Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Masan Consumer muốn vào ‘top’ công ty hàng tiêu dùng Đông Nam Á

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại kỳ đại hội cổ đông 2024, lãnh đạo tập đoàn Masan nhấn mạnh vào câu chuyện tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng, trong đó nói nhiều đến kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm và xuất khẩu, với mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu công ty hàng tiêu dùng của khu vực Đông Nam Á.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group (ở giữa) trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội năm 2024. Ảnh: DNCC.

Sẽ tạo dựng 6 thương hiệu trị giá tỉ đô

Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer trở thành tâm điểm trong kỳ đại hội năm 2024 tổ chức đồng thời giữa Tập đoàn Masan (MSN) và hai công ty thành viên là Masan Consumer (MCH) và Masan MEATLife (MML) trong sáng ngày 25-4.

Mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang nói MCH là "viên kim cương gia bảo". Lãnh đạo Masan nói MCH không chỉ “phụng sự người tiêu dùng” VIệt Nam, mà còn là đại sứ ẩm thực được Masan mang ra thế giới, từ thị trường 100 triệu dân đến 8 tỉ người tiêu dùng với các nhãn hiệu mạnh.

Trước khi đại hội diễn ra, đã có những thông tin về việc MSN có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với MCH. Tuy nhiên, tại đại hội, kế hoạch này không được nhắc đến nhiều, ngoài việc nói rằng sẽ cân nhắc, xem xét tình hình thực tế để đưa MCH đang niêm yết trên sàn UPCoM lên sàn HOSE.

Ngược lại, các kế hoạch xoay quanh đến MCH được trình bày khá nhiều tại đại hội.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan, nói rằng trong năm nay sẽ tập trung mục tiêu xây dựng MCH trở thành "công ty hàng tiêu dùng có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á", bên cạnh việc giúp WinCommerce (hệ thống bán lẻ) và chuỗi Phúc Long có lãi tốt hơn.

Trước câu hỏi của cổ đông về khả năng M&A, CEO của Masan Group nói rằng trước mắt tập đoàn chưa có kế hoạch mua thêm công ty nào khác. “Mục tiêu hiện tại lớn nhất là Go Global để đưa các thương hiệu ra toàn cầu”, ông Danny Le nói.

Bên cạnh kế hoạch là khoảng 10-20% doanh thu của MCH đến từ thị trường toàn cầu, ngay cả Phúc Long cũng sẽ đi ra ngoài, hiện ở Mỹ đã có 2 cửa hàng.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc MCH, nói rằng tập đoàn đang thử nghiệm nhiều mô hình ở từng thị trường để tìm kiếm hướng đi, sau đó mới nhân rộng và sẽ cập nhật kết quả sau.

Lãnh đạo MCH ước tính quy mô thị trường FMCG mà MCH đang cung cấp (bao gồm ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống đóng chai, chăm sóc gia đình và cá nhân) chỉ mới có giá trị khoảng 15 tỉ đô la (trong đó tập đoàn chiếm khoảng 8% thị phần), nhưng thị trường FMCG nói chung của Việt Nam lên tới 32 tỉ đô la, nghĩa là còn dư địa lớn để phát triển thêm sản phẩm.

Về kế hoạch tương lai, ông Thắng nói trong vòng 10 năm tới sẽ xây dựng mô hình kinh doanh FMCG mới, trong đó có 3 mục tiêu cụ thể là tạo dựng 6 thương hiệu giá trị tỉ đô, xuất khẩu sản phẩm thế giới và đưa MCH vào tốp đầu về doanh thu và lợi nhuận ở khu vực Đông Nam Á.

Mở rộng ngành hàng

Nhà sản xuất hàng tiêu dùng này hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu đô la Mỹ gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.

Masan cho biết kế hoạch mới là tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (HMR) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR).

Trong năm ngoái, Masan giới thiệu sản phẩm "Lẩu tự sôi Omachi", thì năm nay là Cơm tự chín cá hồi áp chảo sốt Teryaki, một sản phẩm mà tập đoàn này tự tin là sản phẩm chiến lược cho RMR ở trên. Lãnh đạo ngành hàng mì Omachi nói rằng các sản phẩm này nhận được tiêu thụ tốt từ khi ra mắt. Với sản phẩm mới, nhãn Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị tường mục tiêu từ 1 tỉ đô la của ngành hàng mì ăn lên 17 tỉ đô la Mỹcủa ngành hàng RMR, theo ước tính của công ty.

Còn thương hiệu Chinsu không chỉ mở rộng tiêu thụ tại Việt Nam, mà còn sẽ phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu. Masan cho biết năm 2023, ngành hàng gia vị xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc tăng lần lượt khoảng 150% và 125% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Masan hiện hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu, bán lẻ, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông và sản xuất vật liệu công nghiệp có giá trị gia tăng.

Năm 2024, Masan dự kiến ​​doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7-15% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu.

Còn lợi nhuận sau thuế thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số dự kiến ​​sẽ nằm trong khoảng 2.290-4.020 tỉ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỉ đồng trong năm 2023.

Về mảng bán lẻ, nền tảng bán lẻ TCX dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 63.000 đến 68.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng từ 9-18% so với năm 2023. Trong đó, WinCommerce (WCM) dự kiến tăng trưởng doanh thu thuần từ 8-13%, đạt khoảng 32.500-34.000 tỉ đồng.

Còn Công ty hàng tiêu dùng MCH dư kiến doanh thu thuần đạt 32.500-36.000 tỉ đồng, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới