được cân bằng cung cầu là từ 2-3%. Trong tháng 3, chỉ số CPI chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã tăng 0,7% trong tháng 2, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn yếu.

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc vẫn tăng 4,7% trong quí 1, chủ yếu được hỗ trợ bởi dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm từ mức 5,5% của hai tháng đầu năm, xuống 3,1% trong tháng 3, thể hiện niềm tin yếu của người tiêu dùng đối với triển vọng kinh tế.

Bên cạnh đó, triển vọng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục ảm đạm và là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế nước này. Đầu tư bất động sản đã giảm 9,5% trong quí 1 - lớn hơn mức giảm 9% trong hai tháng đầu năm. Diện tích sàn được bán trong quí này cũng giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng bất động sản mới xây dựng giảm tới 27,8%. Bất động sản từng chiếm 10,9% GDP, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5,85% vào năm ngoái.

Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế bị hạn chế

Một thách thức lớn khác mà Trung Quốc đang phải đối mặt là sự hạn chế trong khả năng hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được kỳ vọng sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ, sự không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và biên lợi nhuận ròng giảm tại các tổ chức cho vay thương mại vẫn đang hạn chế các nỗ lực này của PBoC.

Khu vực ngân hàng Trung Quốc cho đến nay vẫn phải gánh chịu rủi ro nợ xấu từ các doanh nghiệp bất động sản. S&P Global Ratings dự đoán tỷ lệ tài sản kém hiệu quả của các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ tăng từ mức ước tính 5,55% vào năm 2023 lên 5,75% vào năm 2026.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã kiềm chế thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ, có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia của S&P Global Ratings cũng lưu ý rằng, những gói kích thích tài khóa đã triển khai đang giảm dần hiệu quả.

Báo cáo của S&P Global cũng lưu ý, khối nợ lớn khiến các chính quyền nhiều địa phương khó bơm kích thích tài khóa, bất kể thành phố đó được coi là khu vực có thu nhập cao hay thấp. Tỷ lệ nợ công trên GDP có thể dao động từ khoảng 20% đối với các thành phố có thu nhập cao như Thâm Quyến, đến 140% đối với các thành phố nghèo hơn như Ba Trung (ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên).

Những rủi ro từ căng thẳng thương mại

Căng thẳng thương mại với Mỹ và các nước phương Tây cũng sẽ là một cơn gió ngược khác có thể cản bước tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Cả Mỹ và châu Âu đều đã bày tỏ lo ngại về sản xuất dư thừa từ Trung Quốc. Trong các cuộc họp cấp cao hồi đầu tháng này với giới chức Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng việc hàng xuất khẩu Trung Quốc tràn ngập thị trường sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đe dọa các ngành công nghiệp cũng như việc làm tại Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây.

Sức ép của phương Tây không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo mà đã bước đầu được cụ thể hóa bằng những hành động. Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã khởi xướng những cuộc điều tra nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực như xe điện, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời - vốn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden mới đây đã kêu gọi tăng gấp ba lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, với lý do “cạnh tranh không công bằng”.

Theo Bloomberg, cho đến nay, Trung Quốc vẫn tương đối kiềm chế trước các động thái gây sức ép của Mỹ, bởi nước này có rất ít động lực để leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, tính chất “diều hâu” trong các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên. Cần lưu ý rằng, đối thủ của ông Biden - cựu Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Nguồn: SCMP, New York Times, Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới