Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ kết quả kinh doanh của các ‘ông lớn’ ngân hàng…

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhìn chung, có nhiều gam màu sáng tối đan xen trong kết quả kinh doanh (KQKD) quí 1-2024 của các ngân hàng đã công bố. Hiện thị trường đang chờ đón báo cáo KQKD từ các “ông lớn” khác của ngành ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VP...

Techcombank đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quí 1-2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỉ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: T.L

Tính đến đầu tuần này (22-4) đã có gần 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hoặc kết quả kinh doanh sơ bộ quí 1-2024.

Dựa trên những số liệu về tăng trưởng tín dụng quí 1, có thể dự đoán thu nhập từ lãi của nhiều ngân hàng không cao như kỳ vọng ban đầu. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25-3-2024, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Trước đó, tăng trưởng tín dụng ghi nhận con số âm 0,72% trong hai tháng đầu năm. Như vậy, tình hình tín dụng nhìn chung tăng trưởng khá chậm trong quí đầu năm.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là một trong những ngân hàng công bố lợi nhuận sớm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quí 1 của MB đạt 5.800 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này là do tăng trưởng tín dụng thấp, ở mức chỉ 0,4% kể từ đầu năm đến nay; biên lãi thuần (NIM) tiếp tục co hẹp về mức 4,1% so với mức 4,3% trong quí 4-2023 và 5,7% trong quí 1-2023 và nợ xấu tăng mạnh (tăng 56% so với cuối năm 2023) với chi phí dự phòng ở mức cao (tăng 46% so với cùng kỳ).

Tỷ lệ nợ xấu của MB cũng bất ngờ tăng mạnh lên mức 2,5% so với mức 1,6% vào thời điểm cuối năm 2023 trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm về mức 80% (so với mức 117% cuối năm 2023). Về thu nhập, mặc dù thu lãi thuần giảm 11% so với cùng kỳ nhưng các khoản thu ngoài lãi tăng mạnh 73,5% nhờ thu nhập từ chứng khoán đầu tư, kinh doanh và thu dịch vụ. Phản ứng trước báo cáo KQKD quí 1 kém tích cực nêu trên, cổ phiếu MBB đã có phiên sụt giảm nhẹ đầu tuần bất chấp hầu hết các mã trong ngành ngân hàng đều tăng giá trong phiên này.

Dựa trên những số liệu về tăng trưởng tín dụng quí 1, có thể dự đoán thu nhập từ lãi của nhiều ngân hàng không cao như kỳ vọng ban đầu.

Một ngân hàng TMCP lớn khác là ACB cũng cho thấy KQKD quí 1-2024 sụt giảm nhẹ. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 4-4 vừa qua, Tổng giám đốc ACB cho biết lợi nhuận quí 1 của ACB dự kiến đạt 4.900 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Trong quí 1-2023, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỉ đồng từ đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Nếu loại trừ khoản thu bất thường này ra thì lợi nhuận cốt lõi của ACB trong quí đầu năm nay vẫn tăng 3%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB vẫn tương đối tốt, qua đó giúp ngân hàng có lợi thế về chi phí vốn. Huy động vốn của ACB tăng 2,1% nhưng CASA tăng tới 6,4%, đưa tỷ trọng của CASA tăng thêm 1% (lên mức 23%).

Với VIB, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 2-4, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này cho biết, trong quí 1-2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng so với kế hoạch 12.000 tỉ đồng đưa ra trong năm nay thì vẫn hoàn toàn khả thi. Theo VIB, do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu tăng từ mức 2,2% lên 2,4% nhưng ngân hàng sẽ cố gắng đưa nợ xấu về dưới mức 2% vào thời điểm cuối năm.

Với việc thị trường bất động sản đang ấm dần lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, VIB kỳ vọng có thu nhập bất thường khoảng 1.000-1.500 tỉ đồng từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro. Việc duy trì chi phí vốn rẻ đang là lợi thế của VIB. Năm 2023, CASA của ngân hàng này tăng hơn 20%, đồng thời các nguồn huy động giá rẻ khác cũng tăng mạnh, giúp VIB giảm giá cho vay xuống mức khá hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng báo cáo doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình là LPBank. Theo báo cáo tài chính mới được LPBank công bố, lợi nhuận trước thuế trong quí 1-2024 của ngân hàng này đạt 2.886 tỉ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 27,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận LPBank bứt tốc nhờ lãi thuần từ mảng dịch vụ cao đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần tăng mạnh đi cùng việc kiểm soát chi phí hoạt động hợp lý cũng là những yếu tố giúp lợi nhuận của LPBank tăng trưởng tích cực. Trên sàn chứng khoán, LPB là một trong những cổ phiếu hiếm hoi tránh được đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong hơn một tuần qua.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quí 1-2024 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.506 tỉ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quí 1-2024 của SeABank đạt 2.706 tỉ đồng, tăng 19,5%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỉ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi của SeABank cũng ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỉ đồng.

Và mới nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quí 1-2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỉ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 8.500 tỉ đồng trong quí đầu năm nay, tăng 30,2%, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực và chi phí vốn được cải thiện. NIM đạt mức 4,4%, so với mức 4,2% của quí 4-2023.

Trong quí đầu năm nay, nhờ chất lượng tài sản được kiểm soát tốt hơn nên chi phí dự phòng của Techcombank cũng giảm khoảng 25,9%, xuống còn 1.211 tỉ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu tăng lên mức 106%, từ mức 102% cuối năm 2023. Đáng chú ý, CASA của Techcombank tăng 2% so với cuối năm 2023, lên mức 40,5% - cao nhất hệ thống.

Nhìn chung, có nhiều gam màu sáng tối đan xen trong KQKD quí 1-2024 của những ngân hàng đã công bố. Hiện thị trường đang chờ đón báo cáo KQKD từ các “ông lớn” khác của ngành ngân hàng như VCB, BID, CTG, VPB... Về triển vọng trong các quí tới, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu vốn trong nền kinh tế “ấm dần”. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế theo số liệu ba tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, giúp ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% cho cả năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới