Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm nhân thọ: Làm gì để người dân không quay lưng?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, với những quy định và giải pháp yêu cầu sự trung thực và minh bạch từ bên mua và bên bán, sẽ giúp người dân tin tưởng, bớt lo ngại về rủi ro khi mua sản phẩm này.

Những vấn đề hậu khủng hoảng “bán bảo hiểm qua ngân hàng”

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là một sản phẩm mang tính nhân văn cao, với vai trò hỗ trợ người dân, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, những kiện cáo, tranh chấp giữa bên mua và bên bán, khiến dư luận không khỏi nghi ngại với sản phẩm này thời gian qua.

Số liệu từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho thấy khoảng 3,39 triệu hợp đồng BHNT rơi vào tình trạng mất hiệu lực trong năm 2023, với một phần không nhỏ là sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua kênh ngân hàng (Bancansurace). Kết luận thanh tra với bốn các doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng qua kênh bancansurace nhiều nhất.

Nhiều ngân hàng chấp nhận đánh đổi thương hiệu, uy tín để ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay. Ảnh: N.K

Trong đó, tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sau năm đầu tiên của BIDV Metlife ở mức 39,4%, của MB Ageas 32,4%, của Prudential 41%, của Sunlife từ 39-73% (tùy theo ngân hàng phát hành hợp đồng).

Với AIA Việt Nam, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với hợp đồng bảo hiểm khai thác qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 43%, tương ứng với tỉ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 57%.

Số lượng hợp đồng mất hiệu lực tăng khiến doanh thu phí bảo hiểm liên tiếp giảm từ quí 2-2023 đến nay. Năm 2023, doanh thu phí BHNT gần 156.000 tỉ đồng, giảm 12,5%. Với quí 1-2024, doanh thu phí bảo hiểm 53.300 tỉ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trần Nguyên Đán, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho biết, số lượng hợp đồng còn hiệu lực sụt giảm xuất phát từ hai nguyên nhân, gồm: hợp đồng đến kỳ đáo hạn; hợp đồng do khách hàng hủy, không đóng tiếp.

Với bên mua là khách hàng, số phí bảo hiểm bị hao phí là số tiền họ đã đóng để tham gia BHNT, dù không có nhu cầu tham gia. Về lâu dài, nếu khách hàng quên khai báo hợp đồng mất hiệu lực, sẽ đối mặt với nguy cơ vi phạm quy định kê khai thông tin của ngành bảo hiểm.

Với bên bán là doanh nghiệp BHNT, thiệt hại cũng không nhỏ với số tiền ở mức tối thiểu bằng 60% giá trị hợp đồng. Đây là số tiền doanh nghiệp bảo hiểm dùng để tạm ứng chi phí kinh doanh bảo hiểm. Tới khi các hợp đồng BHNT bị mất hiệu lực, doanh nghiệp phải ghi nhận khoản chi phí này ngay lập tức và không thu hồi được.

Bên cạnh tổn thất tài chính, ông Đán cho rằng tổn thất lớn nhất với thị trường là niềm tin, vì không thể đo đếm được. Với việc hàng triệu hợp đồng BHNT mất hiệu lực, trong bối cảnh nhiều đơn vị lựa chọn mô hình triển khai BHNT theo hướng chi phí khai thác năm đầu lớn để thu phí dài hạn những năm tiếp theo, thì cả bên bán và bên mua đều chịu thiệt hại ở mức độ khác nhau.

Tương tự, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, sau một vài vụ việc xảy ra giai đoạn 2022-2023, niềm tin của khách hàng với sản phẩm và đơn vị phân phối BHNT sụt giảm, dẫn tới quyết định hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thực tế, trong 2-3 năm đầu ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng hủy hợp đồng gần như sẽ không nhận lại khoản phí đã đóng.

Dẫn chứng sự việc xảy ra tại Manulife Việt Nam, vị này cho biết doanh nghiệp đã hợp tác với KPMG và một số đơn vị khác thực hiện xác minh từng hồ sơ, khiếu nại - là cơ sơ để hoàn phí cho tất cả trường hợp khách hàng cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc bị đại lý bảo hiểm tư vấn sai.

Bối cảnh khó khăn, suy giảm niềm tin trên thị trường BHNT cũng khiến các ngân hàng thận trọng hơn với mảng kinh doanh này.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, dự báo nguồn thu từ bancansurace của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định trước những quy định mới, theo hướng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, không được tiếp xúc với khách hàng trước và sau 60 ngày, thậm chí 6 tháng, tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay; không được phép bán kèm sản phẩm bảo hiểm trên sản phẩm cho vay, mà chỉ được bán trên sản phẩm huy động; phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu trữ thông tin.

Cũng theo vị này, bancansurace chỉ mang lại lợi nhuận khi khách hàng của ngân hàng thực hiện tái tục bảo hiểm lần hai hoặc lần ba. Đồng thời phụ thuộc vào thoả thuận về chi phí ban đầu (upfront) – phí trả trước để thuê kênh bán - giữa công ty bảo hiểm và đại lý tổ chức trong hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền.

“Một số đại lý tổ chức tưởng rằng thu được rất nhiều từ phí ban đầu, nhưng nếu không bảo đảm tỷ lệ tái tục hàng năm sẽ phải trả lại cho công ty bảo hiểm”, ông Linh nói với phóng viên bên lề cuộc họp ĐHĐCĐ 2024 của MSB.

Thực tế, dù kinh doanh theo mô hình nào, công ty bảo hiểm thường trả ngay một khoản phí upfront, với giá trị từ hàng nghìn đến trăm triệu đô la Mỹ cho ngân hàng. Đây được coi là chi phí ban đầu để ngân hàng thiết lập hệ thống, đào tạo nhân viên bán chéo. Khoản phí upfront này, theo nhà bảo hiểm, tương đương 3-5% doanh thu bán chéo dự kiến trong thời gian hợp tác.

Bên cạnh đó, ngân hàng được hưởng hoa hồng tính theo mức phí bảo hiểm khách hàng đóng vào trong năm đầu. Khách hàng đóng phí bảo hiểm năm đầu càng cao, nhà băng càng có nhiều thu nhập. Do đó, họ tìm cách khai thác triệt để tệp khách vay và gửi tiền.

Bảo hiểm nhân thọ phải thực sự minh bạch

Thực tế, tại kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của AIA Việt Nam công bố gần đây và một số công ty bảo hiểm nhân thọ khác đều có những ‘lỗi’ tương tự nhau.

Cụ thể, có các cá nhân thuộc đại lý tổ chức không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi thực hiện hoạt động đại lý, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư; hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung chưa thực hiện đầy đủ theo quy định do công ty ban hành; ban hành chương trình khuyến mãi với nội dung không phù hợp với quy định pháp luật; hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng theo quy định…

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, đánh giá thị trường đã xuất hiện sự mất cân đối nghiêm trọng với một số khách hàng, thể hiện ở quyền lợi của họ không giống như những gì họ hiểu và kỳ vọng.

Vị này cho rằng ngành BHNT chỉ có thể phát triển bền vững nếu lợi ích của ba nhà, gồm nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm, khách hàng được duy trì ở mức cân đối, chấp nhận được.

Còn ông Trần Nguyên Đán mong muốn các cơ quan quản lý phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thay vì thực hiện thanh tra đơn thuần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay hoạt động tư vấn của đại lý, bởi sau các vụ việc vừa qua, điều khách hàng mong mỏi nhất là có lại được sự công bằng.

“Cần tiến hành thanh, kiểm tra mọi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ngưng đóng phí năm thứ hai nếu phát hiện rơi vào trường hợp bị ép, có thể yêu cầu ngân hàng hoàn trả toàn bộ phí bảo hiểm của khách đã tham gia”, ông Đán nhấn mạnh.

Để nắm được mức thiệt hại cụ thể, vị này cho rằng cần xác định rõ có bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy do bán sai nhu cầu, sai sản phẩm. Với mục tiêu này, cần có một cuộc điều tra sâu rộng nhằm làm rõ các sai phạm, tránh việc doanh nghiệp bảo hiểm phản hồi rằng “việc tham gia bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện vì khách hàng đã ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm”.

“Nếu phát hiện ra hành vi bán hàng sai trái, bán hàng cho khách hàng không có nhu cầu thì phải xử lý thật mạnh tay, với các mức phạt tính bằng tỷ lệ doanh thu, chứ không chỉ là một vài trăm triệu đồng như quy định hiện nay để tăng tính răn đe, đảm bảo thượng tôn pháp luật”, ông Đán đề xuất.

Với các doanh nghiệp BHNT, vị này khuyến nghị cần nhìn lại phương thức kinh doanh của mình, chỉnh những kênh phân phối yếu kém, thể hiện ở tỷ lệ tái tục năm thứ hai thấp. Cụ thể, phải xây dựng đội ngũ có khả năng tư vấn cho khách hàng dựa trên kiến thức, thay vì thao túng cảm xúc khách hàng.

Ngoài ra, cần có chính sách thù lao tốt cho các đại lý trực tiếp bán hàng, quá đó hỗ trợ đại lý giỏi để họ trở thành đại lý toàn thời gian và chuyên nghiệp – thay vì tập tủng chi trả cho nhiều tầng quản lý.

Với khách hàng tham gia bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng khuyến nghị các bên liên quan cần xác minh kỹ lưỡng các trường hợp khiếu nại, đề nghị hoàn phí hợp đồng, tránh các trường “tát nước theo mưa”.

“Nhiều khách hàng không hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm nên bị chèo kéo, nhưng cũng có trường hợp được chi trả quyền lợi tới 2-3 lần vẫn thông tin với truyền thông là không biết gì nên bị lừa”, ông Dũng nói và mong muốn các cơ quan thông tấn hợp tác, đưa tin đầy đủ và kịp thời, tránh để người dân hiểu sai về ngành bảo hiểm hoặc chịu tác động tiêu cực từ tâm lý đám đông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới