Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thu nhập đầu tư của người Mỹ tăng, đẩy mức chi tiêu lên cao

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhờ thu nhập đầu tư cao kỷ lục từ cổ phiếu và trái phiếu chính phủ tăng mạnh, hàng triệu người Mỹ vẫn có thể thoải mái chi tiêu trong thời kỳ lạm phát cao. Tuy nhiên, mức tiêu dùng mạnh mẽ có thể gây khó khăn cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát.

Thu nhập đầu tư của người Mỹ tăng lên, tạo ra dòng tiền mặt chảy ngược vào các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn. Ảnh: WSJ

Lạm phát không phải là vấn đề với người Mỹ có thu nhập đầu tư

Lynn Hogan và chồng, sống ở vùng ngoại ô của thành phố Decatur, bang Georgia (Mỹ), tự gọi đùa rằng họ là những “chú rùa” vì đầu tư thận trọng và tuân thủ kỷ luật trong nhiều thập niên.

Trong môi trường lạm phát cao hiện nay, các chuyến du lịch trở nên đắt đỏ hơn và hóa đơn hàng tạp hóa trị giá 200 đô la trong mỗi chuyến mua sắm không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, đôi vợ chồng giáo viên đã nghỉ hưu này nằm trong số những người tiêu dùng Mỹ đủ khả năng chống chọi giá cả leo thang.

Lợi nhuận từ các khoản đầu tư chậm và ổn định, bao gồm cả cổ tức từ cổ phiếu, cho phép họ trang trải học phí cho cô con gái đang theo học trường thú y. Hogan cho biết, lạm phát không phải là vấn đề lớn đối với bà.

Thu nhập từ đầu tư và tài sản hộ gia đình ngày càng tăng, cùng với thị trường việc làm sôi động và tiền lương tăng cao giúp hàng triệu người Mỹ như gia đình của bà Hogan tiếp tục chi tiêu như bình thường trong thời kỳ giá cả tăng vọt.

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ nhờ lãi suất cao hơn đang rót những khoản tiền lớn chưa từng có vào túi người tiêu dùng, đẩy giá cả các tài sản của Mỹ bao gồm chứng khoán lên mức cao kỷ lục. Giá trị tài sản tăng mạnh giúp nhiều người có thu nhập cao tránh được tác động tiêu cực của lạm phát.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong quí đâu tiên, người Mỹ kiếm được khoảng 3,7 nghìn tỉ đô la từ tiền lãi và cổ tức, tăng khoảng 770 tỉ đô la so với cùng kỳ của 4 năm trước đó. Trong quí cuối cùng của năm 2023, tài sản nắm giữ bằng cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác như lương hưu của người Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Nhưng thu nhập đầu tư cao cũng có thể tạo ra bất lợi tiềm ẩn. James Marple, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng TD Bank, cho rằng khả năng người Mỹ chi nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ “sẽ khiến Fed khó đạt được mục tiêu lạm phát hơn”.

Dữ liệu liên bang cho thấy mức tăng lương và tài sản của người Mỹ trong những năm gần đây trải dài ở mọi nhóm thu nhập. Tính theo đồng đô la, người da trắng, người có thu nhập cao, người có trình độ đại học và thế hệ “bùng nổ trẻ em” (những người sinh ra từ năm 1946 đến 1964) kiếm được lợi nhuận lớn vượt trội nhờ sở hữu các tài sản như nhà cửa và cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao sẽ làm xói mòn lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai và kìm hãm giá cổ phiếu của họ. Thay vào đó, cơn sốt đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) đã đẩy các chỉ số chứng khoán của Mỹ lên cao kỷ lục khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ, nhà sản xuất chip và thậm chí cả công ty điện lực tăng vọt. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ trong tuần qua nhưng Phố Wall vẫn đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất trong năm nay, giúp thị trường chứng khoán còn tăng tiếp.

“Điều đó làm phức tạp mọi thứ”, Marple của TD Bank nói.

Hiệu ứng tài sản tăng giá giúp thúc đẩy tiêu dùng

Các nhà kinh tế vẫn bất đồng về giả thuyết “hiệu ứng tài sản”, trong đó giá tài sản tăng, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu, cũng như tác động đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế trong bao lâu.

Nhưng trong thời kỳ lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ ở mức cao, nhiều khoản đầu tư của người Mỹ cũng đang tạo ra dòng tiền mặt có thể chảy ngược vào nền kinh tế thông qua chi tiêu ở các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng.

Victor Hernandez, chuyên gia bán hàng công nghệ ở Nam California, tăng mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trong những tháng gần đây để có được những khoản lợi nhuận an toàn. Tài sản có thu nhập cố định hiện chiếm khoảng 1/3 danh mục đầu tư của ông.

Vợ chồng ông đang lên kế hoạch cho chuyến đi vòng quanh nước Mỹ và đến Tây Ban Nha. Họ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt gia đình với những bữa ăn được phục vụ.

Mức tăng giá cổ phiếu và thu nhập từ trái phiếu gần đây giúp Hernandez có điều kiện tốt hơn để đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm và giúp hai cậu con trai mua nhà trong tương lai.

“Tôi sẽ không mang theo số tiền đó khi chết”, ông nói.

Thu nhập chảy vào túi của những người Mỹ như Hernandez đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa một số nhà phân tích về việc liệu lãi suất cao hơn có thực sự kích thích nền kinh tế hay không.

Washington đã bơm hàng nghìn tỉ đô la trong những năm gần đây để cứu trợ trong đại dịch Covid-19, trợ cấp các dự án năng lượng sạch… Chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh bán trái phiếu để huy động vốn tài trợ cho ngân sách với múc thâm hụt ngày càng tăng. Theo Bộ Thương mại, với khối nợ công ngày càng tăng, cùng với lãi suất cao nhất trong hơn hai thập niên, chi phí lãi vay của chính phủ đã lên mức gần 1,1 nghìn tỉ đô la hàng năm.

Nhưng chi phí lãi vay đó chính là thu nhập của các công ty giàu tiền mặt hoặc những người Mỹ gửi tiền tiết kiệm vào các quỹ thị trường tiền tệ, chủ yếu đầu tư trái phiếu với lợi nhuận 5% hàng năm.

Andy Constan, CEO của Công ty tư vấn đầu tư Damped Spring Advisors, cho biết khoản thanh toán lãi trái phiếu chính phủ cao hơn có thể đã thúc đẩy tổng chi tiêu của người Mỹ. Nhưng với việc Fed phát tín hiệu khó có thể tăng lãi suất thêm, tốc độ tăng trưởng thu nhập từ trái phiếu dự kiến ​​sẽ chậm lại đáng kể.

Trong khi đó, chi phí đi vay cao hơn đang gây áp lực lên nhiều doanh nghiệp nhỏ cần vay vốn, cũng như người mua nhà tiềm năng đang tìm cách vay thế chấp và những người Mỹ có thu nhập thấp hơn đang mắc nợ thẻ tín dụng.

“Ở giai đoạn này, lãi suất cao hơn sẽ khiến nền kinh tế chịu tổn thương nhiều hơn”, Constan nhận định.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới