Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Báo cáo ESG: tìm kiếm lăng kính phù hợp đánh giá hoạt động ESG của doanh nghiệp

Ngọc Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xếp hạng ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) gần đây nổi lên như một yếu tố quan trọng trong việc thể hiện cam kết phát triển bền vững, cũng như là một lăng kính để khách hàng và nhà đầu tư đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi có nhiều cơ quan khác nhau đưa ra các đánh giá và xếp hạng ESG, việc biết ai đánh giá và xây dựng các chiến lược nhằm tối đa hóa lợi ích xếp hạng ESG là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch Tiểu Ban Phát triển Xanh GGSC của EuroCham Đồng Chủ tịch ESG Task Force thuộc Phòng Thương mại Pháp (CCIFV) Đồng sáng lập ESGs & Climate Consulting, chia sẻ việc lập báo cáo ESG tại hội thảo. Ảnh: MINH KHOA

Các vấn đề trên bàn luận tại hội thảo báo cáo và xếp hạng ESG trong chuỗi ESG MasterClass được đảm nhiệm bởi Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững.

Đây là một phần của Diễn đàn ESG 2024 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), phối hợp với Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham (GGSC), Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững tổ chức, với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động”. Diễn đàn thu hút hơn 200 người, là doanh nghiệp và chuyên gia về phát triển bền vững, ESG trong nước và quốc tế.

Định hướng xếp hạng ESG trên phương diện quốc tế

Việc thực hành ESG được tích hợp vào các hoạt động vận hành kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, việc có một công cụ đánh giá và đo lường các hoạt động ESG hay rộng hơn là phát triển bền vững là rất quan trọng.

Xếp hạng ESG (ESG Rating) là một công cụ đánh giá cho phép đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị công ty (Governance). Mỗi tiêu chí có một hệ thống đánh giá và cho điểm riêng, cộng tổng lại thành “Điểm ESG” (ESG Score).

Ngoài ra, xếp hạng ESG còn giúp định lượng và tiêu chuẩn hóa các rủi ro tài chính liên quan đến các yếu tố ESG, thông qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động ESG và định hướng chiến lược đầu tư phù hợp.

Tại buổi hội thảo, bà Allinnettes Go Adigue, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Tổ chức Global Reporting Initiative (GRI), chia sẻ hiện nay đã có một số bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp trên quốc tế. Trong đó, có tiêu chuẩn GRI về báo cáo phát triển bền vững, các bộ tiêu chuẩn IFRS S1 và IFRS S2 của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) và tiêu chuẩn Báo cáo Bền vững của Châu Âu (ESRS). Ngoài ra, còn có đánh giá xếp hạng ESG ratings của Bloomberg, S&P Global ESG Scores, ISS (Institutional Shareholder Services) ESG Ratings & Rankings...

Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn nhất liên quan đến đầu tư ESG là sự không nhất quán giữa các chỉ số và xếp hạng ESG. Điều này gây khó khăn cho các nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư và người tiêu dùng trong việc đưa ra những hiểu biết và so sánh đáng tin cậy giữa các công ty.

Do đó, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện đối với báo cáo bền vững cũng như báo cáo ESG. “Quan trọng là doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực của mình để tìm bộ tiêu chuẩn phù hợp, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị khác", bà nói.

Các chỉ số đo lường và báo cáo ESG tại Việt Nam

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch Tiểu Ban Phát triển Xanh GGSC của EuroCham, chia sẻ việc lập báo cáo phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng tại các doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới và Việt Nam. Báo cáo hay đo lường phát triển bền vững cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đang ở đâu, có những điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần được cải thiện.

Ngoài ra, báo cáo phát triển bền vững còn có những giá trị như giúp thu hút sự tham gia của các bên liên quan, kêu gọi vốn, tăng tính cạnh tranh cũng như đẩy mạnh thương hiệu và uy tín doanh nghiệp.

Hiện nay, đã có một số chỉ số đo lường phát triển bền vững được áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, có Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), CSI, GRI, VNSI.

Tại sự kiện trên, bà Nguyễn Nam Anh, Giám đốc Phòng Quản lý Niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), giới thiệu sơ lược về bộ chỉ số VNSI. VNSI là một bộ chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh, bao gồm các công ty niêm yết có điểm số cao nhất về tính bền vững dựa trên hơn 100 tiêu chí thành phần trên 3 khía cạnh môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G).

Bộ chỉ số VNSI được xây dựng với mục tiêu tạo ra công cụ tham khảo đầu tư dựa trên khía cạnh phát triển bền vững của doanh nghiệp nhằm khuyến khích và vinh danh các doanh nghiệp niêm yết có cam kết và thực hành về phát triển bền vững.

Bà cho biết, hiện số lượng công ty niêm yết có báo cáo phát triển còn ít. Tính đến năm 2022, chỉ có 16 công ty. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng báo cáo ESG đã và đang được cải thiện qua các năm. Một điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp có điểm ESG tốt thường có mức tăng trưởng khá tốt so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán.

Cũng theo bà, các doanh nghiệp cần minh bạch trong công bố thông tin cũng như nâng cao năng lực thu thập và xác minh dữ liệu, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin được cung cấp. Cùng với đó là cần sự chung tay phối hợp với các cơ quan quản lý, các định chế tài chính, các công ty kiểm toán trong việc thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện ESG và lập báo cáo phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới