Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa trước khi thành luật

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có những điều luật sau khi được thông qua, bắt đầu có hiệu lực lại nảy sinh những bất cập. Lúc đó lại phải trải qua một quy trình chỉnh sửa, bổ sung khá nhiêu khê, có lúc phải bằng một đạo luật mới.

Lấy ví dụ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 không quy định thông tin nơi sinh trong giấy tờ xuất nhập cảnh, trong đó có hộ chiếu phổ thông. Chiếu theo điều này, hộ chiếu mẫu mới không ghi nơi sinh và hệ quả một số nước châu Âu đã tạm dừng cấp thị thực vào các mẫu hộ chiếu mới này do không ghi thông tin nơi sinh của người mang hộ chiếu.

Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 76/2022/QH15 đồng ý bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu cấp cho công dân và sau đó thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh nhằm chính thức hóa việc bổ sung này.

Những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật nảy sinh sau khi triển khai như thế cũng có thể do chưa lường hết thực tế đa dạng, phong phú của cuộc sống. Như khi triển khai thực hiện Nghị quyết 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã nảy sinh nhiều vấn đề trong đó gây chú ý rộng rãi là cách đặt tên các địa phương sau sáp nhập. Nếu lường trước thực tế này để đưa ra các phương pháp, tiêu chí rõ ràng cho việc đặt tên, có lẽ chúng ta đã tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian.

Với Luật Nhà giáo đang ở dạng dự thảo, có thể tiết kiệm được công sức, thời gian và cả tiền bạc nữa nếu luật quy định rõ các nhà giáo từng tốt nghiệp từ các trường sư phạm, kể cả sinh viên tốt nghiệp sau ngày luật có hiệu lực thì đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề và chỉ cần đăng ký để nhận chứng chỉ. Việc phải trải qua kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề nhà giáo chỉ áp dụng cho những người muốn tham gia giảng dạy có bằng cấp chuyên môn nhưng chưa được đào tạo qua trường lớp sư phạm.

Việc quy định như thế trong Luật Nhà giáo sẽ giảm một dạng giấy phép con cho các thầy giáo, cô giáo mà đồng thời vẫn duy trì được yêu cầu cần có chứng chỉ hành nghề đối với một dạng nghề nghiệp có tác dụng lớn tới thế hệ trẻ. Còn quy định như dự thảo hiện nay, các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường cần phải “đạt chuẩn nhà giáo”; các nhà giáo được tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực thi hành phải đạt yêu cầu của “kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo”.

Thử hình dung hàng triệu nhà giáo đang giảng dạy phải trải qua những công đoạn gì để được công nhận đạt chuẩn nhà giáo? Theo luật, chuẩn nhà giáo vừa bao gồm các phẩm chất, đạo đức vừa có cả trình độ đào tạo, bồi dưỡng, lại có cả năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Không lẽ phải có những hội đồng xét đạo đức nhà giáo trước khi cấp chứng chỉ hành nghề cho họ.

Ở mức đơn giản nhất, khi luật liệt kê các tiêu chuẩn làm nên chuẩn nhà giáo có bao gồm “sức khỏe” thì không lẽ thi hành luật, hàng triệu thầy giáo, cô giáo phải đi khám sức khỏe trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề?

Hiện nay trong quy trình làm luật có phần đánh giá tác động của chính sách. Nếu làm tốt phần này, đặt mình vào vị thế của những đối tượng chịu ảnh hưởng của luật, lường hết các tình huống thực tế có thể diễn ra, khi đó luật mới đi vào cuộc sống suôn sẻ, không cần phải sửa đổi, bổ sung liên tục hay ngay sau khi ra đời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới