Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội để du lịch miền Trung xích lại gần nhau hơn

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với những thay đổi trong vận hành du lịch hiện tại, các điểm đến tại miền Trung có thể hiện thực hóa cam kết hợp tác mà mình đã đưa ra từ cách đây gần 20 năm, để cung cấp dịch vụ đa dạng cho các loại hình khách khác nhau dựa trên thế mạnh của mình thay vì “giẫm chân lên nhau” và “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. Và mùa hè sắp tới là cơ hội để làm điều đó.

Anh Trường Tâm (Q. Bình Thạnh, TPHCM) cuối tháng 6 này sẽ dẫn vợ và con gái đi du lịch xem như phần thưởng cho con sau một năm nỗ lực học tập. Điểm đến của gia đình anh là miền Trung. “Tôi đã mua vé tàu hỏa khứ hồi chặng Sài Gòn – Đà Nẵng. Tôi cũng đã nhờ người quen thuê xe hơi để tự do tham quan Đà Nẵng, Hội An và Huế. Chi phí tổng cộng khoảng hơn 10 triệu đồng”, anh Tâm cho biết. Anh chia sẻ thêm lý do chính để anh tính toán chuyến đi như trên là giá vé máy bay cao và muốn cả gia đình có nhiều thời gian trải nghiệm.

Du lịch tự túc, trải nghiệm

Du khách đạp xe trải nghiệm không gian xanh trong khu vực Lăng Gia Long tại Huế. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Theo những người trong cuộc, lựa chọn của gia đình anh Trường Tâm có thể nói là điển hình cho một xu hướng du lịch đang lên trong thời gian này và dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Đó là du lịch tự túc và trải nghiệm. Tuy nhiên, việc các địa phương nằm gần nhau cùng phát triển du lịch trải nghiệm chưa hẳn là điều tốt, mà mỗi địa phương với thế mạnh riêng của mình cần hợp tác khai thác các nguồn khách. Việc hợp tác sẽ giúp đa dạng hóa dịch vụ du lịch, với kỳ vọng khách sẽ kéo dài chuyến đi để có trải nghiệm đa dạng ở các địa phương gần nhau về mặt địa lý.

Đơn cử là các địa phương miền Trung nằm 'sát vách' nhau như Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Nếu Huế có thế mạnh là trải nghiệm văn hóa và sinh thái địa phương, thì Quảng Nam có lợi thế cho du lịch trải nghiệm sinh thái và xanh, còn Đà Nẵng sẽ cung cấp cho du khách những trải nghiệm du lịch hiện đại của một thành phố biển sống động.

Dịp hè này có thể coi là cơ hội tốt cho ba địa phương trên hiện thực hóa chuyện hợp tác căn cứ trên những điều kiện khách quan và chủ quan hiện nay.

Theo đánh giá và khảo sát mới đây của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay ngành du lịch cố đô có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, khách quốc tế chiếm trên 60% tổng lượt khách. Họ chủ yếu đi theo các tour đặt trước và phần nhiều đến từ Đà Nẵng. Điểm thứ hai là lượng khách Việt tăng hơn năm ngoái. Họ đa phần đi theo nhóm, gia đình, bạn bè bằng hai phương tiện là ô tô cá nhân và tàu hỏa.

Ngoài chuyện vé máy bay tăng cao, dịch vụ tàu hỏa tốt và phong phú hơn (toa tàu du lịch Huế - Đà Nẵng vừa đưa vào khai thác) và cao tốc Túy Loan – La Sơn – Cam Lộ đi vào hoạt động cũng tạo điều kiện cho khách tự đi du lịch theo nhóm với chi phí vừa phải.

Các điểm đến được hai đối tượng du khách trên quan tâm là tham quan hoàng cung và các lăng tẩm triều Nguyễn, trải nghiệm du lịch biển, suối thác, đầm phá, nghỉ dưỡng và ẩm thực.

“Dòng khách này chi tiêu tốt. Họ chủ yếu ở khách sạn 4-5 sao hoặc homestay có kết hợp cung cấp các trải nghiệm du lịch”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết và chia sẻ thêm dịp lễ vừa qua là minh chứng tốt nhất. Công suất khách sạn 4-5 sao tại Huế gần như đạt tỉ lệ 90-100%, cao hơn các cơ sở lưu trú được gắn sao thấp hơn.

Bên cạnh đó, cùng với xu hướng tự túc, trải nghiệm, các homestay tại Huế cũng đang hoạt động tốt, và đúng với ý nghĩa homestay. “Đó là khách ở cùng chủ nhà. Chủ nhà chủ động cung cấp dịch vụ trải nghiệm, nấu ăn, đi chợ, nghe ca Huế tại nhà, tạo sự thân thiện của người Huế với du khách”, ông Phúc giải thích. Theo ghi nhận từ các công ty du lịch và các điểm cung cấp dịch vụ du lịch, có nhiều hơn những nhóm khách bạn bè và gia đình đến Huế thích sử dụng xe đạp tham quan vùng quê, vùng cây ăn quả hay chèo sup trên sông Hương.

Theo ông Phúc, đó là lý do Huế được các tổ chức du lịch quốc tế bình chọn điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới năm 2024 và là điểm đến có giá cả hợp lý, tương xứng với chất lượng và hạng sao. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Huế tiếp tục đầu tư vào loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa và sinh thái địa phương.

Và để có thể tiếp tục nắm bắt cơ hội từ xu hướng này Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện đánh giá khảo sát về khách sạn ở Huế, phát triển nhiều hơn khách sạn boutique (một dạng khách sạn quy mô nhỏ có phong cách thiết kế và trang trí nổi bật và tạo ấn tượng riêng) với giá cả hợp lý, tương xứng với chất lượng. “Chúng tôi sẽ khuyến khích các khách sạn cũ cải tạo thành khách sạn boutique, với chất lượng tốt hơn, trang trí nổi bật kèm theo các câu chuyện kể về Huế. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân quanh khu vực Hoàng Thành đầu tư homestay chất lượng”, ông Phúc cho biết. Ông nói thêm Huế sẽ phát triển nhãn hiệu “Kinh đô ẩm thực” sau khi đã đăng ký bằng cách công nhận các nhà hàng đạt chuẩn cũng như mời doanh nghiệp đầu tư nhà hàng phục vụ ẩm thực từ các vùng miền khác và quốc tế bên cạnh nhà hàng đặc sản Huế.

Du lịch tự túc và trải nghiệm cũng đang được ngành du lịch Quảng Nam phát triển thành thế mạnh của mình, tập trung vào trải nghiệm sinh thái và xanh.

“Trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay, giá vé máy bay tăng cao, cộng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì du lịch tự túc, cắt giảm chi tiêu, không mua tour trọn gói, đi theo nhóm nhỏ đang trở thành xu hướng”, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận định.

Theo ông Hồng, nắm bắt xu hướng này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp du lịch đa dạng, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đối tượng khách kể trên. Cụ thể, ngoài việc làm mới các sản phẩm hiện tại thì các điểm đến trên địa bàn tỉnh đang hướng đến xây dựng các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái mới theo hướng xanh trên nền tảng các giá trị văn hóa bản địa, đa dạng sinh học.

Khách trải nghiệm ẩm thực theo hướng xanh và tuần hoàn tại nhà hàng The Field, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đang hướng đến phân khúc thị trường khách cao cấp (như thị trường Ấn Độ), vì vậy theo ghi nhận của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam nhiều doanh nghiệp lớn đang xây dựng các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ dòng khách này.

Để phục vụ cho xu hướng trên, ông Hồng cho biết tỉnh Quảng Nam đã ký kết hợp tác với các hãng hàng không cũng như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để mở rộng khai thác sản phẩm du lịch mới bằng đường sắt, đồng thời hỗ trợ trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Nam.

Kết nối với du lịch MICE

Nếu Quảng Nam và Thừa Thiên Huế có thế mạnh về du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, sinh thái thì Đà Nẵng là điểm đến của loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội họp kết hợp du lịch). Ý kiến này được đưa ra trong cuộc họp đầu tháng 5 vừa qua về hợp tác du lịch ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Báo cáo mới nhất của ngành du lịch Đà Nẵng cho biết bên cạnh khách đi theo đường hàng không và theo tour như truyền thống, lượng khách đi tự túc và bằng tàu hỏa cũng có dấu hiệu gia tăng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, điểm mới trên chỉ nên là yếu tố cộng thêm. Đà Nẵng vẫn phải dựa vào thế mạnh của mình là du lịch theo đoàn, đông người dự hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch.

Đà Nẵng có hai lợi thế lớn để phát triển phẩm du lịch MICE. Đó là số lượng phòng lưu trú nhiều (hơn 50.000 phòng), nhiều khách sạn, resort quy mô lớn và trung tâm hội nghị quốc tế. Bên cạnh đó, sân bay Đà Nẵng cũng được xem là cửa ngỏ chính đón khách đến miền Trung. Bình quân có 112 chuyến bay đến Đà Nẵng mỗi ngày, trong đó có 61 chuyến bay nội địa và 51 chuyến bay quốc tế.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch Đà Nẵng đã chào đón 42 đoàn khách MICE nội địa và quốc tế với hơn 12.600 lượt khách, trong đó có 13 đoàn nội địa và 29 đoàn quốc tế đến từ các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, các đoàn đa quốc gia...

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong thời gian vừa qua, ngành du lịch đã tăng cường quảng bá du lịch MICE và chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE đến các công ty lữ hành, sự kiện trong nước và quốc tế tại các hội chợ, sự kiện du lịch. Bà Hạnh cũng như đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng đã trực tiếp làm việc với Câu lạc bộ MICE Việt Nam, các doanh nghiệp MICE lớn tại Hà Nội và TPHCM để cập nhật về Chương trình xúc tiến thu hút khách MICE đến Đà Nẵng trong năm 2024 với mục tiêu thu hút nhiều khách MICE hơn năm ngoái (163 đoàn khách với 45.344 lượt khách du lịch MICE nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng năm 2023).

Một đoàn khách tham gia tour du lịch MICE tại Đà Nẵng. Ảnh: TL

“Theo tôi, du lịch Đà Nẵng đang có cơ cấu lượng khách du lịch tốt. Chúng ta có các đối tượng khách đa dạng, từ cặp đôi, gia đình đến những đối tượng du lịch theo nhóm lớn”, ông Andre Pierre Gentzsch, Tổng giám đốc vận hành Quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng, cho biết.

Ông cũng chia sẻ việc chính quyền và ngành du lịch địa phương đang tích cực quảng bá Đà Nẵng theo hướng du lịch MICE là một động thái tốt, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông, để nắm bắt cơ hội này tốt hơn, cần có nhiều thương hiệu 5 sao, sang trọng và những sự kiện quốc tế được phát triển và thu hút trong tương lai.

Được biết, Quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng đang phát triển kết hợp phát triển du lịch MICE và trải nghiệm dành cho khách. Cụ thể, khách dự hội nghị tại Ariyana có thể lưu trú tại Furama để nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa địa phương.

“Chúng tôi đang tập trung phát triển bền vững, gắn liền với phát triển văn hóa di sản, bảo tồn văn hóa Việt Nam”, ông Gentzsch nói và chia sẻ thêm Furama dự kiến sẽ khai trương một không gian văn hóa, di sản mới. Đó là tái dựng lại nguyên bản một ngôi nhà cổ từ phía bắc Việt Nam – SaPa, với các nhân viên là người dân tộc thiểu số tại Việt Nam. “Bên cạnh đó, chúng tôi đưa vào sử dụng nhà máy nước và nuôi một đàn chim công phục vụ du khách”, ông nói và cho hay đây là những nỗ lực của tất cả thành viên để cam kết mang lại cho du khách những trải nghiệm du lịch thú vị, gắn liền với thiên nhiên, trở thành khu nghỉ dưỡng xanh, bền vững, và giàu yếu tố văn hóa bản địa, văn hóa Việt Nam.

Ý tưởng kết hợp tại Furama, ở khía cạnh nào đó, có thể ứng dụng ở quy mô rộng hơn ở cả ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Đó là khách đến Đà Nẵng tham gia du lịch MICE, dự hội nghị, sự kiện quy mô lớn, sau đó chia thành nhiều nhóm nhỏ tham quan du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và sinh thái tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Và để điều này có thể thành hiện thực, ngành du lịch và doanh nghiệp tại các địa phương này cần có những hành động hợp tác cụ thể dựa trên tình hình thực tiễn và những cam kết hợp tác đã được ký nhiều lần trong gần 20 năm qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới