Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TS. Nguyễn Quốc Việt: Doanh nghiệp ‘thoát khó’ khi các loại thị trường hiệu quả

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Việt Nam phải thiết kế được những chính sách trung và dài hạn để thúc đẩy được tính hiệu quả của các loại thị trường, gồm thị trường sản xuất, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính và thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Giảm thuế VAT - mũi tên trúng nhiều đích

KTSG: “Báo cáo quí 1-2024 Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà phát triển” chỉ ra một nghịch lý, trong khi doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay rời khỏi thị trường tăng kỷ lục, lợi nhuận của ngân hàng vẫn rất cao. Thưa ông, hiện tượng lệch pha giữa thị trường tín dụng và thị trường sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam có thể được lý giải như thế nào? Điều này có thể khắc phục ra sao?

- TS. Nguyễn Quốc Việt: Từ góc độ ngân hàng, nếu ngân hàng lựa chọn khẩu vị rủi ro cao hơn trong hoạt động cho vay, ngân hàng sẽ phải đáp ứng các quy định về trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ tương ứng để đảm bảo an toàn vốn. Như báo cáo của chúng tôi đã đưa ra, biên lợi nhuận (Net Interest Margin - NIM) của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thấp hơn nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Lý do là bởi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước uy tín hơn, có những lợi thế nhất định trong việc lựa chọn các doanh nghiệp, dự án an toàn, chắc chắn hơn để cấp tín dụng. Trong khi đó, việc nâng tỷ lệ biên lợi nhuận lên giúp các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đảm bảo lợi nhuận thu được bù đắp cho các rủi ro phải gánh.

Trong trường hợp nhận định nêu trên nhận được sự đồng thuận hoàn toàn, việc biên lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn, khi so sánh giữa các nhóm ngân hàng thương mại trong nền kinh tế và so sánh với thông lệ quốc tế, chứng tỏ thị trường tài chính đang hoạt động chưa hiệu quả. Lời giải cho vấn đề cũng nằm ở điểm này.

Nhìn vào bức tranh chung của thị trường tài chính, một là chúng ta dựa chủ yếu vào tín dụng với tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam liên tục tăng, năm 2023 ở mức khoảng 133% GDP.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không vững chắc, gây ra những đổ vỡ và nguy cơ nợ xấu dẫn đến tình trạng đóng băng trong một khoảng thời gian rồi phát triển một cách èo uột từ năm 2022.

Những vấn đề của thị trường chứng khoán đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa được xử lý, chỉ số VN-Index loanh quanh ở mức dưới 1.300 điểm không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế Việt Nam, thường xuyên rung lắc và có những phiên điều chỉnh mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhà đầu tư.

Trong khi đó, các nguồn tín dụng xanh, đáng lẽ phải được kích hoạt và thúc đẩy mạnh hơn cho các mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì dừng lại ở tỷ trọng rất nhỏ bé, khoảng 4,4% dư nợ toàn nền kinh tế tính tới cuối tháng 9-2023. Các nghiệp vụ mà thế giới đã dùng rất lâu như cho thuê tài chính chỉ đạt khoảng 0,33% tổng dư nợ tại thị trường tài chính Việt Nam.

Việt Nam phải có một tư duy dài hạn hơn trong việc nâng cao tính hiệu quả của các loại thị trường, trong đó có thị trường tài chính. Giải được bài toán này, chúng ta sẽ đồng thời giải quyết bài toán tiếp cận vốn và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

KTSG: Hiện tại, bức tranh doanh nghiệp tương đối ảm đạm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn, tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp có xu hướng thấp đi, nội lực doanh nghiệp vẫn còn yếu... Vẫn cần có những giải pháp trong ngắn hạn và trung hạn như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tăng tổng cầu thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)... Quan điểm của ông như thế nào?

- Về tiếp cận tín dụng, rất nhiều chuyên gia đánh giá rằng, nguồn tín dụng với mức lãi suất phù hợp đã có. Vấn đề là các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Vì vậy, việc kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN tới hết năm 2024 là một giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để tiếp cận được các khoản vay mới. Ngoài ra, vẫn cần duy trì hoạt động thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay, khơi thông khả năng tiếp cận dòng vốn giá rẻ cho doanh nghiệp.

Việc giảm thuế VAT là một mũi tên trúng nhiều đích. Ngoài mục tiêu có thể nhìn thấy ngay là kích cầu tiêu dùng nội địa, việc giảm thuế VAT giúp tăng niềm tin vào sự phục hồi của sản xuất kinh doanh, do đó, thúc đẩy động lực đầu tư của doanh nghiệp. Đối với mục tiêu vĩ mô, việc giảm thuế VAT sẽ giảm áp lực lạm phát nếu có trong tương lai. Trong mọi trường hợp, nếu xuất hiện rủi ro vĩ mô ảnh hưởng lớn đến các cán cân lớn như lạm phát, mọi thành quả trong hỗ trợ tăng trưởng sẽ rất khó duy trì.

