Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận của Samsung tăng gần 10 lần khi mảng chip hưởng lợi từ cơn sốt AI

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics trong quí kết thúc vào tháng 3 tăng gần 10 lần so với 1 năm trước đó khi mảng chip nhớ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu chi tiêu cho các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) từ các tập đoàn công nghệ như Microsoft và Alphabet.

Nhà máy chip của Samsung ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Economic Daily

Lợi nhuận tăng 932% nhờ nhu cầu chip cải thiện

Báo cáo tài chính quí 1 của Samsung công bố hôm 30-4, cho thấy, lợi nhuận hoạt động của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đạt 6,61 nghìn tỉ won (4,79 tỉ đô la Mỹ), tăng 932,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn so với mức dự báo 5,91 nghìn tỉ won,

Kết quả này chủ yếu là nhờ nhu cầu cải thiện đối với các sản phẩm chip nhớ, cung cấp năng lượng cho thiết bị điện tử hiện đại và trí tuệ nhân tạo đang phục hồi sau thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.

“Nhìn vào lợi nhuận của từng mảng kinh doanh riêng lẻ của Samsung, chúng tôi có thể thấy rõ ràng là mảng bán dẫn, đặc biệt là chip nhớ, hoạt động rất tốt”, Sanjeev Rana, nhà phân tích của CLSA Securities Korea, bình luận.

Samsung, cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới, đang nỗ lực đảo ngược tình trạng lợi nhuận giảm kéo dài một năm qua do bất ổn kinh tế toàn cầu. Năm 2023, lợi nhuận hoạt động của công ty giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm sau khi mảng bán dẫn báo lỗ 14,9 nghìn tỉ won.

Nhưng có nhiều dấu hiệu chỉ ra sự phục hồi dần dần của thị trường bán dẫn, một phần nhờ nhu cầu chip sử dụng phát triển AI sau sự ra mắt ChatGPT của OpenAI. Sau khi chìm trong thua lỗ 4 quí liên tiếp, mảng bán dẫn của Samsung đạt lợi nhuận hoạt động cao hơn dự kiến là 1,91 nghìn tỉ won trong quí vừa qua. Dữ liệu thương mại của Hàn Quốc công bố trong tháng này cũng cho thấy, các lô hàng bán dẫn giúp tăng trưởng xuất khẩu của đất nước trong 20 ngày đầu tháng 4 tăng 43% so với một năm trước đó.

Trong báo cáo thu nhập, Samsung kỳ vọng nhu cầu chip sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quí hiện tại và nửa cuối năm nay. Hãng cho biết ngành bán dẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, phần lớn là nhờ nhu cầu từ lĩnh vực AI tạo sinh. Tuần trước, Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google, báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 cao hơn mức ước tính của các nhà phân tích, một phần là nhờ nhu cầu tăng manh đối với các dịch vụ AI.

“Thu nhập gần đây từ các công ty công nghệ cung cấp nền tảng đám mây lớn của Mỹ cho thấy, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng AI sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt cả năm 2024. Vì vậy, các nhà cung cấp chip nhớ của Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi lớn”, Sanjeev Rana bình luận.

Cổ phiếu của Samsung chứng kiến đợt tăng giá mạnh mẽ hồi tháng 3 sau khi Jensen Huang, CEO của hãng thiết kế chip Nvidia (Mỹ), ký tên ủng hộ lên trên một sản phẩm chip nhớ băng thông cao (HBM) thế hệ tiếp theo của Samsung tại một sự kiện triển lãm ở bang California. Hành động này khiến giới đầu tư kỳ vọng Nvidia sẽ ký một thỏa thuận mua chip HBM của Samsung vào cuối năm nay để tối ưu hóa các sản phẩm chip AI của Nvidia. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp Samsung thiết lập được chỗ đứng quan trọng trong cuộc chiến với đối thủ trong nước SK Hynix, công ty đang thống trị phiên bản mới nhất của chip HBM.

Mảng kinh doanh thiết bị viễn thông và smartphone của Samsung,  lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho hoạt động kinh doanh tổng thể của hãng, đạt  lợi nhuận hoạt động là 3,5 nghìn tỉ won trên doanh thu 33,5 nghìn tỉ won trong quí 1. Kết quả này được sự hỗ trợ từ doanh số bán hàng mạnh mẽ của dòng smartphone Galaxy S24. Dù vậy, Samsung dự đoán nhu cầu chung về smartphone sẽ suy yếu do tính thời vụ.

Chữ ký của Jensen Huang, CEO của hãng thiết kế chip Nvidia (Mỹ), trên một sản phẩm chip nhớ băng thông cao (HBM) thế hệ tiếp theo của Samsung. Ảnh: Chosun

Tập trung sản xuất chip nhớ băng thông cao

Samsung đang chạy đua bắt kịp SK Hynix trên thị trường chip HBM đang tăng trưởng nhanh chóng. Tuần trước, SK Hynix báo cáo tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất kể từ năm 2010 và cho biết nhu cầu tổng thể đối với chip nhớ của hãng trên đà tăng trưởng ổn định nhờ tăng hai con số trên thị trường chip DRAM và chip NAND.

Samsung tiết lộ hãng đã bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm chip HBM 8 lớp mới nhất có tên gọi HBM3E, và có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip HBM 12 lớp trong quí 2. Samsung dự báo, nguồn cung chip HBM của hãng sẽ tăng ít nhất ba lần vào năm 2024 so với năm ngoái.

“Chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ vẫn tích cực, bất chấp một số biến động liên quan đến xu hướng kinh tế vĩ mô, các vấn đề địa chính trị... Khi nguồn cung chip HBM cải thiện trong nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của máy chủ AI sẽ nhanh hơn và nhờ đó, các dịch vụ đám mây liên quan cũng dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa”, Kim Jaejune, Phó Chủ tịch điều hành mảng kinh doanh chip nhớ của Samsung, nói.

Tại hội nghị cổ đông thường niên của Samsung hồi tháng 3, Kyung Kye-hyun, người đứng đầu bộ phận bán dẫn của Samsung, dự báo trong năm nay, hoạt động kinh doanh của bộ phận này sẽ phục hồi về mức năm 2022. Samsung đạt lợi nhuận hoạt động trung bình hơn 10 nghìn tỉ won mỗi quí trong năm đó.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi nhận định “Chúng tôi dự đoán chip nhớ sử dụng để lưu trữ dữ liệu sẽ là nút thắt cổ chai tiếp theo trong điện toán AI, đặc biệt là trong hoạt động đào tạo AI. Chúng tôi cho rằng Samsung sẽ là một trong những công ty được hưởng lợi chính từ động lực nhu cầu này”.

Theo nhà phân tích SK Kim của Daiwa Capital Markets, khi các mô hình AI trở nên phức tạp hơn và các bộ dữ liệu trở nên lớn hơn, những mô hình này cần chip bộ nhớ có dung lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn. Ông dự đoán, giá chip nhớ sẽ tăng thêm, giúp thúc đẩy thu nhập quí 2 của Samsung nhờ cơn bùng nổ AI và tác động của trận động đất lớn lớn nhất trong 20 năm ở Đài Loan hồi tháng 4. Ông cho biết, trận động đất này đã ảnh hưởng tạm thời đến hoạt động của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, và Micron, hãng chip nhớ của Mỹ có cơ sở sản xuất ở Đài Loan.

Theo Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới