Thứ năm, 31/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai tuần ‘bình ổn tâm lý’ thị trường vàng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Điều may mắn là tâm lý thị trường có vẻ như đang dần ổn định trở lại, trong bối cảnh lượng bán ra vẫn hạn chế và sức ép thế giới đang giảm bớt. Vấn đề là các giải pháp trong dài hạn hơn sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới, khi vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng cung ứng, sức cầu của dân và cả sức ép từ các công ty kinh doanh vàng.

Giao dịch tại Agribank vào ngày đầu bán vàng trực tiếp. Khi đó nhiều người dân vẫn mua được với số lượng 3-4 miếng SJC. Ảnh: V.D.

Giá vàng trên đà xuống, sức mua vẫn chưa giảm

Hôm nay (19-6), hơn hai tuần sau Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu bán vàng cho các ngân hàng quốc doanh và SJC để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân, giá bán công bố vẫn là 76,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này đã giữ nguyên 10 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường vàng miếng đang có những diễn tiến mới trong “cơn say” vàng hiện nay.

Trở lại chuyện NHNN quyết định bán vàng miếng trực tiếp cho người dân. Khi đó, giá vàng miếng thương hiệu SJC trong nước đã tăng 22% kể từ đầu năm, lên mức cao kỷ lục mới 92,4 triệu đồng mỗi lượng vào đầu tháng Năm vừa qua. Hệ lụy của việc này là kéo giãn khoảng cách giữa giá vàng nội địa với giá vàng thế giới lên mức kỷ lục và gây áp lực lên tỷ giá.

Trước tình hình này, sau 11 năm gián đoạn, vào ngày 19-4, NHNN đã khởi động lại việc bán đấu giá vàng. Tuy nhiên, "cơn sốt vàng" chưa dừng lại sau 9 lần đấu giá, với khoảng 48.000 lượng cung cấp cho các tổ chức tín dụng và công ty trang sức trong nước.

Sau đó, NHNN thay đổi cách bán, bán cho Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank để những nơi này trực tiếp bán lại cho người dân. Từ giá bán của NHNN, các đơn vị này sẽ cộng thêm mỗi lượng vàng 1 triệu đồng để bán ra.

Sau tuần đầu tiên bán vàng theo kiểu này, những thách thức mới đã xuất hiện. Đó là, lượng người xếp hàng quá đông; phải chờ đợi quá lâu để đến lượt mua hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế

Lãnh đạo một Ngân hàng quốc doanh chia sẻ, thống kê cho thấy đa phần người dân đăng ký chỉ mua từ 1-2 lượng trong khi nhiều người có nhu cầu cao hơn.

Sau đó, các nhà băng bắt đầu mở cửa bán trực tuyến, mở đầu bằng Vietcombank, sau có thêm BIDV và Agribank và VietinBank. Việc bán trực tuyến dù giảm hàng dài chờ đợi, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh rằng rất khó đăng ký và chỉ còn được mua 1 lượng.

Xét theo mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng, cách bán trực tiếp này dường như đã phát huy tác dụng khi cung ứng được số lượng lớn hơn so với phương án đấu giá trước đó và thu hẹp đáng kể chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thống kê của Công ty chứng khoán Maybank cho biết có khoảng 84.000 lượng vàng bán ra trong 5 ngày đầu tiên thực hiện bán vàng trực tiếp (so với 48.000 lượng trong 9 cuộc đấu giá trong 14 ngày trước đó. Trong khi đó, khoảng cách giá giữa vàng miếng thương hiệu SJC và vàng toàn cầu cũng thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 3 năm chỉ còn 6,5 triệu đồng mỗi lượng (so với mức 20 triệu đồng/lượng vào tháng trước đó). Trong tuần thứ hai, mức chênh lệch khoảng 5 triệu đồng/lượng, tức khoảng 6% giá vàng SJC bán ra, theo Công ty chứng khoán SSI.

Cần thêm giải pháp dài hạn

Có thể nói rằng, một trong những lý do giúp tâm lý thị trường vàng “bình ổn” hơn là nhờ vào việc giá vàng thế giới suy yếu. Trong đó, dấu mốc quan trọng là thông tin Ngân hàng Nhà Nước Trung Quốc (PBOC), nơi mua vàng nhiều nhất vào năm ngoái đã không mua thêm trong tháng 5 vừa qua, kết thúc chuỗi 18 tháng liên tục tích lũy kho vàng dự trữ. Khi đó, giá vàng giảm 3,5%.

Đến sáng nay (ngày 19-6), giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới (theo số liệu Kitco)  xoay quanh mức 2.329 đô la Mỹ/ounce, phục hồi khoảng 1,8% so với mức đáy trong tháng 6. Giá vàng vẫn ở trong xu hướng giảm, khi giảm 2,5% so với mức đỉnh vào cuối tuần đầu tiên của tháng 6, và giảm hơn 4,9% so với mức đỉnh trong tháng Năm.

Ảnh hưởng giá vàng thế giới được các chuyên gia và cơ quan quản lý đánh giá là biến số quan trọng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong thời gian tới và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá vàng thế giới. Nếu tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tăng vẫn lớn thì nhu cầu mua vào của người dân vẫn sẽ ở mức cao, đặc biệt khi mức chênh lệch đã thu hẹp.

"Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho khả năng cung ứng vàng của NHNN trong giai đoạn tới”, ông nói.

Về quan điểm quản lý thị trường vàng, mục tiêu của NHNN là giảm mức chênh lệch giữa giá vàng nội địa và giá vàng thế giới chứ không phải là giảm giá vàng miếng. Trong bối cảnh yếu tố giá vàng thế giới là không thể kiểm soát, vấn đề đặt ra hiện nay là bình ổn tâm lý của người mua vàng nội địa.

Trong bối cảnh nguồn cung vàng ngắn hạn vẫn còn hạn chế và nhiều giải pháp còn mang tính hành chính, hàng loạt chính sách mới về quản lý thị trường vàng cho mục tiêu dài hạn hơn đang được đưa ra thảo luận.

Hồi đầu tháng Sáu, trong cuộc họp bàn về chính sách quản lý thị trường vàng và hướng sửa đối Nghị định 24/2012, thông tin từ NHNN dẫn lại cho thấy nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm triển khai thực thi các chính sách thuế đối với thị trường vàng.

Chẳng hạn, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, việc áp dụng các chính sách thuế không chỉ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và có thể gây ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng mà còn đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Trong khi đó TS. Trương Văn Phước cho rằng, NHNN chỉ nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng, trao lại việc chế biến gia công cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới