(KTSG Online) - Trong những năm gần đây, khi vị thế của Hồng Kông sa sút, Singapore nổi lên như là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực châu Á. Tuy nhiên, điểm khuyết lớn nhất cho danh xưng này là hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán ở đảo quốc Sư tử còn quá trầm lắng.
Điều này nhiều công ty công nghệ ở Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội niêm yết ở các thị trường khác, trong đó có Mỹ. Vì vậy, giới chức Singapore đang tìm cách củng cố thị trường chứng khoán trong nước.
- Các yếu tố giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu
- Soán ngôi của Hồng Kông, Singapore trở thành nền kinh tế tự do nhất thế giới
Xem xét các đề xuất cải tổ thị trường chứng khoán
Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đang xem xét các đề xuất cải tổ thị trường chứng khoán trong nước vì hiệu suất ngày càng thua kém các thị trường trong khu vực.
Theo các nguồn thạo tin, Hiệp hội vốn tư nhân và mạo hiểm Singapore (SVCA) là bên đưa ra các đề xuất. SVCA có các thành viên bao gồm hai quỹ đầu tư nhà nước GIC và Temasek, các công ty đầu tư mạo hiểm địa phương và toàn cầu và các quỹ thâu tóm doanh nghiệp bao gồm General Atlantic, Warburg Pincus và KKR.
Trong số các đề xuất, có yêu cầu bắt buộc tham gia thị trường chứng khoán với lượng vốn tư nhân đổ vào Singapore. Cùng với đó là những đề xuất như thiết lập cơ chế cho phép quỹ lương hưu và quỹ chủ quyền đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước như ở Úc hoặc Thái Lan. Trong khi Temasek được phép đầu tư vào các công ty trong nước thì GIC, công ty quản lý dự trữ ngoại hối của chính phủ Singapore, chỉ đầu tư ra quốc tế.
Các nguồn tin cho biết, chính phủ Singapore đang theo dõi chặt chẽ chính sách của các quốc gia khác. Trong đó, có Anh, nơi đang thúc ép các quỹ lương hưu đầu tư vào các công ty trong nước. Giống như GIC, Quỹ Dự phòng trung ương của Singapore (CPF), một chương trình tiết kiệm quốc gia để chi trả lương hưu, cũng có nguồn vốn dồi dào. Tuy nhiên, hiện không có chính sách nào của chính phủ bắt buộc hoặc khuyến khích CPF đầu tư vào cổ phiếu.
Một đề xuất khác là hợp tác với các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, bao gồm khả năng Singapore tổ chức một sàn giao dịch khu vực trong tương lai và củng cố mọi vấn đề như rủi ro tiền tệ.
Các nguồn tin cho biết thêm, các cuộc thảo luận giữa SGX và SVCA diễn ra từ đầu năm. Các đề xuất của SVCA cũng đang được Ban Phát triển kinh tế của chính phủ Singapore, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Công thương Singapore xem xét.
Sàn giao dịch Singapore thua nhiều đối thủ trong khu vực
Trong những năm gần đây, khi đối thủ Hồng Kông sa sút do chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ của Bắc Kinh, Singapore nổi lên như một trung tâm tài chính khu vực. Dòng vốn và tài sản tư nhân chảy mạnh vào đảo quốc Sư tử, nơi có nhiều lợi thế, bao gồm sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp và mức thuế thấp.
Tuy nhiên, sự thành công của chính phủ Singapore trong việc thu hút dòng vốn tư nhân chưa bao giờ lan tỏa sang SGX, ngay cả khi ngày càng có nhiều công ty công nghệ đặt trụ sở chính tại Singapore.
SGX không tạo ra sức hút vì khối lượng giao dịch thấp và các hoài nghi về hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Số lượng công ty hủy niêm yết ở SGX thường nhiều hơn số lượng công ty niêm yết mới.
Thị trường chứng khoán Singapore có sự tập trung cao độ của các doanh nghiệp mà quỹ đầu tư nhà nước Temasek nắm lượng cổ phần lớn, cũng như các công ty thiên về về bất động sản bao gồm các quỹ tín thác đầu tư bất động sản vốn suy yếu trong những năm gần đây trong bối cảnh lãi suất cao.
Theo nghiên cứu của hãng kiểm toán PwC, SGX là một trong những sàn chứng khoán giao dịch trầm lắng nhất trên toàn cầu vào năm ngoái về số lượng IPO và số vốn huy động được, lần lượt ở mức 7 và 300 triệu đô la Mỹ. Các con số này xếp sau các sàn giao dịch ở Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Ấn Độ ghi nhận số lượng IPO cao nhất kể từ 2017 với 234 thương vụ trong năm ngoái, tăng 56% so với năm 2022.
Hiệu suất kém của SGX trở nên rõ ràng hơn khi các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực chuẩn bị cho sự hồi sinh của hoạt động IPO trong bối cảnh điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu được cải thiện.
Peggy Mak, Giám đốc nghiên cứu của công ty môi giới Phillip Securities Research lưu ý, các công ty công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) muốn tiến hành IPO có thể sẽ chọn các sàn giao dịch ở Mỹ, Hồng Kông hoặc London thay vì Singapore. Lý do lớn là sự thiếu đa dạng trong các ngành công nghiệp ở Singapore để các công ty niêm yết tham gia.
“Thị trường Singapore thiếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực internet, phần mềm và truyền thông. Chúng tôi không thể nêu tên chính xác một công ty niêm yết trên SGX hưởng lợi trực tiếp từ AI”, Mak nói.
Năm nay, tính đến đầu tháng 4, chỉ có một công ty tiến hành IPO để niêm yết trên SGX. Đó là Viện Y học tiến tiến Singapore, nhà cung cấp dịch vụ điều trị ung thư, huy động được khoảng 21,7 triệu đô la Singapore từ IPO.
Không thể trở thành trung tâm tài chính toàn diện nếu thị trường chứng khoán yếu ớt
Các cơ quan quản lý ở Singapore đang đứng trước sức ép cải thiện chính sách để vực dậy thị trường chứng khoán trong nước trong bối cảnh các công ty ở Đông Nam Á đổ xô đến Mỹ để niêm yết cổ phiếu.
Hồi tháng 3, Ryde, một công ty gọi xe ở Singapore, đã thực hiện IPO ở Sàn giao dịch chứng khoán New York, nối dài danh sách các công ty công nghệ của Singapore chọn thị trường chứng khoán Mỹ để huy động vốn. Nền tảng buôn bán xe cũ Carro của Singapore có kế hoạch huy động 100 triệu đô la Mỹ dựa trên mức định giá 1,5 tỉ đô la trước khi tiến hành IPO ở Mỹ. Một đối tác quản lý vốn mạo hiểm ở Singapore lo ngại, thậm chí một số nguồn vốn tư nhân cũng có thể rời khỏi Singapore để đến các các thị trường đang phát triển nhanh, đặc biệt là Ấn Độ.
“Chính phủ Singapore đã có sự thay đổi trong suy nghĩ. Họ cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của SGX mà còn là điều quan trọng đối với chương trình nghị sự quốc gia. Liệu Singapore có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế toàn diện với một thị trường chứng khoán yếu ớt? Có lẽ là không”, một lãnh đạo trong ngành đầu tư vốn tư nhân và mạo hiểm nói.
Một nguồn tin cho biết, đây là lần đầu tiên các cơ quan quản lý của Singapore và SVCA cùng ngồi lại để thảo luận các đề xuất cải tổ thị trường chứng khoán kể từ khi Singapore quyết định thúc đẩy ngành công nghệ và đầu tư mạo hiểm vào cuối thập niên 2000.
“Lần đầu tiên, giới chức trách Singapore có vẻ sẵn sàng xem xét những động thái táo bạo hơn đầu tư tiền lương hưu vào thị trường chứng khoán. Đây điều bình thường ở những thị trường khác nhưng lại mới đối với Singapore”, người này nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về việc liệu các đề xuất mới nhất có giúp xoay chuyển hoạt động của SGX hay không.
“Tạo ra cung cầu cho thị trường chứng khoán là điều khó khăn. Các cơ quan quản lý thực sự cần trao đổi với các nhà tạo lập thị trường như các quỹ địa phương và các nhà quản lý tài sản. Nhưng tôi vẫn chưa thấy điều đó xảy ra”, một lãnh đạo quỹ phòng hộ ở Singapore nói.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, vấn đề lớn hơn cần khắc phục hiện nay là cải thiện hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên SGX hoặc tăng cường quản trị doanh nghiệp để mang lại cho nhà đầu tư sự an tâm hơn.
Theo Financial Times, Straits Times