Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quản lý nhà nước kiểu ‘thắng gấp’, thiệt hại doanh nghiệp ai chịu?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, các chương trình đều đã được lên kế hoạch từ lâu. Thế nhưng, sáng 30-4, UBND TP Đà Lạt mới văn bản hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh tại quảng trường Lâm Viên ngưng các hoạt động từ 13h-23h ngày 30-4. Doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại kép vì không chỉ mất doanh thu vì phải trả vé đã bán, họ còn phải đầu tư chi phí vào công tác tổ chức rồi bị ngưng hoạt động đột ngột.

Sáng 30-4, UBND TP Đà Lạt ra văn bản hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh tại quảng trường Lâm Viên ngưng các hoạt động từ 13h-23h ngày 30-4. Sau đó một số đơn vị liên quan đã thông báo dừng dịch vụ giải trí, biểu diễn và lại trả tiền vé đã bán ra cho khán giả (1).

Tại quảng trường Lâm Viên có Công ty TNHH rạp chiếu phim - thể thao và giải trí Ngôi Sao Đà Lạt, Công ty cổ phần Mili, chi nhánh Công ty cổ phần bất động sản Việt Nhật tại Đà Lạt kinh doanh các lĩnh vực ẩm thực, chiếu phim, trò chơi giải trí... (2).

Theo giải thích của chính quyền Đà Lạt việc tạm ngưng kinh doanh ở quảng trường Lâm Viên nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự trong khi tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội dịp lễ 30-4, 1-5 tại khu vực này. Tối 30-4 ở quảng trường diễn ra đêm chung kết giải nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 – Hoa Sen Home International Cup với 12 nhóm của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Mục đích của quyết định tạm ngưng kinh doanh ở quảng trường Lâm Viên nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự là cần thiết nhưng điều bất hợp lý là việc ra quyết định quá đột ngột: sáng 30-4 mới ra văn bản hỏa tốc và áp dụng ngay.

Cú “thắng gấp” này gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp vì họ đã lên kế hoạch kinh doanh trong dịp lễ và đầu tư không ít tiền bạc, công sức vào đó. Doanh nghiệp bị mất doanh thu không nhỏ do phải trả vé đã bán cho khách và ngưng hoạt động ngay dịp “hái ra tiền” nhờ lượng khách đông đúc trong dịp lễ.

Ngoài ra, để tăng khả năng phục vụ cho lượng khách lớn hơn trong dịp lễ, doanh nghiệp còn phải tăng cường thuê mướn đối với nhân sự, thiết bị và các dịch vụ khác …với chi phí không nhỏ. Đây có thể xem là khoản thiệt hại kép do việc phải đột ngột ngưng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, công văn này còn tạo ra làn sóng tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Đây cũng có thể tính là một thiệt hại khác trong vụ việc này.

Mọi việc lẽ ra đơn giản hơn rất nhiều nếu các nhà quản lý có tầm nhìn xa để lên kế hoạch từ đầu và thông báo cho doanh nghiệp biết để chuẩn bị. Một việc không đáng để phải ra công văn hỏa tốc rồi tạo ra nhiều hệ lụy khiến doanh nghiệp thiệt hại tiền bạc còn chính quyền thì thiệt hại về uy tín và cơ quan chức năng phải tốn công sức bác bỏ tin đồn sai sự thật.

--------------------

(1) https://vnexpress.net/cong-an-lam-dong-bac-thong-tin-da-lat-xay-ra-bao-dong-4740583.html

(2) https://tuoitre.vn/khong-co-chuyen-da-lat-xay-ra-bien-lon-20240430163856582.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần có cơ chế cơ quan quản lý nhà nước phải đền bù khi gây tổn thất cho doanh nghiệp . Tránh tình trạng thích đóng thì đóng , thích mở thì mở

  2. Rủi ro chính sách là một trong những thứ rủi ro mà doanh nghiệp vô cùng ngán ngại. Cách an ủi duy nhất là không có gì trên cuộc đời này mà không tiềm ẩn rủi ro? Có hai cách để phòng tránh. Một là, chẳng nên đương đầu làm gì cho mệt xác. Hai là, chỉ nên chiến đấu khi biết chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra. Phải lựa chọn thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới