Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước nghèo phải hy sinh giáo dục, y tế để trả nợ

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với 29 ngàn tỉ đô la Mỹ nợ công. Con số đáng kinh ngạc này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài hàng thập kỷ đang trở nên tồi tệ hơn. Hàng chục nước rơi vào tình thế phải dành ngân sách để thanh toán lãi suất nhiều hơn chi cho các dịch vụ thiết yếu như y tế hoặc giáo dục.

Các nước nghèo đang phải gánh chịu sức nặng ngày càng tăng nhanh từ những khoản nợ công. Ảnh minh họa: Unsplash

Tuần trước, một cuộc họp quan trọng đã diễn ra tại Vatican, tập trung vào khủng hoảng nợ toàn cầu. Theo tờ New York Times, thông điệp của Đức Giáo hoàng Francisco vẫn mang tính cấp bách và sâu sắc: các nước nghèo nhất thế giới đang bị đè bẹp dưới những khoản nợ không thể quản lý được và các nước giàu hơn phải làm nhiều hơn để hỗ trợ cho họ.

Đầu tư công: chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, đầu tư công là yếu tố then chốt đối với các nền kinh tế đang tăng trưởng và mới nổi. Mảng này đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục là nền tảng để cải thiện mức sống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Những khoản đầu tư này không chỉ tạo ra việc làm mà còn nâng cao năng suất và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng đã làm phức tạp những nỗ lực này, đòi hỏi phải đánh giá lại các cấu trúc tài chính quốc tế và cả chính sách của các nước bị nợ.

Cơ sở lý thuyết cho đầu tư công có thể được truy nguyên từ “kinh tế học Keynes”, theo tên nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng John Maynard Keynes. Lý thuyết này cho rằng, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chi tiêu của chính phủ phải tăng lên, đây là điều cần thiết để kích thích nhu cầu và kéo nền kinh tế ra khỏi suy thoái.

Keynes lập luận, trong thời kỳ mà hoạt động khu vực tư nhân thấp, việc chính phủ can thiệp vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, chủ yếu là đầu tư công và cắt giảm thuế có thể giúp tăng tổng cầu, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định nền kinh tế.

Trên thực tế, theo một bài báo được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 2-2024, các chính sách kiểu Keynes đã được áp dụng, nhưng với mức độ thành công khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Nước Mỹ, khi nổ ra đại khủng hoảng hồi những năm 1930 đã triển khai New Deal, bao gồm một loạt các chương trình, dự án công cộng và cải cách tài chính. Nhờ đó mà đã thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tương tự, Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã dùng đầu tư công sâu rộng để tái thiết nền kinh tế, nhờ đó đã biến đất nước thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Ngược lại, một số nước lại gặp thất bại đáng kể vì chiến lược đầu tư công không mang lại kết quả mong đợi. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp năm 2009 là một ví dụ điển hình. Do quản lý kém và vay mượn quá mức nên nước này đã rơi vào khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Vì thế, cả nước đã phải thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt khiến cho tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm và các vấn đề xã hội trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều nước châu Phi cũng đã gặp khó khăn với đầu tư công không hiệu quả do tham nhũng, kế hoạch hóa kém và nạn vô trách nhiệm, dẫn đến lãng phí tài nguyên và nợ nần chồng chất, theo Akira Nakamura trong một nghiên cứu được công bố vào tháng giêng năm 2018.

Phối cảnh nhà máy LEGO ở tỉnh Bình Dương, một dự án FDI xanh. Ảnh: TTXVN

Đầu tư xanh không dễ đối với các nền kinh tế mới nổi

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công ngày càng hướng tới các sáng kiến xanh nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Đầu tư công xanh bao gồm các dự án như phát triển năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và cơ sở hạ tầng kiên cố. Mặc dù những dự án này rất quan trọng cho sự bền vững môi trường nhưng thường phức tạp và đòi hỏi nhiều vốn.

Các nền kinh tế mới nổi gặp phải nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực và công nghệ cần thiết để thực hiện hiệu quả các dự án xanh. Ngoài ra, các khoản đầu tư này không đem lại lợi ích kinh tế ngay lập tức. Bởi thế, việc thu hút sự ủng hộ của giới chính trị và công chúng quả có khó khăn.

Thế nhưng, bốn nước đang phát triển, gồm Chile, Ai Cập, Indonesia và Morocco lại đang có bước tiến đáng kể về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) xanh. Các quốc gia này đều khá khác nhau. Chẳng hạn, dân số của Chile chỉ khoảng 20 triệu so với 276 triệu của Indonesia nhưng mỗi nước đều thu hút được đầu tư đáng kể. FDI xanh vừa giúp giữ cho nền kinh tế đồng bộ với xu hướng toàn cầu vừa nhắm đến các cơ hội tăng trưởng mới.

Thành công của những nước này một phần là nhờ vào các thực hành tốt nhất về FDI, chẳng hạn như quy định hợp lý, với các cơ quan xúc tiến đầu tư phối hợp xem xét và giúp nhân viên quản lý làm quen với công nghệ mới. Chính phủ cũng tập trung vào việc  phát triển nguồn nhân lực và đào sâu kiến thức địa phương. Các đặc thù địa phương còn giúp cho con đường của mỗi nước trở nên khác biệt. Đây là điểm nổi bật trong nghiên cứu công bố hồi tháng 3-2023 của nhóm nghiên cứu do Veronica Chau dẫn đầu.

Cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu hiện nay đã trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố bên ngoài. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế toàn thế giới, làm giảm lợi nhuận kinh doanh và thu nhập của người lao động trong khi lại thúc tăng chi phí y tế và cứu trợ.

Các cuộc xung đột như ở Ukraine cũng đã đẩy giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, trong khi nỗ lực của các ngân hàng trung ương để chống lạm phát thông qua việc tăng lãi suất đã làm căng thẳng thêm ngân sách quốc gia. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại, làm phức tạp thêm những khó khăn mà các quốc gia nặng nợ phải đối mặt.

Lời kêu gọi xóa nợ gần đây của Đức Giáo hoàng Francisco nhấn mạnh đến những nhu cầu đạo đức và thực tiễn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Theo tờ New York Times, ngài đã kêu gọi một "kiến trúc tài chính quốc tế mới" táo bạo và sáng tạo, phản ánh bản chất phức tạp của các thách thức nợ hiện đại.

Cấu trúc nợ hiện tại rõ là khác biệt đáng kể so với các thập kỷ trước, với một loạt các chủ nợ đủ loại, bao gồm các công ty tư nhân chuyên cho vay tư nhân và cả các nước như Trung Quốc, bên cạnh các tổ chức quốc tế truyền thống như Ngân hàng thế giới (World Bank) và Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF).

IMF và World Bank, thành lập cách nay hơn 80 năm, ngày càng được xem là không đủ sức giải quyết các vấn đề nợ toàn cầu phức tạp hiện nay. Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng tại World Bank, đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của một khung tái cấu trúc nợ mới có thể giải quyết hiệu quả các thực hành vay mượn hiện đại.

Các căng thẳng chính trị và kinh tế, đặc biệt là giữa các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ, theo tờ New York Times. Thế nhưng, hiện không có cơ quan quốc tế nào tương đương với tòa phá sản để hòa giải tranh chấp và thực thi các giải pháp cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới