(KTSG Online) - Khoản đầu tư 2,2 tỉ đô la Mỹ của Microsoft vào Malaysia để phát triển điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) càng củng cố vị thế của nước này với tư cách là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Trong những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ khác của Mỹ như Nvidia, Amazon, Google, Intel công bố các kế hoạch đầu tư với tổng trị giá hàng chục tỉ đô la vào quốc gia Đông Nam Á này.
- Malaysia tăng tốc trong cuộc đua ‘quốc gia khởi nghiệp’
- Nhiều nước châu Á tham gia vẽ lại bản đồ chip toàn cầu
‘Ông lớn’ công nghệ Mỹ ồ ạt đầu tư vào Malaysia
Tại sự kiện Ngày AI (AI Day) ở Kuala Lumpur hôm 2-5, CEO Satya Nadella của Microsoft thông báo công ty ông sẽ đầu tư 2,2 tỉ đô la vào Malaysia trong 4 năm tới. Số tiền này sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ đám mây và AI thông qua việc thành lập một trung tâm ưu tú AI, đào tạo AI cho 200.000 người. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Microsoft trong khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á của ông Nadella trong tuần qua.
“Chúng tôi muốn đảm bảo chúng tôi có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới ngay tại Malaysia để mọi tổ chức, mọi nhà phát triển phần mềm, mọi công ty khởi nghiệp đều có thể sử dụng, không chỉ nhằm chỉ xây dựng đất nước này mà còn cho thế giới và khu vực”, ông Nadella nói.
Tuyên bố riêng của Bộ Thương mại Malaysia cho biết, khoản đầu tư của Micosoft sẽ nhắm đến các lập trình viên và nhà phát triển AI cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng “để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới toàn diện trên khắp đất nước”.
Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim ghi nhận đây là khoản đầu tư nhất kể từ khi Microsoft thành lập hoạt động ở Malaysia cách đây 32 năm.
“Khoản đầu tư chứng tỏ sự tin tưởng của Microsoft vào các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách rõ ràng của chúng tôi, bên cạnh môi trường thân thiện với nhà đầu tư và sự ổn định về mặt chính trị”, ông nhấn mạnh.
Trước đó một ngày, trong chuyến thăm Bangkok, ông Nadella tiết lộ kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu khu vực đầu tiên của Microsoft ở Thái Lan. Hôm 30-4, sau khi đến Jakarta, người đứng đầu Microsoft công bố khoản đầu tư 1,7 tỉ đô la Mỹ để phát triển các cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới ở Indonesia.
Theo các nhà phân tích cho biết, khoản đầu tư lớn hơn của Microsoft vào Malaysia so với các nước láng giềng trong khu vực không bất ngờ. Gần đây, nước này thu hút được sự quan tâm lớn từ các tập đoàn công nghệ khác cạnh tranh quyền thống trị trong không gian đám mây và AI.
Tháng 12 năm ngoái, Nvidia thông báo sẽ hợp tác với một đối tác địa phương của Malaysia để phát triển trung tâm siêu máy tính và đám mây AI trị giá 4,3 tỉ đô la ở bang Johor. Trước đó, vào tháng 3, Amazon Web Service (AWS), đơn vị điện toán đám mây của Amazon.com, thông báo sẽ chi 6 tỉ đô la trong 14 năm để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây tại Malaysia.
Trong khi đó, vào tháng 11-2023, Google ký một thỏa thuận với chính phủ Malaysia để đào tạo doanh nghiệp về AI và điện toán đám mây. Hãng chip Intel của Mỹ và hãng chip Infineon của Đức mỗi bên đang đầu tư thêm 7 tỉ đô la Mỹ vào Indonesia. Intel đã thiết lập cơ sở sản xuất bán dẫn quốc tế đầu tiên ở nước này vào năm 1972.
Chính sách rõ ràng giúp thu hút đầu tư
Cạnh tranh về đầu tư công nghệ đang rất gay gắt ở Đông Nam Á, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu tìm kiếm sự an toàn trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Halmie Azrie, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn các vấn đề chính phủ Vriens & Partners, đánh giá Malaysia có chính sách tập trung và rõ ràng về lĩnh vực đám mây và AI. Điều đó giúp Malaysia trở nên hấp dẫn đối với các công ty muốn phát triển trong các lĩnh vực này.
Cuối năm ngoái, Malaysia thực hiện một bước đi quan trọng hướng tới hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm công nghệ khu vực khi Thủ tướng Anwar Ibrahim công bố cải tổ nội các với việc lập ra Bộ Số hóa. “Chuyển đổi kỹ thuật số là trọng tâm chính của chính phủ”, ông Ibrahim nói sau khi công bố nhân sự nội các mới.
Ông Gobind Singh Deo, người được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Số hóa, sẽ lãnh đạo các sáng kiến công nghệ của đất nước từ AI đến trung tâm dữ liệu.
“Khoản đầu tư của Microsoft cũng phù hợp khi xét đến vai trò của Malaysia với tư cách là nhà cung cấp bán dẫn quan trọng trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh trực tiếp khốc liệt với các nhà cung cấp công nghệ khác đang hiện diện ở Malaysia, gồm Nvidia ở lĩnh vực AI, Amazon và Google ở lĩnh vực điện toán đám mây”, Azrie nói.
Hơn 40 trung tâm dữ liệu mới đã được xây dựng ở Malaysia kể từ khi chính phủ bắt đầu tập trung mở rộng lĩnh vực này vào năm 2010.
Cho đến nay, Malaysia đã thu hút hơn 110 tỉ ringgit (23,1 tỉ đô la) đầu tư tích lũy vào công nghệ kỹ thuật số và đặt mục tiêu nâng con số này lên 130 tỉ ringgit vào năm 2025. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia đạt gần 40 tỉ đô la, cao hơn gấp đôi so với năm 2019.
Lợi thế của người đi đầu
Vị trí chiến lược của Đông Nam Á ở Biển Đông và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc lẫn Mỹ khiến khu vực này trở thành một địa điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ thiết lập hoạt động kinh doanh. Các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan và Việt Nam cũng đang kêu gọi các công ty bán dẫn mở rộng đầu tư bằng cách đưa các ưu đãi về thuế và các chính sách hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, Malaysia có lợi thế của người đi đầu. Nước này đã thúc đẩy làn sóng công nghệ từ thập niên 1970 khi tích cực chào mời các “ông lớn” trong lĩnh vực điện và điện tử của thế giới, như Intel và Litronix (nay là Osram, có trụ sở chính ở Áo và Đức) đến đầu tư. Malaysia đã thiết lập một khu thương mại tự do trên đảo Penang, đưa ra chính sách miễn thuế và tăng tốc xây dựng các khu công nghiệp, nhà kho và đường sá. Lao động giá rẻ cũng như dân số nói tiếng Anh đông đảo và chính trị ổn định là những lợi thế khác của Malaysia
Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, Tengku Zafrul Aziz, cho biết đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng nhanh năm 2019, được thúc đẩy bởi lĩnh vực bán dẫn. Sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mối quan tâm đến Malaysia như một địa điểm sản xuất bổ sung tăng vọt. Xu hướng đó càng mạnh mẽ hơn khi căng thẳng giữa các cường quốc dâng cao. Cả Trung Quốc và Mỹ đều nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn đáng tin cậy.
“Các công ty của Mỹ, châu Âu và thậm chí Trung Quốc muốn đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc (để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ)”, ông Zafrul Aziz nói. Ông cho biết thêm, mối lo ngại về cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư vào Malaysia. Malaysia hiện là nước xuất khẩu bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và đóng gói 23% tổng số chip của Mỹ.
Theo SCMP, NY Times