Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bản chất kinh tế tuần hoàn và những thách thức khi áp dụng ở Việt Nam

Trần Hương Giang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các mô thức chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần được xem xét và đánh giá để có thể áp dụng vào nền kinh tế Việt Nam một cách thực chất.

Khi nhắc đến kinh tế tuần hoàn, người ta thường nghĩ đến hình ảnh nghệ thuật trồng cây theo hệ sinh thái Terrarium - trong đó nghệ nhân xây dựng một môi trường sống tự nhiên cân bằng, đảm bảo tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín để cho sinh vật có thể sinh trưởng tốt mà không cần nhờ vào sự can thiệp bên ngoài. Như vậy, chất thải đầu ra của một hoạt động sẽ bằng cách nào đó lại trở thành nguyên liệu đầu vào cho một hoặc một vài hoạt động còn lại.

Kinh tế tuần hoàn về cơ bản có sự khác biệt với nền kinh tế tuyến tính ở thái độ ứng xử của con người với tự nhiên. Thay vì khai thác cạn kiệt và không ngừng phát thải ra môi trường, con người phải hướng đến việc toàn dụng các nguồn lực thông qua cách thức khai thác tiết kiệm, cách sử dụng nguyên liệu đầu vào một cách khoa học và trách nhiệm phải đầu tư trở lại cho môi trường.

Hiện nay, tốc độ tiêu thụ tài nguyên trên thế giới đang nhanh hơn 50% so với tốc độ tái tạo lại của tự nhiên. Và với thực trạng tiêu thụ của nền kinh tế tuyến tính, dự báo đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ của loài người sẽ đòi hỏi lượng tài nguyên khai thác từ hai hành tinh, và đến năm 2050 là ba hành tinh(1). Mặc dù tốc độ gia tăng dân số về lâu dài sẽ giảm, nhưng sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu với nhu cầu tiêu thụ cao cả về chất lượng và số lượng cũng là một bài toán nan giải của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là một giải pháp tự nhiên phù hợp với quá trình tiến hóa của xã hội loài người trong nhu cầu cân bằng với môi trường. Tuy nhiên, các mô thức chuyển đổi này cũng cần được xem xét và đánh giá để có thể áp dụng vào nền kinh tế Việt Nam một cách thực chất.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn và cách thực hiện

Để đảm bảo quá trình thích ứng, lộ trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn có thể được thực hiện dần, các tổ chức, cá nhân phải trải nghiệm qua nhiều mô hình từ nhỏ cho đến lớn. Hơn nữa, việc xây dựng và vận hành mô hình kinh tế cũng còn chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm phối hợp của các đối tượng trong xã hội và năng lực thực thi của các bên liên quan.

Cách đơn giản để thiết kế và vận hành được một mô hình kinh tế tuần hoàn nhỏ ngay lập tức đó là việc một doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và phối hợp với khách hàng của mình để tạo nên vòng lặp tuần hoàn giữa sản xuất và tiêu dùng. Ví dụ doanh nghiệp có thể chủ động tiết giảm hoặc tái sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào cùng với việc thay đổi mô hình hoạt động của mình sao cho đảm bảo có thể tái chế được nhiều nhất các chất thải đầu ra. Doanh nghiệp cũng có thể kết hợp với đối tác để có thể được cung ứng nguyên liệu phù hợp với mục đích tái chế sau khi sử dụng sản phẩm.

Kinh tế tuần hoàn về cơ bản có sự khác biệt với nền kinh tế tuyến tính ở thái độ ứng xử của con người với tự nhiên. Thay vì khai thác cạn kiệt và không ngừng phát thải ra môi trường, con người phải hướng đến việc toàn dụng các nguồn lực thông qua cách thức khai thác tiết kiệm, cách sử dụng nguyên liệu đầu vào một cách khoa học và trách nhiệm phải đầu tư trở lại cho môi trường.

Bên cạnh đó, ở mô hình này, các doanh nghiệp còn phải kết hợp được với khách hàng để đảm bảo tạo được một vòng lặp khi khách hàng sẵn sàng phối hợp trong việc thu gom sản phẩm sau khi sử dụng và chi trả cho các hạng mục dán nhãn xanh. Như vậy, để người tiêu dùng hợp tác trong việc đưa các sản phẩm đầu ra quay trở lại với vòng tuần hoàn đòi hỏi phải có vai trò của hệ thống giáo dục, khả năng truyền thông để thay đổi tư duy, thái độ của người dân và khả năng doanh nghiệp tác động thay đổi quan điểm của thị trường.

Cách thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn tầm trung phức tạp hơn một chút khi việc tạo vòng lặp trên một chuỗi giá trị sản phẩm đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nắm giữ các công đoạn khác nhau trong một chuỗi và tất cả phải phối hợp để thay đổi. Ví dụ, trên một chuỗi giá trị sản xuất bao gồm nhiều công đoạn với nhiều doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, thiết kế và chế tạo nên sản phẩm, đóng gói, dán nhãn, thương mại..., việc chuyển đổi chuỗi giá trị có khi đòi hỏi phải cung cấp nguyên liệu đầu vào có khả năng tự phân hủy hay tái sử dụng; việc thiết kế và chế tạo phải tính toán luôn khả năng tái chế cho vòng đời sản phẩm tiếp theo; việc đóng gói, dán nhãn hay phân phối trên thị trường phải tính toán luôn khả năng thu gom được các phế phẩm đầu ra... Thậm chí, một số chuỗi tuần hoàn đòi hỏi phải mời thêm các doanh nghiệp mới thuộc lĩnh vực hoàn toàn khác vào để thu gom và xử lý các nguồn rác thải đầu ra để tạo thành nguyên liệu đầu vào cho một chuỗi giá trị mới.

Riêng đối với mô hình kinh tế tuần hoàn quy mô lớn, vai trò của chính quyền cấp khu vực và quốc gia là rất quan trọng. Việc đưa ra các công cụ chính sách và công cụ dựa vào thị trường kết hợp với quá trình quản lý và kiểm soát là cần thiết để đảm bảo các bên liên quan trong xã hội có thể đi vào khuôn khổ của nền kinh tế tuần hoàn. Vòng tuần hoàn cũng có thể được nhìn nhận theo vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và quá trình mua sắm công của chính phủ cần đáp ứng việc tham gia vào các mô hình kinh tế tuần hoàn quy mô nhỏ và trung bình bên trên. Hơn nữa, vai trò của chính phủ còn thể hiện ở việc lên kế hoạch để huy động các nguồn lực và các đối tượng khác nhau trong xã hội cùng tham gia xây dựng và vận hành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Các chiến lược theo đuổi mô hình doanh nghiệp tuần hoàn

Thông thường, các doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn một hoặc kết hợp ba chiến lược theo đuổi mô hình doanh nghiệp tuần hoàn bao gồm: Giữ quyền sở hữu sản phẩm (Retain Products Ownership - RPO), Kéo dài tuổi thọ sản phẩm (Products Life Extension - PLE), Thiết kế tái chế (Design For Recycling - DFR).

Chiến lược giữ quyền sở hữu sản phẩm thường được thực hiện thông qua việc nhà sản xuất sẽ không bán sản phẩm của mình mà tiến hành cho thuê. Với cách làm này, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của mình và có thể thu hồi nó cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng sau đó. Các sản phẩm máy móc có giá trị cao như máy photocopy, máy truyền hình có vẻ phù hợp với chiến lược này. Tuy nhiên, sản phẩm cung cấp cho khách hàng lúc này không phải ở dạng vật chất mà là một loại hình dịch vụ đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đáp ứng các nhu cầu cao của khách hàng và phải đảm bảo được các dịch vụ hậu mãi để tăng tính kết nối liên tục với khách hàng.

Chiến lược kéo dài tuổi thọ sản phẩm đòi hỏi nhà sản xuất tập trung vào vấn đề kỹ thuật trong thiết kế để kéo dài thời gian tồn tại của sản phẩm. Tuổi thọ sản phẩm kéo dài hơn cũng giúp cắt giảm việc tiêu tốn nguồn nguyên liệu đầu vào. Chiến lược này có thể vấp phải sự e ngại của doanh nghiệp về việc đảm bảo doanh số bán hàng, tuy nhiên, việc sản phẩm bền hơn sẽ được bán với mức giá cao hơn có khả năng đảm bảo được doanh thu cao cho bên bán và cũng tạo thói quen gắn bó với sản phẩm của mình, ngăn khách hàng chuyển sang sử dụng các thương hiệu khác. Chiến lược này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị gia dụng được đề cao về độ bền và cũng không dễ dàng cho thuê.

Chiến lược thiết kế tái chế đòi hỏi năng lực của nhà sản xuất phải có khả năng thiết kế lại sản phẩm và quy trình sản xuất của họ nhằm tối đa hóa khả năng thu hồi các nguyên liệu liên quan để sử dụng trong các sản phẩm mới. Chiến lược này lệ thuộc rất lớn vào chuyên môn công nghệ của nhà sản xuất trong việc chế tác các thiết bị, vật liệu từ sản phẩm cũ thành sản phẩm mới. Trong một số trường hợp, nhà sản xuất có thể phải mời thêm một đối tác mới để tham gia tái chế các thiết bị nhằm tạo ra một dòng sản phẩm khác hẳn với lĩnh vực của họ.

Việc lựa chọn chiến lược nào tùy thuộc vào hai yếu tố chính đó là: khả năng tiếp cận thị trường để có thể thu hồi hoặc tác động đến sản phẩm sau khi sử dụng và khả năng thực hiện các quy trình tái chế, tái sử dụng sản phẩm như mô tả bởi ma trận chiến lược doanh nghiệp tuần hoàn bên dưới. Nhìn chung, doanh nghiệp phải trả lời được hai câu hỏi chính đó là: Việc lấy lại sản phẩm của tôi có dễ dàng hay không? Và quy trình lấy lại giá trị từ sản phẩm của tôi có dễ dàng hay không? Cả hai câu hỏi này đều lệ thuộc rất lớn vào đặc điểm phản ứng của thị trường và năng lực của doanh nghiệp.

Thách thức cho Việt Nam khi xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn

Việc xây dựng và vận hành các mô hình kinh tế tuần hoàn và doanh nghiệp tuần hoàn về nguyên lý có vẻ dễ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai lại dễ vấp phải một số thách thức rất lớn đến từ các vấn đề sau:

Cơ bản kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự thay đổi tư duy bán hàng và tiêu dùng từ việc bán và sở hữu các sản phẩm vật chất sang bán và thụ hưởng các giá trị sử dụng của sản phẩm đó. Điều này đòi hỏi khách hàng phải thay đổi cách suy nghĩ và tiếp nhận hình thức bán hàng mới, trong khi đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức vận hành và hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp. Sự phối hợp này đặc biệt khó thực hiện đối với nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực chuyển đổi hạn chế và thị trường bao gồm người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình và tư duy sở hữu truyền thống.

Sự thay đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn càng ở quy mô lớn càng đòi hỏi phải định nghĩa lại các giá trị cung ứng đi đôi với dòng doanh thu được chi trả, trong đó, một số doanh nghiệp trên chuỗi cung ứng mới có thể sẽ bị thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ của họ trở nên yếu thế, ít được đề cao hơn. Điều này khiến một số doanh nghiệp không có động cơ tham gia chuỗi giá trị của nền kinh tế tuần hoàn, thậm chí có động thái kháng cự. Vấn đề này rất cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp đầu đàn hoặc từ vai trò của chính phủ để đảm bảo các bên liên quan đều có động cơ tham gia xây dựng và vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cuối cùng, việc chưa thể đưa các chương trình kinh tế tuần hoàn vào giáo dục, truyền thông đến công chúng cũng như chưa tạo lập được các công cụ chính sách, công cụ thị trường sẽ khiến nền kinh tế khó có được áp lực thúc ép chuyển đổi để có thể xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn đi vào thực chất hơn là hình thức.

(*) Giám đốc chuyên môn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - Tâm Việt Education
(1) Theo nghiên cứu của nhóm tác giả
Mark Esposito, Terence Tse, Khaled Soufani của Đại Học California năm 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới