(KTSG Online) – Việc nâng lãi suất cầm cố giấy tờ có giá (OMO) có thể giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong những phiên gần đây, tỷ giá đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục chạm trần
- Thanh khoản phân hóa – nhà điều hành tay bơm tay hút trên OMO
- Toàn bộ lượng tiền hơn 360.000 tỉ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống
TTXVN đưa tin, ngày 22-5, Ngân hàng Nhà nước thông báo về kết quả đấu thầu thị trường mở với lãi suất lên tới 4,5%/năm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỉ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm.
So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp hơn 9 lần và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm. Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO trong vòng một tháng qua.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4% lên 4,25%/năm trong phiên 23-4.
Cũng trong phiên 22-5, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỉ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.
Theo các chuyên gia việc nâng lãi suất OMO cũng có thể giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong những phiên gần đây, tỷ giá đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục chạm trần.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO được đánh giá là nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - tiền đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng.