Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Tách’ sầu riêng thành ngành độc lập để phát triển bền vững hơn?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để sầu riêng phát triển bền vững, doanh nghiệp gợi ý cần tách loại trái cây "vua" này thành ngành hàng độc lập nhằm xây dựng luật để quản lý. Đây là hướng đi nhằm đảm bảo sự tuân thủ và phát triển bền vững cho trái sầu riêng vốn đang xuất hiện quá nhiều thách thức…

Cần tách sầu riêng thành ngành độc lập và xây dựng luật để phát triển bền vững. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, sầu riêng lập tức tạo nên “kỳ tích” cho ngành cây ăn trái của Việt Nam khi mang về hơn 2,241 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, song hành cùng "kỳ tích", những yếu kém trong việc tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu cũng đã bộc lộ...

“Bộc lộ” yếu kém

Báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia là những quốc gia sản xuất và xuất khẩu sầu riêng lớn trên thế giới. Trong đó, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là bốn quốc gia đã ký nghị định thư để xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng đã phát triển đến con số trên 150.766 héc ta (năm 2022 Thái Lan có khoảng 137.000 héc ta). Trong đó, khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn nhất, đạt khoảng 75.488 héc ta; Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 42.893 héc ta; Đông Nam bộ khoảng 25.366 héc ta và Duyên Hải Nam Trung bộ là hơn 7.000 héc ta.

Sầu riêng Việt Nam đạt “kỳ tích” không chỉ về diện tích mà còn cả về kim ngạch sau khi lô hàng đầu tiên chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào ngày 17-9-2022.

Theo đó, nếu như cả năm 2021 và 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt lần lượt là 177,7 và 420,8 triệu đô la Mỹ, thì năm 2023 sầu riêng mang về cho Việt Nam trên 2,241 tỉ đô la Mỹ, tức tăng hơn 12,6 lần so với năm 2021 và hơn 5,3 lần so với năm 2022.

Tuy nhiên, đi cùng “sức hấp dẫn” của quá trình phát triển thị trường xuất khẩu, những yếu kém trong việc tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu đang bộc lộ, dẫn đến nhiều lô hàng cảnh báo.

Cụ thể, báo cáo của Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tổng mã số vi phạm bị cảnh báo đối với sầu riêng là 187, trong đó, có 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, có đến 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói được xác định vi phạm nhiều lần, trong khi có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm một lần.

Được biết, hiện Việt Nam có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Như vậy, với tổng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm lần lượt là 115 và 72, tức tương đương tỷ lệ vi phạm lên đến 16% đối với mã số vùng trồng và gần 43% đối với mã số cơ sở đóng gói.

Theo Cục bảo vệ thực vật, ngoài số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phép như nêu trên, có 634 mã số vùng trồng và 80 mã số cơ sở đóng gói khác đang chờ Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) xem xét để cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này.

Việc để xảy những vi phạm dẫn đến bị cảnh báo như nêu trên được Cục bảo vệ thực vật xác định có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, bao gồm chưa đủ động trong kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nghị định thư; tỷ lệ giám sát thấp, thậm chí có nhiều mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định (bình quân tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng là 52% và mã số cơ sở đóng gói là 47,6%).

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm quy định của nghị định thư chưa kịp thời, triệt để hay chất lượng giám sát chưa được cải thiện, giám sát lỏng lẻo và hình thức, thì việc nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chưa tập trung nguồn lực (con người, tài chính) cho giám sát sau khi được phê duyệt… Đây cũng là nguyên nhân xảy ra vi phạm khiến nhiều lô hàng sầu riêng bị cảnh báo kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.

Các vi phạm được phát hiện, bao gồm nhiễm vi sinh vật bị phía Trung Quốc cấm; cơ sở đóng gói thu mua sầu riêng từ vùng trồng chưa được cấp mã số hoặc nguồn không rõ ràng; cơ sở đóng gói chưa thực hiện đúng quy trình đóng gói đã được phê duyệt…

Công khai và xử lý nghiêm bằng pháp luật để bảo vệ ngành sầu riêng. Ảnh: Trung Chánh

Công khai và xử lý nghiêm để bảo vệ

Trước những thách thức và yếu kém nêu trên, để bảo vệ và giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, ngành sầu riêng phát triển giúp nông dân thu lợi rất lớn, nhưng doanh nghiệp "chết" cũng rất nhiều. “Đây là một trong những vấn đề chúng ta phải nhìn nhận một cách rất thực tế”, bà nói.

Theo bà, có không ít doanh nghiệp mất hàng trăm tỉ đồng do những hợp đồng được mua giá trước, nhưng bị huỷ. “Trong khi đó, đăng ký hợp tác với chuỗi hệ thống siêu thị, chỉ cần một hợp đồng không kịp thời gian đã phải chịu hậu quả rất lớn”, bà giải thích.

