(KTSG) - Nhiều quốc gia đang gấp rút chuẩn bị chiến lược ngắn hạn và dài hạn trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang tên trí tuệ nhân tạo.
- Luật về trí tuệ nhân tạo và tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc
- Trí tuệ nhân tạo - nguy cơ bất ổn từ công nghệ!
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) hiện đang là một cuộc “cách mạng công nghệ” tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cuộc sống của chúng ta. Tác động của AI đến nền kinh tế, thị trường lao động, dịch vụ công, môi trường, thông tin hay thậm chí cả lĩnh vực văn hóa giải trí ngày càng trở nên rõ rệt. Đặc biệt, sự xuất hiện và phổ biến của các chương trình AI tạo sinh (Generative AI) cho chúng ta thấy AI có khả năng “sáng tạo” nội dung mới và một ngày không xa có thể cạnh tranh với con người trong cả lĩnh vực này.
Tất nhiên, AI cũng tạo ra vô số thách thức cho sự ổn định của xã hội, sự an toàn của dữ liệu cá nhân. Ví dụ như theo thống kê của AIAAIC, một tổ chức độc lập theo dõi các vụ vi phạm quy tắc đạo đức của AI, số lượng các vụ vi phạm liên quan tới AI tăng 26 lần so với năm 2012. Gần đây nhất là vụ video deepfake (công nghệ AI cho phép tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu hàng quân đội Nga làm nhiều người tin rằng đấy là sự thật.
Các thuật toán AI cũng có thể càng tạo ra hố sâu ngăn cách giữa các quốc gia phát triển công nghệ và các quốc gia đang phát triển chậm bắt kịp công nghệ, tạo ra sự bất bình đẳng về việc làm và ngành nghề. Đặc biệt, AI còn có thể tạo ra quyền lực mới cho các “ông lớn” công nghệ, dẫn đến nguy cơ giảm sút quyền lực của các chính phủ.
Báo cáo năm 2023 về AI của Đại học Stanford cho thấy tổng đầu tư toàn cầu vào công nghệ AI là gần 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Theo dự báo, con số này sẽ là gần 160 tỉ đô la vào năm 2025. Nếu như trước năm 2014 các viện nghiên cứu đi tiên phong trong các mô hình học máy (machine learning) thì giờ đây vị trí đó đã thuộc về khu vực doanh nghiệp. Điều này cũng khá dễ hiểu vì các hệ thống AI cần một số lượng dữ liệu khổng lồ, cũng như cần nhiều đầu tư tài chính, vốn là thế mạnh của các công ty công nghệ.
Ở thời điểm hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển AI, theo sau là Anh và Israel.
Theo một điều tra của IPSOS, hiện nay người dân Trung Quốc có thái độ lạc quan nhất đối với AI, họ tin rằng các sản phẩm và dịch vụ sử dụng AI tạo ra nhiều lợi ích hơn là nguy cơ, trong khi người dân Mỹ lại kém lạc quan nhất.
Ở một góc độ khác, điều tra này cho thấy rằng, đối với 82% lãnh đạo các công ty hàng đầu thế giới, việc sử dụng AI tạo sinh là ưu tiên của năm 2024, vì công nghệ này cho phép nâng cao hiệu quả làm việc, giúp nhân viên tập trung vào các công việc trí óc tầm cao hơn.
Trong vài năm tới, khó có thể dự đoán rằng AI sẽ có thể thay thế con người, hay AI có thể giải quyết mọi thách thức của xã hội hiện tại. Tuy nhiên, một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là càng chậm đưa AI vào chiến lược phát triển quốc gia, thì nguy cơ tụt hậu ngày càng cao.
Ở thời điểm hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển AI, theo sau là Anh và Israel. Cũng cần bổ sung rằng, với việc 7/10 quốc gia hàng đầu về công nghệ nằm ở châu Âu, rõ ràng Liên minh châu Âu (EU) đang nắm ưu thế đặc biệt trong cuộc đua này. Và với việc đạo luật đầu tiên trên thế giới về AI được các nhà lập pháp EU thông qua vào ngày 13-3-2024 thì EU cũng đang nhắm tới vị thế tiên phong, nhờ vào các biện pháp hấp dẫn đầu tư và xây dựng một hệ sinh thái AI của EU. Không chỉ thế, một trong những mục tiêu căn bản mà EU hướng tới, đó là bảo vệ cá nhân người dân EU trước những nguy cơ đến từ AI.
Đầu tháng 5-2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố tại trụ sở đặt tại Paris của OECD (Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế) một khuôn khổ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý và sử dụng AI tạo sinh, đánh dấu một sự hợp tác toàn cầu để kiểm soát hợp lý công nghệ AI. Hiện nay, đã có 49 quốc gia và vùng đã ký kết khuôn khổ này, trong một nỗ lực xây dựng AI đáng tin cậy, an toàn, an ninh cho người dân.
Ngược lại với cách tiếp cận của Nhật Bản hay Pháp, Trung Quốc đặt ưu tiên vào việc sử dụng AI như một công cụ quản lý của chính phủ. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, công nghệ cao “là vũ khí sắc bén của một chính phủ hiện đại”.
Ở cấp độ quốc gia, không ngạc nhiên khi nhiều quốc gia đang gấp rút chuẩn bị chiến lược ngắn hạn và dài hạn, trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 này. Ví dụ như Nhật Bản đang có kế hoạch thông qua luật về quản lý AI tạo sinh. Chiến lược phát triển AI của Nhật Bản tập trung vào một số điểm chính như nâng cao an ninh quốc gia và quốc phòng, hợp tác phối hợp quốc tế trong nghiên cứu, trong xây dựng khuôn khổ bộ luật ứng xử, đảm bảo sử dụng AI phù hợp với các nguyên tắc đạo đức, bảo vệ dữ liệu và quyền cá nhân.
Một ví dụ khác cũng nên đề cập đến ở đây là Pháp. Vài năm trước đây, bản báo cáo của thiên tài toán học Pháp Cédric Villani (người cùng đoạt giải Field với nhà toán học Ngô Bảo Châu) đã cảnh báo Chính phủ Pháp hiện tượng “chảy máu chất xám” các chuyên gia AI Pháp ra nước ngoài, những nơi có chính sách đãi ngộ tốt hơn. Báo cáo này cũng đề xuất tập trung ưu tiên phát triển AI trong các lĩnh vực như y tế, giao thông, môi trường và quốc phòng.
Vào tháng 3-2024, Ủy ban AI của Pháp đã đệ trình lên Tổng thống Pháp 25 kiến nghị về chính sách phát triển AI, mà trong đó bao gồm xây dựng chương trình giáo dục đào tạo quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, đầu tư vào việc tạo dựng một hệ sinh thái AI để “thay da đổi thịt” nền kinh tế Pháp, tạo điều kiện tiếp cận dữ liệu nhưng tuân thủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra “ngoại lệ” trong nghiên cứu ở lĩnh vực công nhằm gỡ bỏ một số thủ tục hành chính cứng nhắc, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu... Các văn bản cũng cảnh báo Chính phủ Pháp về tính gấp rút của việc xây dựng chính sách phát triển AI hiện nay, để tránh nguy cơ bị tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghệ này.
Ngược lại với cách tiếp cận của Nhật Bản hay Pháp, Trung Quốc đặt ưu tiên vào việc sử dụng AI như một công cụ quản lý của chính phủ. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, công nghệ cao “là vũ khí sắc bén của một chính phủ hiện đại”. Hiện nay, quốc gia này đang nỗ lực xây dựng chính sách để trở thành một trung tâm về AI vào năm 2030, với ứng dụng AI mở rộng trong nhiều lĩnh vực sản xuất, quản lý cũng như bảo vệ an ninh quốc phòng.
Sai ly, đi dặm. Luôn là phương châm hàng đầu. Trí tuệ nhân tạo, AI, đang quá hot. Tuy nhiên rất cần sự tỉnh táo để hiểu biết và vận dụng đúng đắn. Trước hết, có cách thức hợp lý để từng bước làm chủ và ứng dụng AI vào các lĩnh vực phù hợp, nhằm mục tiêu tăng năng suất/ hiệu quả/ chất lượng, không tạo ra những tác nhân gây phản ứng ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống con người và trật tự an toàn xã hội. Tập trung nguồn lực để phát triển AI ngang tầm thời đại, nhất là khâu đào tạo nhân lực và kiến tạo hạ tầng môi trường số, để kịp thời đáp ứng các nhu cầu phát triển mới, thu hút nguồn lực đầu tư, cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và thông minh. Vấn đề quan trọng nhất, cần định hướng AI như là một bộ phận hữu cơ trong tổng thể cơ cấu kinh tế – xã hội đồng bộ, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của đất nước. Tuyệt đối tránh mọi xu hướng, hoặc quá đề cao, dựa dẫm, hoặc đánh giá không đúng, không đủ về sức mạnh tiềm năng của AI.