(KTSG Online) - Trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 4-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý giá cả, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, không để tăng giá đột ngột vào cùng thời điểm tăng lương.
- Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại mức tăng lương hưu, trợ cấp
- Sẽ trình mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong tháng 4
TTXVN cho biết, ngày 4-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Cuộc họp nhằm đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như việc tiếp cận tín dụng còn hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tốc độ tăng cầu tiêu dùng còn thấp so với cùng kỳ năm 2023. Việc điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, điều chỉnh tăng lương; đề xuất tăng cường quản lý thị trường vàng, nhất là việc kiểm tra chống thao túng thị trường còn nhiều phát sinh…
Trước tình hình này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tiếp tục các giải pháp quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, không để tăng giá đột ngột, cùng thời điểm và vào thời điểm tăng lương. Ông đề nghị làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, với 32.000 tỉ đồng chưa được phân bổ, nếu bộ, ngành, địa phương không thể phân bổ được thì báo cáo Chính phủ để điều chuyển, phân bổ cho các dự án giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó là tập trung điều hành chính sách tiền tệ sao cho chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; đảm bảo hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát tình hình nợ xấu; phát triển lành mạnh, an toàn các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng…
Thủ tướng cũng yêu cầu ban hành các nghị định, thông tư thi hành các luật về đất đai, tổ chức tín dụng, kinh doanh bất động sản, nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2024; đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Một số vấn đề khác cần lưu ý như tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; chú trọng công tác gỡ "thẻ vàng" IUU; phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa theo xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...