Cuối cùng, với những đối tượng thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp, thu nhập phần lớn để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, đi lại..., cầu co giãn không thay đổi nhiều nên nếu các mặt hàng này tăng giá, họ vẫn buộc phải chi tiêu. Giảm thuế VAT sẽ giúp giảm thiểu khó khăn cho họ.

Vậy nhưng, tác động của chính sách tài khóa có những giới hạn, chẳng hạn, khi niềm tin tiêu dùng và đầu tư còn mong manh, dù giảm thuế VAT, người dân vẫn thắt lưng buộc bụng. Hay khi doanh nghiệp không có doanh thu và lợi nhuận, các chính sách giảm thuế không có nhiều ý nghĩa với họ. Đó là một vòng xoáy mà đáp án cuối cùng vẫn là những giải pháp hỗ trợ cho các loại thị trường trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đang cung ứng những sản phẩm xanh, phù hợp với xu hướng của các thị trường khó tính. Vấn đề của họ là làm sao tăng được cầu tiêu dùng, để ít nhất họ có thể đầu tư với quy mô đủ lớn để hạ giá thành. Nếu chính sách kích cầu hướng vào những sản phẩm, dịch vụ cụ thể theo các chiến lược của nền kinh tế thông qua các biện pháp trợ giá phù hợp với thông lệ quốc tế và không vi phạm các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia hoặc thông qua ưu đãi tín dụng..., sẽ giúp củng cố niềm tin thị trường, kích hoạt sản xuất, đồng thời làm tăng tính hiệu quả của các loại thị trường.

Lời giải chung

KTSG: Không chỉ vấn đề tín dụng, nhiều nghịch lý khác đang tồn tại như doanh nghiệp tư nhân nội địa bị lép vế ngay trên sân nhà bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hàng hóa nội địa bị chèn ép khốc liệt bởi hàng hóa ngoại nhập ở tất cả các phân khúc. Với những nghịch lý này, chúng ta nên nhìn nhận như thế nào?

- Theo tôi, đây vẫn là câu chuyện phát triển các loại thị trường. Khi thị trường sản xuất chưa hiệu quả, chúng ta lại đẩy mạnh thương mại điện tử. Kết quả là thị trường Việt Nam trở thành “miếng mồi ngon” cho hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc, vốn có các loại thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trong thị trường sản xuất, ưu thế về quy mô sản xuất, được hỗ trợ bởi thị trường tín dụng, các thể chế, chính sách đồng bộ khiến năng lực cạnh tranh tăng cao, giá thành sản xuất giảm. Bên cạnh đó, hàng hóa Trung Quốc vẫn luôn bị đặt nghi vấn đang có sự trợ giá từ chính phủ nước này.

Trở lại vấn đề của Việt Nam, muốn đi lên thương mại điện tử, thị trường sản xuất phải đi trước. Đồng thời, chúng ta cũng phải có các giải pháp hữu hiệu để phát hiện và tìm ra biện pháp chống lại các loại hàng hóa nhập khẩu được trợ giá từ Trung Quốc cũng như các nước khác.

Tương tự với các doanh nghiệp FDI. Không chỉ hình thành được những chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ngay cả những doanh nghiệp lớn như Amazon, Google, Apple..., dù không đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam nhưng đặt hàng từ các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ các thị trường liên quan tới nhóm doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hơn nên các doanh nghiệp FDI đạt hiệu suất và năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Vậy nên Việt Nam phải thiết kế được những chính sách trung và dài hạn để thúc đẩy được tính hiệu quả của các loại thị trường, gồm thị trường sản xuất, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Khi các loại thị trường đã hoạt động hiệu quả, mối quan hệ cung - cầu của nền kinh tế sẽ tự động được điều hòa và khó khăn của doanh nghiệp sẽ được hóa giải.

KTSG: Thưa ông, nếu sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp không được cải thiện, tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

- Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Để nền kinh tế phát triển ổn định, có tính chống chịu, doanh nghiệp phải vươn lên cả về quy mô lẫn về nội lực, để chịu đựng và vượt qua các sóng gió, tồn tại được hàng trăm năm, chứ không phải cứ khó khăn là giải thể như hiện nay. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng năng suất, đổi mới sáng tạo. Nguồn lực dành cho các mục tiêu này chỉ có được khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, thu nhập xã hội tăng, tiết kiệm trong dân cư dư dả, từ đó tạo niềm tin để vốn xã hội đầu tư ngược lại cho khu vực doanh nghiệp.

Rõ ràng, vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp không chỉ tác động trực tiếp đến tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn gắn với tiêu chí và chất lượng tăng trưởng trong dài hạn. Bức tranh doanh nghiệp có nhiều màu tươi sáng thì toàn nền kinh tế cũng sẽ thuận lợi, ổn định.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới