(KTSG Online) - Hôm 31-5, COFCO International, tập đoàn kinh doanh nông sản hàng đầu của Trung Quốc tiếp nhận lô hàng nhập khẩu đậu nành đầu tiên được xác minh không liên quan đến phá rừng. Các nhà quan sát trong ngành nhận định, diễn biến này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với một thị trường lớn lâu nay ưu tiên giá cả hơn tính bền vững trong nhập khẩu nông sản.
Tìm nguồn cung ứng xanh hơn
Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Nước này mua nhiều mặt hàng nông nghiệp như đậu nành và thịt bò, nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh chậm trễ hơn so với các nước phương Tây trong việc đặt ra các quy định yêu cầu các nông sản nhập khẩu, gồm dầu cọ không được sản xuất từ những khu đất liên quan đến nạn phá rừng hoặc làm phá vỡ môi trường sống tự nhiên.
Reuters trích đẫn các nguồn thạo tin cho biết, điều đó đang dần thay đổi, thể hiện bằng việc COFCO International cùng hai công ty sữa Mengniu Dairy và Yili Group trong năm qua yêu cầu các nhà cung cấp và nhà tư vấn về đơn hàng đậu nành bền vững.
Khối lượng các đơn hàng này vẫn rất nhỏ trong tổng sức mua đậu nành của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái tìm nguồn cung ứng xanh hơn rất đáng chú ý.
Sự tham gia của COFCO International, doanh nghiệp đã tiếp nhận lô hàng đậu nành bền vững 50.000 tấn trị giá 30 triệu đô la Mỹ ở cảng Thiên Tân hôm 31-5 để cung cấp cho Modern Farming Group, công ty con của Mengniu Dairy, cũng gửi tín hiệu về ý định của Bắc Kinh.
Lô hàng đậu nành này đến từ Brazil, lần đầu tiên có chứng nhận không phá rừng và hoặc làm chuyển đổi rừng (DCF) đối với một đơn đặt hàng hạt có dầu từ Trung Quốc.
“Hoạt động mua hàng nông sản của Trung Quốc đang thay đổi, hướng tới các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn”, một nhà môi giới ở Singapore nói.
Một nhà quản lý của một công ty thương mại toàn cầu cho biết, một số công ty Trung Quốc đã số sắng tìm mua đậu nành không liên quan đến phá rừng và dầu thực vật được sản xuất thân thiện với môi trường hơn kể từ năm ngoái.
“Ngành kinh doanh của chúng tôi phải hành động để giúp củng cố hệ thống thực phẩm và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường”, Wei Dong, CEO của COFCO International cho biết trong một tuyên bố.
Lô hàng trên là một dự án thí điểm do Liên minh Rừng nhiệt đới (TRA) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thúc đẩy nhằm hạn chế nạn phá rừng để xuất sản các mặt nông nghiệp xuất khẩu.
Jack Hurd, giám đốc cấp cao của TRA cho rằng, sự nhập cuộc của COFCO International sẽ kích thích nhiều nhu cầu hơn của Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Áp lực từ giới chức trách và nhà đầu tư
Trong khi những nỗ lực phát triển bền vững ở phương Tây thường được thúc đẩy bởi người tiêu dùng thì sự thay đổi của Trung Quốc lại được kích hoạt bởi các tín hiệu chính trị cũng như áp lực của nhà đầu tư.
Năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc, sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Trong một thỏa thuận năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ cho biết, hai bên sẽ hợp tác để hạn chế tình trạng mất rừng.
Quy định mới của các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc cũng yêu cầu, bắt đầu từ năm 2026, các công ty đại chúng phải tiết lộ thông tin ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Các nhà phân tích nhận định điều này đang gây sức ép khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản phải chú ý đến các sản phẩm bền vững.
Trong khi đó, Liên châu Âu sắp thực thi Quy định về các sản phẩm không phá rừng (EUDR), cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất chúng gây mất rừng. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang nông sản bền vững.
Năm 2023, Mengniu Dairy cam kết xây dựng chuỗi cung ứng không phá rừng vào năm 2030. Công ty cũng tham gia Hội nghị bàn tròn về dầu cọ bền vững (RSPO) trong năm nay. Yili Group có mục tiêu tương tự đối với nguồn cung đậu nành, dầu cọ, bột giấy và giấy đồng thời sẽ tăng lượng mua dầu cọ được chứng nhận RSPO thêm 50 tấn hàng năm kể năm 2024 để đạt 650 tấn vào năm 2030.
Một nhà sản xuất dầu cọ ở Indonesia cho biết, các nhà nhập khẩu củaTrung Quốc sẽ sớm yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn đối với dầu cọ của Indonesia.
“Họ đang chú ý hơn đến tính bền vững, không giống như trước đây khi giá cả là yếu tố duy nhất họ chú trọng”, nhà sản xuất này nói.
Trong khi đó, COFCO International đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng chuỗi cung ứng đậu nành không phá rừng ở các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái ở Mỹ Latinh, trong đó có rừng nhiệt đới Amazon. Tập đoàn này cũng có kế hoạch tương tự cho chuỗi cung ứng cà phê và dầu cọ bền vững.
Hồi tháng 1, COFCO International đã ký một biên bản ghi nhớ với hãng sữa hữu cơ China Shengmu Organic Milk để cung cấp 12.000 tấn đậu nành có chứng nhận DCF từ Brazil.
Theo người đứng đầu văn phòng của RSPO ở Trung Quốc, Fang Lifeng, nhu cầu của Trung Quốc về dầu cọ bền vững được chứng nhận DCF, ban đầu được thúc đẩy bởi các công ty đa quốc gia như L'Oreal và Unilever. Hiện tại, các công ty của Trung Quốc đang dẫn dắt nhu cầu.
Dù vậy, nhu cầu dầu cọ và đậu nành bền vững mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc. Năm ngoái, nước này nhập khẩu 4,3 triệu tấn dầu cọ và 99,4 triệu tấn đậu nành.
Chi phí vẫn là một yếu tố ngăn cản nhu cầu nông sản bền vững phát triển nhanh. Đậu nành có chứng nhận DCF có thể đắt hơn từ 2-10 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, dầu cọ được RSPO chứng nhận có thể đắt hơn 15 đô la Mỹ/ tấn so với dầu cọ thông thường.
Một thương nhân của một công ty thương mại quốc tế đang điều hành các nhà máy chế biến đậu nành ở Trung Quốc cho biết, khối lượng đậu nành bền vững thậm chí sẽ chưa tới 1% lượng nhập khẩu hàng năm. Dù vậy, người này cho rằng áp lực từ các nhà tài trợ thương mại có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu đậu nành Trung Quốc tìm kiếm thêm nguồn cung bền vững.
Theo Reuters