(KTSG Online) - Xuất khẩu có tín hiệu phục hồi trong quí 1, nhưng áp lực từ biến động địa chính trị, tỷ giá và chi phí logistics tăng cao, đã dẫn đến bài toán khó cho các doanh nghiệp.
VASEP: Tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc gặp khó vì thuế quan
‘Con dốc’ 44 tỉ đô xuất khẩu đầy thách thức của ngành dệt may
Xuất khẩu phục hồi nhưng vẫn khó khăn
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với phiên thứ 2 về chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu", do báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 25-4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), xuất khẩu trong quí 1 có tín hiệu đáng mừng.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tăng đến 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng đến 25%, còn khu vực nước ngoài (FDI) tăng khoảng 13%.
Tính riêng dệt may, trong quí 1-2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỉ đô la, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Còn thủy sản đạt gần 2 tỉ đô la, tăng 7%.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng như các thị trường Trung Quốc (tăng cao nhất đến 34%) hay EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản…đều tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng mức tăng này cao là do so với nền thấp của năm 2023, trên thực tế hoạt động xuất khẩu nhìn chung vẫn còn đang đối diện nhiều khó khăn.
Tương tự, chia sẻ tại sự kiện, nhiều đại diện các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp đều cho rằng hoạt động xuất khẩu còn gặp khó.
Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, xuất khẩu dệt may vào đầu năm 2024 tốt hơn so với năm 2023, nhưng chưa thật sự lấy lại "đỉnh" các năm trước đó.
Bài toán khó giải hiện nay là các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng nhiều hơn, nhưng chi phí cũng tăng theo đáng kể, trong khi giá bán khó tăng. Điển hình như chi phí logistic tăng, doanh nghiệp phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết chi phí trong ngành thủy sản cũng tăng đáng kể, bao gồm giá nguyên vật liệu, giá dầu và cả tỷ giá biến động.
Với ngành thủy sản, thị trường EU trong quí 1-2024 bị ảnh hưởng lớn do các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, điểm tích cực là ba thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16% mỗi thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm G.C (sản xuất chế biến sản phẩm từ rau quả, nhiều nhất là nha đam, thạch dừa) nêu một yếu tố khó khăn là chi phí đầu vào của doanh nghiệp đang tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Trong đó, đồng đô la mạnh lên cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn, khiến các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN cũng gặp khó khăn vì đồng nội tệ giảm giá đáng kể so với đô la Mỹ, chứ không chỉ riêng tiền đồng.
Theo đó, khách hàng tại các thị trường này cũng muốn giảm giá để bù đắp trượt giá, công ty phải giảm giá để giữ thị trường. Mặt khác, giá đô la tăng cao nhưng khi bán đô la lại cho ngân hàng thương mại thì lại mức giá không cao như thị trường bên ngoài nên vẫn không bù đắp được chi phí.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khó khăn là chi phí Logistics tăng cao gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết theo giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đầu năm 2024 tăng cao so với cuối năm 2023. Đến tháng 3-2024, giá cước vận chuyển có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước 20%.
Với tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, không chỉ cước tàu tăng mà các phụ phí cũng tăng mạnh, đi kèm với thời gian vận chuyển kéo dài hơn khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm
Có thể thấy trong các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hiện nay, đa phần đều đến từ các biến số vĩ mô thế giới, từ câu chuyện địa chính trị cho đến giá hàng hóa đầu vào tăng cao, đồng đô la Mỹ tăng cũng gây áp lực cho rất nhiều thị trường khác chứ không chỉ Việt Nam. Bài toán khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không phải là lần đầu tiên, dù áp lực tỷ giá hiện nay là rất lớn (tỷ giá tăng 4,8% so với hồi đầu năm).
Từ phía nhà điều hành chính sách tiền tệ, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói đang đứng trước bài toán chính sách tiền tệ rất thách thức. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá một cách hợp lý, theo hướng ổn định chứ không cố định.
Đại diện NHNN cũng cho rằng hiện chính sách tiền tệ cùng các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và các bộ ngành cũng đang triển khai tích cực để thúc đẩy nhu cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng.
Liên quan đến gói tín dụng ưu đãi cho ngành thủy sản, gỗ, đại diện NHNN cho biết gói vay ưu đãi 15.000 tỉ đồng đã giải ngân sớm nên nâng lên thành gói 30.000 tỉ đồng, hiện đã giải ngân 18.000 tỉ đồng. Gói vay với lãi suất thấp hơn 1-2%/năm so với mức vay thương mại thông thường không có thời hạn, nếu hết có thể tăng thêm.
Từ phía các tổ chức tín dụng, ông Cao Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Phê duyệt tín dụng tại TPHCM của Agribank, cho biết ngân hàng đang có chương trình cho vay VND hỗ trợ các đối tượng tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất cho vay chỉ từ 2,6-3,0%/năm.
Đại diện ngân hàng cũng cho biết trong bối cảnh xuất khẩu có tín hiệu tích cực, ngân hàng triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô tín dụng 20.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn mức lãi suất sàn thông thường 2,4%/năm, đi cùng các ưu đãi dịch vụ khác có liên quan.
Theo ông Hòe, doanh nghiệp trong thời gian này nên tìm kiếm sự lạc quan trong bài toán cân bằng để tìm kiếm mở rộng thị trường, đơn hàng dài hạn hơn. “Doanh nghiệp sản xuất chờ điểm cân bằng mới. Hi vọng lạc quan nắm bắt cơ hội trong tương lai hơn là bi quan về việc cắt giảm sản xuất”, ông Hòe chia sẻ.