Theo vị tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, với một ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu và giá trị rất lớn cho nông dân, cần thiết phải đề xuất với Chính phủ “tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng" nhằm bảo vệ, giúp phát triển bền vững như mục tiêu kỳ vọng.

“Cần phải ngồi lại, cùng phân tích những khó khăn và đưa ra giải pháp, trong đó, có tiếng nói của doanh nghiệp, tiếng nói của các cơ quan ban ngành và cả người nông dân”, bà gợi ý.

Theo bà Vy, cần thiết phải có cơ chế pháp lý của ngành sầu riêng một cách bài bản. Bởi lẽ, với Thái Lan- một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, sự thành công, tạo được uy tín trên thị trường của quốc gia này cũng nhờ sự nghiêm minh trong chế tài, tức các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết rất sợ sai phạm.

“Ví dụ, ở Thái Lan chỉ cần một nông dân cắt sầu riêng non bị cảnh sát kiểm tra (bất kỳ lúc nào) phát hiện, thì mã số vùng trồng đó sẽ bị thống báo trên một fanpage, ở đó có sự tham gia của lãnh sự quán Trung Quốc để xử lý”, bà Vy dẫn chứng.

Theo bà Vy, chính việc chế tài, xử lý nghiêm minh đã tạo dựng ý thức cho những người tham gia chuỗi liên kết thấy “không phải chỉ vì quyền lợi của cá nhân, mà còn vì cái chung”, tức một cá nhân làm sai sẽ bị người kế bên tố giác vì nếu không sẽ ảnh hưởng uy tín chung.

Sầu riêng là loại cây trồng không phải thu hoạch chỉ trong 1-2 năm, mà vòng đời có thể lên đến 30-40 năm, tức phải sống chung lâu dài. Cho nên, một giải pháp lâu dài để bảo vệ uy tín, thương hiệu, giúp ngành hàng này phát triển bền vững là cần thiết.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, một vấn đề khác cần quan tâm thực hiện, đó là phải minh bạch cây giống, kể cả truy xuất nguồn gốc. “Chúng ta phải nhìn lại quy trình truy xuất nguồn gốc giống, bởi có khi 5-10 năm tới thị trường bắt phải thực hiện việc này”, ông nói

Ngoài ra, cần phải tăng cường hơn nữa việc cấp mới mã số vùng trồng cho sầu riêng để tăng khả năng khai thác chính ngạch thị trường. Bởi hiện nay diện tích được cấp và cả đang chờ GACC xem xét cấp hiện cũng chỉ chiếm khoảng 30% tổng diện tích sản xuất.

Cụ thể, tổng diện tích đang chờ GACC xem xét và cả phần đã có mã số hiện đạt 44.205 héc ta, bao gồm đã có mã số là gần 26.416 héc ta và đang chờ xem xét cấp là hơn 17.789 héc ta. Trong khi đó, tổng diện tích sản xuất của Việt Nam như đã nêu ở trên hiện lên đến 150.766 héc ta.

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, vấn đề quan trong hiện nay của ngành sầu riêng là tăng cường hơn nữa chuỗi liên kết. Bởi lẽ, khó khăn lớn đối với ngành này là tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết. “Công ty chúng tôi đã làm vùng trồng từ Bắc tới Nam, vấn đề này đã gặp phải chứ không phải mới xảy ra”, ông dẫn chứng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chuyên canh + chuyên nghiệp + chuyên doanh. Chuyên canh, là cách tự bảo vệ tốt nhất tính chính danh về chất lượng nông sản theo tiêu chí an toàn/ lành mạnh. Chuyên nghiệp, là cách thức tiến hành sản xuất tiên tiến, theo định hướng truyền thống/ khoa học/ đại chúng (up to date), không chấp nhận chạy theo năng suất cao bằng mọi giá, đánh đổi sự suy thoái tài nguyên/ môi trường/ sức khỏe người tiêu dùng. Chuyên doanh, đây là khâu yếu nhất hiện nay, có sản phẩm tốt nhưng không biết cách tiếp thị, chinh phục thị trường thì khó có thể đứng vững và cạnh tranh lâu dài. Giải quyết ba vấn đề này, sẽ mở ra con đường sáng lạn để nông sản Việt chinh phục thị phần thế giới một cách bền vững.

  2. Sầu riêng nói riêng, nông sản nhiệt đới Việt nói chung, hoặc là các đặc sản OCOP được xếp hạng 4-5 sao phải trở thành những biểu tượng xuất sắc của nền nông nghiệp Việt khi đi ra chinh phục thị trường thế giới. Một chiến lược bài bản nhằm biến nông sản Việt và thực phẩm Việt trở thành “Bếp ăn của thế giới” là định hướng rất triển vọng, cần triển khai để đánh thức hết tiềm lực chưa được khai phá đúng mức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới