(KTSG Online) - Sản phẩm bị điều tra là pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010, và 8541.43.0010. Biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,28%.
- Vốn ngoại ồ ạt ‘rót’ vào tấm pin năng lượng mặt trời và những tác động trái chiều
- Mỹ áp thuế phạt với pin mặt trời của Trung Quốc hoàn thiện ở Đông Nam Á
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Mã vụ việc: A-552-841 (chống bán phá giá) và C-552-842 (chống trợ cấp).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010 và 8541.43.0010. Nguyên đơn từ Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất pin năng lượng mặt trời Mỹ.
Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp bởi nguyên đơn cáo buộc khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá và được trợ cấp. Ngày khởi xướng điều tra là 14-5-2024 và thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ 1-10-2023 đến 31-3-2024; chống trợ cấp từ 1-1 đến 31-12-2023.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,28%. Đây là mức cao nhất trong bốn nước bị cáo buộc gồm Campuchia (125,37%), Malaysia (81,22%), Thái Lan (70,36%).
Do Mỹ vẫn coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề xuất quốc gia thay thế là Indonesia.
Đáng lưu ý, DOC cho rằng đơn yêu cầu của nguyên đơn đã đủ căn cứ để khởi xướng điều tra với 31 chương trình trợ cấp đã được cáo buộc. Cụ thể, gồm các nhóm các chương trình cho vay; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu; chương trình tài trợ; nhóm các chương trình ưu đãi tiền thuê đất; cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi; chương trình hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Trung Quốc trong Sáng kiến Một vành đai - Một con đường và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc với giá thấp hơn giá trị thông thường.
Các mốc thời gian chính (có thể được gia hạn) đối với vụ việc chống bán phá giá gồm DOC khởi xướng điều tra vào ngày 14-5-2024; ban hành kết luận sơ bộ ngày 1-10-2024. DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng ngày 16-12-2024 và ban hành biện pháp áp dụng ngày 6-12-2025.
Đối với vụ việc chống trợ cấp, DOC khởi xướng điều tra ngày 14-5-2024, ban hành kết luận sơ bộ ngày 18-7-2024. DOC ban hành kết luận cuối cùng ngày 1-10-2024 và ban hành biện pháp áp dụng ngày 22-11-2024.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Mỹ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao nhất cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần đăng ký tài khoản ACESS (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới Cơ quan điều tra Mỹ; thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.