Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thịt trâu gác bếp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thịt trâu gác bếp

Phương Kiều

(TBKTSG Online) - Tôi thật không thể nào quên cái buổi xế chiều hôm ấy, khi được chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú hai bên con đường ở vùng cao Tây Bắc; dưới lũng sâu có những thửa ruộng bậc thang diễm ảo làm nao lòng khách phương Nam.

Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp. Ảnh: Phương Kiều

Nơi là những mảnh ruộng lúa chìn màu vàng mơ, nơi là con gái dậy thì với những gié đòng đòng đang độ mởn xanh. Rồi thì một màu vàng rộm choàng kín cả một vùng đất vòng cong uốn lượn. Sao quên được ánh nắng vàng vọt buổi xế chiều xiên khoai xuống mặt thửa ruộng óng ánh trắng một màu nước. Tất cả, ngoằn ngoèo uốn éo, nhấp nhô cao thấp, tạo thành bức tranh thủy mặc tĩnh mà động, đa sắc, mê hoặc mắt nhìn tôi.

Rồi con đường đèo quanh co như rắn, hay nói không ngoa là như rồng uốn lượn quanh những sườn núi cao chót vót, ôm những khối mây mù trắng đục bãng lãng. Con đường đó đưa tôi đến nhà Tần Ê Loan. Dù mới quen, nhưng Ê Loan không ngần ngại rủ tôi đến chơi nhà cô “cho biết”. Và, tôi đã biết thế nào là “nét riêng” Tây Bắc. Nhưng cô bảo chưa là gì, nếu chưa đến, chưa sống với một gia đình người H’Mông, dân tộc cô. Vậy rồi tôi đã chìm trong nhiều cảm giác ngây ngất khó diễn tả, nhất là khi được thưởng thức món ngon: thịt trâu gác bếp.

Trâu là con vật quý, là gia tài của người dân tộc Tây Bắc. Nên, người ta chỉ làm thịt trâu khi nó già, mất sức lao động, hoặc khi nó ngã ra vì rét đậm. Khi làm thịt trâu, người ta chọn những miếng thịt bắp đem treo gác bếp để dành. Trong con trâu, thịt bắp ngon nhất vì sự săn chắc do trâu vận động nhiều khi được thả rông trên đồi núi vùng cao.

Thịt bắp được cắt từng tảng khá lớn, ướp gia vị là sản phẩm núi rừng, gọi là “chéo”. Đó là thảo quả, ớt, gừng cùng một số loại lá thơm, theo bí quyết của đồng bào các dân tộc nầy. Đặc biệt, trong số gia vị ướp thịt trâu không thể thiếu mắc khén - một loại tiêu rừng. Ướp xong, tảng thịt treo trên bếp lửa, khói bếp từng ngày dần xông khô nó. Cho nên tảng thịt để được cả năm trời, không cần bảo quản.

Tần Ê Loan thổ lộ với tôi như vậy về đặc sản Tây Bắc quê hương cô khi đưa tôi ra gian bếp ám khói nhà mình. Trong không gian khá tăm tối ấy nhưng lại ấm áp và thơm mùi thơm lạ kỳ toát ra từ những tảng thịt treo tòn ten trên bếp. Ê Loan vói tay lấy một tảng thịt đen ngòm, rồi mời tôi vào ngồi cùng gia đình cô trong bữa cơm chiều.

Cô xé từng miếng bự thịt trâu trao tôi, bảo chấm vào chén chéo. Tôi làm theo, chỉ mới đưa lên miệng, đã nghe mùi thơm của chéo lan tỏa. Miếng thịt trâu đen đủi, khô khốc tưởng nhám xàm nhưng càng nhai tôi càng nghe mùi thơm, cay, chua, mặn, ngọt đằm thắm miệng lưỡi ngào ngạt hương vị hoang dã núi rừng. Trời ạ, nó lại có lẫn mùi khó tả của khói bếp nữa. Ê Loan bảo thịt trâu gác bếp phải ăn từng miếng xé to mới được nó tiết ra vị ngọt như thế. Rồi cô rót đầy cho tôi chén rượu ngô đặc sản lừng danh Tây Bắc. Chiêu ngụm rượu màu vàng chanh, tôi nghe mùi thơm của ngô hòa vị ngọt vị cay men rượu rần rật lan tỏa khắp người. Sảng khoái. Quả thật, rượu ngô xứng danh mỹ tửu núi rừng vùng cao mà người đời đã ban tặng.

Tôi lâng lâng say trong bóng đêm vừa ập xuống, say thịt, say rượu, say cả tình cảm ấm áp của cả một gia đình mới quen, thành kỷ niệm khó phai, hoài nhớ trong tâm khảm bất cứ lúc nào về một vùng đất Tây Bắc biệt trùng xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới