Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiến thoái lưỡng nan khi đô la Mỹ mạnh lên

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) -  Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “đổi ý”, đô la Mỹ mạnh lên, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) ở châu Á tiến thoái lưỡng nan...

Thế lưỡng nan...

Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng trở lại lên 3,5% vào tháng 3-2024, Chủ tịch Fed Jerome Powell “đổi ý”. Ngày 16-4-2024, ông nhận định với truyền thông rằng cuộc chiến với lạm phát của Mỹ sẽ “cần nhiều thời gian hơn dự kiến”. Thị trường ngay lập tức điều chỉnh kỳ vọng: các giao dịch trên thị trường giao sau về lãi suất cho thấy khả năng giảm lãi suất trong tháng 6 chỉ còn 15% thay vì trên 50% như hồi tháng trước, và cơ hội giảm lãi suất vào tháng 7 cũng chỉ còn khoảng 36%. Xác suất giảm lãi suất trong tháng 5 đã giảm về gần 0. Tờ Economist của Mỹ thậm chí còn nhấn mạnh rằng đã có nhiều dự đoán là Mỹ sẽ không giảm lãi suất trong năm nay.

Sau khi Chủ tịch Fed “đổi ý”, thị trường không chỉ giảm các lệnh đặt cược vào việc cắt lãi suất của Mỹ, mà còn tăng đặt cược vào việc mất giá của đồng tiền các nước khác. Ví dụ, số lệnh mua đặt cược vào việc euro sẽ giảm xuống ngang giá với đô la Mỹ, chỉ còn 1 euro đổi 1 đô la Mỹ, đã tăng lên đáng kể. Điều này là vì các quan chức NHTƯ châu Âu bày tỏ rằng họ vẫn sẽ cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết thị trường nên kỳ vọng rằng “lãi suất sẽ sớm giảm”. Góc nhìn này tương tự với góc nhìn của Thống đốc NHTƯ Pháp và Đức, François Villeroy de Galhau và Joachim Nagel, rằng xác suất giảm lãi suất trong tháng 6 ở khu vực châu Âu tăng lên.

Nhìn chung, những người châu Âu tự tin rằng lạm phát của họ “ổn” và do đó giảm lãi suất vào tháng 6 sẽ không gây nguy hại gì cho công cuộc chống lạm phát, khác với những lo ngại của người Mỹ. Điều này tương đồng với lời kêu gọi của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhấn mạnh rằng các NHTƯ ở châu Á nên tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết sách phụ thuộc quá mức vào Fed.

Một mặt, các NHTƯ này không muốn đồng tiền của mình giảm giá nhanh so với đô la Mỹ như thời gian qua. Họ muốn một sự ổn định, hay chí ít là mất giá một cách ổn định, có trật tự. Nhưng đổi lại, họ cũng sợ rằng nếu họ can thiệp giữ ổn định tỷ giá, mà các NHTƯ khác không làm vậy, thì đồng tiền nước họ lại lên giá tương đối so với các đối thủ xuất khẩu.

Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cho rằng “kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách lãi suất của Fed đã dao động trong những tháng gần đây, do các yếu tố không liên quan đến nhu cầu ổn định giá cả ở châu Á. Chúng tôi khuyến nghị các NHTƯ châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết định chính sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Fed”. Ông Srinivasan lưu ý, nếu các NHTƯ theo Fed quá chặt chẽ, họ có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả ở nước họ.

Các NHTƯ ở châu Á nói riêng và thị trường mới nổi nói chung đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ muốn tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, điều mà một số nước ở Mỹ Latinh và Trung Quốc đã làm. Mặt khác, việc đô la Mỹ ngày một mạnh lên đã khiến nhiều nước bối rối không biết có nên cắt giảm lãi suất tiếp hay không.

Lấy ví dụ, Thống đốc NHTƯ Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong phát biểu trong một cuộc hội thảo của IMF hôm 17-4 rằng cơ hội cắt giảm lãi suất của Fed ngày càng mờ nhạt đã gây ra những trở ngại cho đồng won và làm phức tạp thêm quyết định của BoK về thời điểm bắt đầu giảm chi phí đi vay. Đồng won Hàn Quốc đã giảm mạnh nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 2008, mất giá 7% trong năm nay. Nhưng mức giảm này vẫn còn tốt hơn so với yen Nhật, đồng tiền đã liên tục giảm xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ trong vòng 34 năm.

Bài toán của các nước này bây giờ là: liệu có nên trì hoãn cắt giảm lãi suất, thậm chí tăng lãi suất trở lại để chặn đứng các lệnh đặt cược đồng tiền nước mình tiếp tục giảm giá của giới đầu cơ hay không. Nếu không phát tín hiệu giảm chênh lệch lãi suất, lệnh đặt cược đồng tiền mất giá sẽ càng nhiều, cộng thêm hoạt động kinh doanh chênh lệch tỷ giá mạnh lên, sẽ tạo ra nhiều áp lực đẩy đồng nội tệ các nước này mất giá. Đây là tình huống có thể nhìn thấy với nhân dân tệ Trung Quốc, yen Nhật và won Hàn Quốc nhưng cũng tồn tại với những đồng tiền ít được chú ý hơn, bao gồm cả tiền đồng của Việt Nam.

Đánh đổi rủi ro bất ổn tỷ giá và suy giảm tăng trưởng

Tờ Financial Times đăng bài “Các NHTƯ châu Á chật vật kiềm chế đồng đô la Mỹ mạnh” ngày 20-4, cho biết các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đề cập đến sự ổn định của đồng tiền của họ trong những ngày gần đây khi chúng suy yếu trước áp lực mạnh về khoảng cách lãi suất với đô la Mỹ. NHTƯ các nước này bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về sự mất giá mạnh gần đây của yen Nhật và won Hàn Quốc, và NHTƯ Trung Quốc cảnh báo về việc đặt cược nhân dân tệ “một chiều”.

Tuy nhiên, bài báo này cũng nhận định là thị trường cũng không lo sợ nhiều về những cảnh báo này vì họ cho rằng khả năng can thiệp của các NHTƯ là khá hạn chế. Các nhà kinh doanh tiền tệ ở Tokyo cho rằng tuyên bố chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù có vẻ mang tính lịch sử, nhưng lại là một lựa chọn tương đối “rẻ” cho cả ba nước - được thiết kế để cảnh báo thị trường, đủ để xoa dịu mọi chuyện nhưng không thực sự can thiệp.

Các nhà kinh doanh tiền tệ cho biết các vị thế bán đồng yen vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 2007, cho thấy các nhà đầu cơ vẫn chưa sợ hãi trước những cảnh báo chính thức. Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của HSBC, cho biết nó giống như các NHTƯ thừa nhận “chúng tôi lắng nghe bạn nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều”.

Cảm giác bất lực đó của các NHTƯ đến từ tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách. Một mặt, các NHTƯ này không muốn đồng tiền của mình giảm giá nhanh so với đô la Mỹ như thời gian qua. Họ muốn một sự ổn định, hay chí ít là mất giá một cách ổn định, có trật tự. Nhưng đổi lại, họ cũng sợ rằng nếu họ can thiệp giữ ổn định tỷ giá, mà các NHTƯ khác không làm vậy, thì đồng tiền nước họ lại lên giá tương đối so với các đối thủ xuất khẩu.

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối có hạn cũng là một lý do khiến các NHTƯ không thể can thiệp nhiều. Muốn duy trì tỷ giá ổn định so với đô la Mỹ trước sức ép của thị trường, NHTƯ sẽ phải bán ra đô la Mỹ và như vậy thì cần dự trữ ngoại hối dồi dào để “chống lại thị trường”. Dự trữ ngoại hối của một số nước đã sụt giảm trong những năm gần đây, ví dụ Trung Quốc giảm 1.000 tỉ đô la Mỹ xuống còn 3.000 tỉ đô la Mỹ, khiến nhiều NHTƯ phải cân nhắc hơn trong lựa chọn can thiệp của mình.

Tăng lãi suất cũng là một lựa chọn khác để khống chế tình hình, nhưng nó sẽ khó thực hiện với những nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế đang sụt giảm và có những rủi ro với thị trường tài sản khi lãi suất tăng lên.

Các lựa chọn chính sách vẫn còn, nhưng các nước sẽ nhìn nhau mà làm, và tùy tình hình diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế cũng như năng lực của quốc gia mình đến đâu. Tuy nhiên, chính điều đó có thể tạo ra hai rủi ro mới. Một, đồng tiền các thị trường mới nổi có thể biến động nhanh hơn nữa so với đô la Mỹ, tạo bất ổn trên thị trường tiền tệ. Hai, nếu NHTƯ các nước chọn thắt chặt lãi suất để hạn chế sự bất ổn đó, thì lại tạo ra một vòng quay thắt chặt tiền tệ mới ở những nền kinh tế đang chật vật đối mặt với tăng trưởng chậm hơn. Điều kiện tài chính thắt chặt cũng đặt ra rủi ro với việc các khoản vay của những nước này phải tái tài trợ ở lãi suất cao hơn, và tạo ra rủi ro nhất định với các tài sản trong nền kinh tế - một số là tài sản thế chấp ở ngân hàng.

Thế đánh đổi giữa giữ ổn định tỷ giá với duy trì tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung đang hình thành ở các nền kinh tế châu Á, và các NHTƯ sẽ phải đau đầu trong thời gian ngắn sắp tới để cân bằng hai yêu cầu này. Cách để phá thế khó này có thể phải đi song song, một mặt tìm cách giữ mặt bằng lãi suất cao hơn, một mặt dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có ngân sách dồi dào để hỗ trợ nền kinh tế. Đó là chưa kể những tình huống khó xử như Việt Nam là có tiền ngân sách mà không tiêu được, chi tiêu công trì trệ.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới